Được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, Luang Prabang ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến thăm để được đắm chìm trong vẻ đẹp cổ kính, yên bình và thơ mộng; được thả hồn mình theo một chút trầm tư với ý tưởng về một sự đổi thay nào đó trong cách nghĩ, cách làm, cách sống của người dân nơi đây, khi họ đang sở hữu một khối di sản quý giá mang tầm nhân loại.
Di sản Văn hóa thế giới
Cách thủ đô Vientiane gần 400km về phía Bắc, Luang Prabang từng là cố đô của Vương quốc Lan xang trong nhiều thế kỷ. Sách xưa chép rằng, năm 1353, vua Fa Ngum đưa tượng Prabang tới Mương Viêng-khăm (MeuangViengkham). Đến năm 1489, lại đưa về Meuang Xiengthoong để dân chúng chiêm bái. Vùng đất này sau đó được đổi tên thành Meuang Luang Prabang, đánh dấu sự hiện diện của tượng Phật Vàng linh thiêng, đấng bảo trợ tinh thần tối cao cho xứ sở. Từ đấy, Luang Prabang trở thành danh xưng cho cố đô của Vương quốc Lanxang, đến tận thế kỷ XVII, khi vua Setthathirath dời đô về Vientiane.
Đến đầu thế kỷ XVIII, cùng với Champasak ở phía nam, Luang Prabang trở thành quốc gia độc lập ở phía bắc, bên cạnh Vương triều Vientiane. Đến cuối thế kỷ XIX, các vùng lãnh thổ này đều bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương, dưới sự bảo hộ của Pháp. Vì vậy, thành phố này đã có thêm những công trình kiến trúc phương Tây đan xen với các kiến trúc Lào truyền thống. Hoàng cung Luang Prabang mà chúng ta thấy ngày nay là công trình được xây dựng năm 1904, dưới triều Vua Sisavangvong. Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, khi Nhật thế chân Pháp, Luang Prabang vẫn là nơi sinh sống, làm việc của Hoàng gia Lào, là trung tâm quyền lực của Vương quốc Lào và chỉ thực sự kết thúc vai trò lịch sử vào cuối năm 1975, khi Cách mạng Lào tuyên bố thành lập nhà nước dân chủ.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Lào bắt đầu mở cửa du lịch, những căn nhà gỗ và biệt thự Pháp đổ nát ở Luang Prabang được trùng tu, cải tạo thành nhà nghỉ, khách sạn đón khách du lịch. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên kỳ thú với quần thể kiến trúc Hoàng gia, chùa tháp, bảo tàng, phố cổ… đã thuyết phục được UNESCO công nhận và tôn vinh quần thể di tích đô thị cổ Luang Prabang là Di sản Văn hóa thế giới, trở thành thành phố du lịch đông vui nhất của Lào.
Thành phố của những ngôi chùa cổ
Gần 700 năm thăng trầm của lịch sử, cái tên Luang Prabang luôn nhắc nhớ mỗi người về một miền đất Phật. Thành phố nhỏ nhắn, xinh đẹp không quá 25ha với khoảng 22.000 dân này đang ôm trọn trong lòng gần 40 ngôi chùa cổ kính, được xây dựng ở những triều đại khác nhau, mang nét kiến trúc đặc trưng Lào và đa phần được bảo quản hầu như nguyên vẹn nét độc đáo cổ xưa.
Chùa ở Luang Prabang được xây dựng khắp nơi. Từ trên đỉnh núi đến giữa phố phường, từ bên này sông sang bên kia sông. Mỗi ngôi chùa đều mang dấu ấn văn hóa và có giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, trang trí và dung dị như chính cuộc sống hồn hậu từ bao đời của người dân nơi đây.
Bắt đầu từ Cung điện hoàng gia với Vat Sala Prabangxinh đẹp và hoành tráng trong khuôn viên Hoàng cung, nơi thờ tượng Phật Prabang (món quà quý của Vua Khmer tặng vua Fa Ngum khi ông lên ngôi), du khách có thể ghé thăm Vat Saen, Vat Sop, Vat Sirimungkhun, Vat Siboun Heuang (chùa Sỉ-bun-hương) được xây dựng kế tiếp nhau trên con đường trung tâm xuyên qua phố cổ, trước khi đến cuối đường Sakkarin để tham quan Vat Xiengthoong - ngôi chùa lộng lẫy với nhiều tượng Phật và những bức tranh chạm khắc tinh tế, xây dựng từ năm 1560 dưới thời vua Setthathirat.
Với người Lào, Vat Xiengthoong được biết đến như một chốn linh thiêng. Còn với khách du lịch, Xiengthoong luôn là một điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình khám phá thành phố di sản này. Ngôi chùa tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách bởi kiến trúc độc đáo với những mái chùa trải dài và uốn cong mềm mại như bàn tay thiếu nữ Lào đang múa Lăm-vông, mà vẫn giữ được nét vững chãi, tráng lệ với đường nét hoa văn trang trí tinh xảo. Nội điện ngôi chùa là cả một không gian của hội họa với những bức tranh, phù điêu được sơn son thiếp vàng, những pho tượng lộng lẫy được dát vàng, kể về những câu chuyện thú vị trong văn hóa dân gian Lào và những điển tích của Phật giáo, giúp du khách cảm nhận được quá khứ vàng son của đất nước, con người miền đất Phật.
Từ đây, dọc bờ sông Mekong, du khách có thể tham quan Vat Paphai, Vat Xieng Muan và kết thúc hành trình bằng chuyến vượt dốc qua 328 bậc đá, len lỏi qua những đoạn đường gồ ghề quanh co, đan dày bởi những thớ rễ xù xì hằn vết thời gian của những cây đại cổ thụ có tuổi đời hàng chục, thậm chí là cả trăm năm để chinh phục đỉnh Phousi - nơi có tháp Chomsi sừng sững một góc trời. Đỉnh Phousi cũng là nơi du khách có thể phóng tầm mắt ngắm hoàng hôn trên sông Mekong và toàn cảnh thành phố Luang Prabang xinh đẹp, yên bình.
Sẽ thực sự đáng tiếc nếu du lịch Luang Prabang mà không trải nghiệm một buổi "bình minh khất thực”, tự tay cầm từng nắm xôi, từng mẫu bánh dâng lên các nhà sư. Ở Luang Prabang, bất kể mùa nắng hay mùa mưa, đều đặn mỗi ngày, khi không gian còn ướt đẫm sương đêm, cả trăm nhà sư đầu trần chân đất, khoác cà sa đi thành hàng dài rực vàng trên phố. Thỉnh thoảng, các sư dừng lại nhận đồ cúng dường và đọc kinh cầu nguyện cho mọi người được an lành, hạnh phúc.
Với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, khất thực là một phương thức tu hành mang ý nghĩa sâu sắc, vừa để nuôi thân vừa để di dưỡng tinh thần. “Bình minh khất thực” vì vậy mà đã trở thành một sản phẩm du lịch để du khách đến đây được trải nghiệm bầu không khí yên bình, gần gũi trong lối sống giản đơn, không xáo trộn của những người theo đạo Phật.
Luang Prabang không phải là một đô thị của ánh đèn rực rỡ với sự náo nhiệt vốn có của một thành phố du lịch, mà như một thứ rượu ngon để lâu ngày, càng uống càng cảm nhận được vị thơm tho, đậm đà. Luang Prabang như “viên ngọc bích giữa rừng nhiệt đới”, nhìn càng đắm, ngắm càng say! |
Thành phố du lịch hiền hòa
Luang Prabang đang sở hữu hơn 30 kiến trúc Hoàng gia tráng lệ mà phần nhiều được xây dựng từ thế kỷ XIV; hàng trăm ngôi nhà gỗ truyền thống, biệt thự, khách sạn được xây dựng hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc, truyền thống của Lào với mái cong mềm mại và phong cách kiến trúc Pháp với những chi tiết trang trí hiện đại và tinh tế. Một thành phố tràn ngập cây xanh với những ngôi nhà, con phố yên bình, e ấp dưới những hàng dừa quanh năm tỏa bóng mát bên dòng Nậm Khan.
Luang Prabang càng đẹp hơn khi thành phố lên đèn. Những dãy phố cổ lung linh soi bóng xuống dòng sông bởi hàng ngàn ánh đèn lồng đủ màu sắc; những luồng sáng yếu ớt, hanh hao không rõ mặt người trong những con ngõ nhỏ càng làm tăng thêm sự cuốn hút của không gian yên ả thanh bình. Người Lào nói chung đều thân thiện, hiếu khách. Họ không vồn vã để có thể bắt tay, ôm hôn, nhưng ấm áp, lịch sự, chân thật và không tranh cãi; Chính lối sống bình dị, nhẹ nhàng của họ đã có sức níu kéo kỳ lạ để thay vì rời đi, du khách sẽ ở lại trải nghiệm thử một ngày làm cư dân phố cổ. Phải chăng điều đó cũng đã phần nào làm nên thương hiệu thành phố du lịch quyến rũ, thân thiện nhất Đông Nam Á.
Khách du lịch đến Luang Prabang thường ra phố cổ vào ban đêm để uống cà phê, nghe nhạc, uống bia Lào, thưởng thức những món ăn nổi tiếng chế biến từ các loài cá đặc sản trên sông Mekong; tận hưởng làn gió mát rượi thổi lên từ mặt sông loang loáng ánh đèn và nồng nàn hương vị cỏ cây. Anh bạn đồng nghiệp công tác ở Đài phát thanh Quốc gia Lào bảo: “Muốn biết du lịch Luang Prabang thế nào, cứ đến chợ đêm”!
Thật vậy, chợ đêm trước Hoàng cung luôn là điểm đến hấp dẫn du khách với hàng trăm gian hàng san sát nhau dưới lòng đường dọc theo phố đi bộ Sisavangvon. Dưới ánh đèn vàng, những tấm khăn choàng bằng lụa Lào, những tấm xà-rông, đồ thêu tay của người Mông hay tranh vẽ trên giấy Posa như rực rỡ, long lanh hơn… Đặc biệt là hàng thổ cẩm và đồ trang sức, tranh khảm bạc do các nghệ nhân ở hai làng nghề truyền thống lâu đời của Luang Prabang chế tác.
Khách đến chợ đêm thì Tây, Tàu, Việt, Thái… đủ cả. Họ lân la hết gian hàng này đến gian hàng khác và thỏa thích mặc cả, lựa chọn. Mua cũng được, mà không mua cũng không sao, người Lào không khó chịu với ai bao giờ.
Bữa tối muộn trong khu ẩm thực bên hông chợ đêm cũng làm chúng tôi hết sức thích thú khi được thoải mái thưởng thức các món ăn truyền thống ngon-bổ-rẻ của Lào. Từ món bánh dừa rán kẹp nước cốt, đến món bánh pancake chiên bơ với nhiều thứ ăn kèm bày lên trên như trứng, chuối, sữa; Hoặc gọi món tầm mạc hùng (nộm đu đủ) chế biến tại chỗ, cùng nhiều loại cá xiên, thịt xiên nướng, rồi cơm nếp Lào, salad, rau hấp thịt lợn nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”, món nem rán có thêm một số loại thảo dược trong nhân chấm với tương ớt cay, ngọt…
Hai con sông Mekong và Nậm Khan là nguồn cung thủy sản dồi dào cho Luang Prabang. Du khách có thể trải nghiệm phong cách ẩm thực đậm đà bản sắc văn hóa Lào tại nhà hàng Tamarind với món cá tươi nướng với rau xanh và hỗn hợp thảo dược; nhà hàng Nagas 3 với các món tươi sống địa phương nổi tiếng, từ thịt bò cho đến cá lăng, cá pưk…
Ngoài các công trình kiến trúc được bố trí khá hài hòa trong không gian sơn thủy hữu tình, Luang Prabang còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẫm. Đặc biệt là thác Kuang Si, cách trung tâm thành phố 25km, được xem là tuyệt tác của thiên nhiên. Du khách thả bộ dưới tán rừng già mát rượi, xem những chú gấu nô đùa tinh nghịch trong vườn bảo tồn, rồi lạc bước dần lên tầng thác thứ 9 trên cùng để chiêm ngưỡng dòng nước như từ trời cao đổ xuống hạ giới. Trong ầm ào thác đổ, trong mờ mịt khói sương và rừng xanh mây trắng, du khách sẽ có những bức ảnh tuyệt đẹp làm kỷ niệm cho chuyến đi; Hoặc cũng có thể lên phà vượt sông Nậm khan sang huyện Chomphet để chiêm ngưỡng Vườn hoa Huổi khủa giữa khu rừng già cách trung tâm thành phố chừng 15km, với hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc.
Cùng với hàng không, cao tốc Vientiane - Vang Viêng đã đưa vào khai thác, đường sắt Lào - Trung cũng đã giúp rút ngắn con đường đưa du khách đến với cố đô Luang Prabang chỉ còn khoảng 3 giờ. Ngày càng nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng ven thành phố, mở rộng không gian lưu trú cho du khách. Du lịch trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập chính cho người dân Luang Prabang.
Có du lịch, các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chạm bạc, làm giấy Posa (giống như giấy dó ở Hà Nội) cũng được phục hồi. Người dân có việc làm, mà khách du lịch cũng có thêm những món hàng lưu niệm đặc sắc sau mỗi chuyến đi.
“Chưa đến Luang Prabang là chưa đến Lào” – Câu nói phần nào thể hiện ước vọng của người dân Lào về một lần được đặt chân đến cố đô. Nhưng, đâu chỉ người Lào! Đó còn là niềm ước ao khám phá của du khách bốn phương. Không quá lời khi nói rằng, để hiểu - và cuối cùng là phải lòng miền văn hóa đặc sắc của xứ sở Triệu Voi này, không phải là thứ có thể nhìn bằng mắt, mà là cả bầu không khí thư thái nơi đây. Luang Prabang không phải là một đô thị của ánh đèn rực rỡ với sự náo nhiệt vốn có của một thành phố du lịch, mà như một thứ rượu ngon để lâu ngày, càng uống càng cảm nhận được vị thơm tho, đậm đà. Luang Prabang như “viên ngọc bích giữa rừng nhiệt đới”, nhìn càng đắm, ngắm càng say!
Nguyễn Vân Thiêng