Với nhiều người Nga, Tết cổ truyền của Việt Nam như một điển hình đặc sắc của văn hóa Việt.
Tết và văn hóa ngày Tết của người Việt
Tết Nguyên đán để lại trong lòng người Nga những ấn tượng sâu sắc. Khá nhiều người Nga đều biết rằng ngày 10/2 năm nay sẽ là ngày Tết của Việt Nam và họ hỏi nhau, năm mới có phải là năm con Rồng không? Điều đó có ý nghĩa như thế nào? Vào ngày Tết người Việt ăn mặc ra sao? Họ ăn những món ăn gì? Cần chuẩn bị những gì?…
Ông Anatoly Socolov, cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga chia sẻ, Tết Việt Nam rất đặc biệt, đó là thời điểm bắt đầu của mùa xuân. Khác với nước Nga, năm mới là vào mùa đông. Ở bên Nga, nếu như năm mới nhất định phải có cây thông thì ở Việt Nam ngày Tết phải có hoa đào, hoa mai và cây quất. Không có những thứ đó thì không phải là Tết. Ngày Tết, hầu như gia đình người Việt nào cũng có hoa đào, hoa mai và cây quất, thay cho cây thông năm mới của người Nga.
“Tết ở Việt Nam có hoa đào và mang ý nghĩa rằng, đó là khởi đầu cho một năm mới, một thời kỳ mới trong cuộc đời mỗi con người. Ai cũng có những hy vọng mới, những mơ ước mới và đều mong rằng những mơ ước đó trở thành hiện thực”, ông Anatoly Socolov nhấn mạnh.
Với những người từng được sang Việt Nam học tập, công tác hay du lịch vào dịp Tết, điều họ thấy khác biệt nhất là không khí chuẩn bị Tết rộn ràng ở khắp mọi nơi. Những ngày giáp Tết, trên các đường phố những cành đào, cây quất được chở trên những chiếc xe máy, ô tôrồi theo chân người Việt về các ngôi nhà. Thậm chí có người Nga rất thích thú khi thấy một cành đào xinh xinh nhún nhảy trên ba lô của anh lính trẻ trong bộ quân phục màu xanh lá cây. Nét mặt anh lính thật hân hoan, náo nức.
Cô Svetlana Glazunova, giáo viên dạy tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (viết tắt là MGIMO), ấn tượng sâu sắc nhất với phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt. Hầu như trong nhà người Việt nào cũng có bàn thờ. Trong các gia đình người Việt Nam, trong ký túc xá sinh viên Việt Nam tại Moscow cũng có bàn thờ. Vào dịp Tết, người Việt nấu những món ăn truyền thống, ngon nhất, bày biện mâm cỗ đẹp nhất dâng lên, mời tổ tiên, ông bà, những người đã khuất về ăn Tết với gia đình. Đồng thời, báo cáo với ông bà tổ tiên những thành tích của mình đạt được trong năm qua và cầu xin tổ tiên đem lại những điều tốt lành trong năm mới. Và trong mâm cơm dâng lên tổ tiên, dứt khoát phải có bánh chưng. Đây là điểm khác biệt mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.
Một điều cô Svetlana Glazunova thấy thú vị nữa là phong tục xông đất đầu năm của người Việt. Có lần sang Việt Nam cô được một gia đình người Việt mời đến xông đất vào đêm Giao thừa.Cô đã gần như nín thở vì hồi hộp khi 12 giờ đêm bà đến và gõ cửa vào nhà. Sau đó cô hiểu rằng đây là điều rất may mắn với một người nước ngoài như bà, vì người Việt Nam thường chỉ mời những người tốt tính, nhanh nhẹn, hoạt bát, công việc làm ăn thuận lợi đến xông nhà. Đặc biệt, đó phải là người có gia đình hạnh phúc và hợp mệnh với gia chủ để mang lại những điều tốt lành cho gia chủ trong năm mới.
Tết Việt và tấm lòng người Việt
Với các học sinh và sinh viên người Nga từng theo học tại Trường THPT Nga của Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, vào mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, nhà trường đều tổ chức chương trình múa hát, đón Tết rất vui. Đa số các em đều ở Việt Nam từ 3-5 năm, nên ngày Tết của Việt Nam cũng được các em coi như một dịp lễ đặc biệt của nước Nga. Nhưng điều mà các em thích nhất là được các bạn người Việt dẫn đi chơi chợ hoa, ngắm đèn lồng và đượcgói bánh chưng. Các em hiểu rằng, trong các món ănngày Tết của người Việt, không thể thiếu bánh chưng, khác với Nga, món xa-lát dịp Năm mới có thể làm hoặc có thể không.
Là sinh viên Nga sang Việt Nam thực tập vào đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2023, nữ sinh Alla và Maria thấy các bạn trong ký túc xá về quê hoặc đi chơi hết thì thấy lạ lẫm, lo lắng. Hai em chỉ biết ủ rũ nhìn nhau trong phòng. Nhưng thật may mắn vì cả 2 được các cô chú từng là sinh viên tiếng Nga khoa Tiếng nước ngoài, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đón về nhà vui Tết cùng gia đình. Lần đầu tiên được ăn những món ăn ngày Tết truyền thống của Việt Nam, như canh măng, giò lụa, thịt đông… 2 em thích nhất là món nem rán và bánh chưng. Đặc biệt, điều khiến Alla và Maria vô cùng bất ngờ khi 2 em được nhận tiền lì xì và được giải thích rằng, trong ngày Tết Việt Nam, những người lớn tặng lì xì cho các em nhỏ với ý nghĩa chúc các em chóng lớn, học giỏi và gặp nhiều điều tốt lành trong dịp năm mới. Tình cảm nống ấm của các cô chú người Việt Nam đã giúp các em bình tâm hơn và vơi đi nỗi nhớ nhà khi lần đầu tiên sang Việt Nam.
Cô Svetlana Glazunova, giáo viên dạy tiếng Việt tại MGIMO thật sự ấn tượng, khi cômuốn học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thì người Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ, giới thiệu chi tiết. Khi cô muốn tìm hiểu về bàn thờ gia tiên và phong tục thờ cúng tổ tiên thì các bạn Việt Nam cũng giới thiệu rất tỉ mỉ.
Tết cổ truyền của Việt Nam là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng, gắn bó với mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau; góp phần tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, thân thiện và hiếu khách. Với người Nga, những lời chúc Tết dành cho bạn bè thật ấm áp ý nghĩa. Cô Svetlana Glazunova bảo, bà thường chúc bạn bè những câu như: "Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc tất cả mọi người sức khỏe dồi dào, hạnh phúc,mọi sự như ý, mọi mơ ước sớm trở thành hiện thực, an khang thịnh vượng, cung chúc tân xuân, trăm sự thành công, vạn sự như ý, mã đáo thành công”.
Còn ông Anatoly Socolov chia sẻ: “Tôi biết là sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Chúc cho các Công ty, doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hồi phục và phát triển để có thêm nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, từ đó kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhân dịp năm mới, Tết Nguyên đán của Việt Nam, xin chúc tất mọi người sức khỏe, hạnh phúc, mọi sự may mắn, tốt lành”./.