Với tâm nguyện gìn giữ và quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, theo như cách nói của họ là “bán cả văn hóa Việt” ra xứ người, những phụ nữ thế hệ U60 hay thế hệ 9X đang nỗ lực xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam tại Philippines.
Những ngày đầu cơ cực
Khá bất ngờ về chủ chuỗi 7 tiệm bánh mỳ tại các trung tâm thương mại lớn và 2 nhà hàng Việt ở Manlia, trước mặt tôi là một người phụ nữ giản dị, không son phấn mang đầy nét đẹp hồn hậu của người phụ nữ gốc Huế. Chị chia sẻ “quen rồi bao nhiêu năm nay, nghề đứng bếp nó vậy”.
Nhớ lại những ngày đầu cơ cực chị Ánh không khỏi bùi ngùi: Nhà bà ngoại chị làm nghề bán đồ ăn ở Gia Lai - Kon Tum. Từ nhỏ, chị thường phụ bếp cho mẹ nên đã học được tinh hoa ẩm thực từ mẹ. Tại một đất nước mà ẩm thực Nhật hay Trung Quốc chiếm ưu thế nhưng chị vẫn quyết tâm sẽ làm ẩm thực Việt vì “đó là cái gốc, cái nguồn cội của mình, tự mình trải nghiệm và làm thì mới ngon, mới giữ được cái hồn cốt”.
“Người Việt Nam sang Philippines mở quán ăn rất khó khăn. Giai đoạn đầu tôi gặp nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng để mang đến hương vị gần Việt Nam và phục vụ cộng đồng người Việt. Khi họ đến đây, họ được thưởng thức đồ ăn Việt và cảm nhận được không khí tình cảm của người Việt. Còn đối với người Philippines, tôi muốn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt”, chị Ánh cho hay.
Chọn bánh mỳ Việt Nam làm món ăn khởi nghiệp từ năm 2014, hai vợ chồng chị tần tảo từ 6h sáng đến 11h đêm một ngày. Mở một cửa hàng bánh mỳ tại Philippines khá khó khăn với các thủ tục mà chị ước tính mớ giấy tờ đó cũng “nặng 5kg”. Vừa làm từng bước và thăm dò, không có nhiều người Việt tại Philippines nên phải marketing với người địa phương, công nghệ không biết, quán thì nhỏ, nên ước mong bán 40 ổ bánh mỳ một ngày không phải hôm nào cũng đạt được.
Tuy nhiên, bằng cái tâm và cái tầm ẩm thực, khách đã không phụ lòng chị. Sau khi ăn, họ rất khen ngợi và báo chí Philippines đã đăng tin về ổ bánh mỳ Việt. Từ đó, khách hàng người Việt và Philippines đều yêu thích, cứ thế truyền miệng và giờ chị Ánh đã làm chủ của chuỗi 7 tiệm bánh mỳ Việt và 2 nhà hàng ẩm thực tại Philippines. Cửa hàng của chị luôn đông khách và hầu như bán hết đồ trước giờ đóng cửa.
Nhiều thực khách cho biết, họ chọn quán này bởi thức ăn ngon, không gian thoáng mát, đến đây còn được giao lưu với những người bạn Việt. Một khách hàng khác bước ra từ quán Bon (2 trong chuỗi 7 tiệm bánh của chị Ánh) chia sẻ: “Mỗi lần mình thưởng thức những món ăn của quán Bon lại nhớ lại mùi vị của quê hương mà những quán khác không thể có. Nhất là món hủ tiếu, bò kho và bánh mỳ. Hương vị rất giống Việt Nam. Mỗi lần đến đây gặp được nhiều người Việt, khiến mình có cảm giác tuy xa quê nhưng như đang được sống tại quê hương”.
Người Philippines rất ưa thích đồ ăn tại quán còn bởi giá cả hợp lý và rất ngon. “Tôi cũng đã đến thăm Việt Nam và thích đồ ăn của Việt Nam. Đến với Bon là tôi cảm nhận được hương vị giống Việt Nam nhất mà tôi đã từng ăn”, một thực khách nhận xét.
Nói về thành công hiện tại, chị Ánh cho rằng “trời thương nên cứ thế mà đi thôi”. Nhưng nhìn hành trình từ những ngày đầu vất vả của chị có thể thấy để có thành công như ngày hôm nay là cái tâm, cái tầm và đặc biệt là tình yêu đối với ẩm thực Việt, gìn giữ bản sắc văn hóa ẩm thực Việt trong từng sản phẩm. Để không bị pha tạp các hương vị Philippines, các sản phẩm chị đều tự làm từ chả lụa, chả giò hay pate… Các nguyên liệu chị phải nhập từ Việt Nam hay những gia vị được cho là hồn cốt của món ăn như húng quế, chị phải nhập với giá cao nhưng đối với chị giữ được cái nét và đặc biệt là chuẩn vị Việt trong từng sản phẩm mới là điều quan trọng.
Đặc biệt để kéo thực khách đến với quán, không chỉ là các sản phẩm nguyên liệu cầu kỳ, chị luôn để mức giá thấp so với mặt bằng chung. Chị bảo, lợi nhuận cũng quan trọng nhưng chị muốn “bán cả văn hóa Việt”, quảng bá ẩm thực Việt đến nhiều người Philippines, từ đó họ yêu Việt Nam hơn. “Trước kia không nhiều quán Việt nhưng giờ họ bán hàng online nên có sự cạnh tranh, nhưng tôi cho rằng một điều quan trọng là luôn luôn giữ khẩu vị riêng của quán. Và trong tương lai tôi tiếp tục mở rộng ở những thành phố xa hơn để giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho người Philippines”.
Người phụ nữ từ bàn tay trắng tần tảo khởi nghiệp bằng tiệm bánh mỳ nhỏ, vươn lên thành chủ một chuỗi nhà hàng Việt đông khách tại Philippines hay cô chủ quán 9X luôn có mong ước tái hiện một “Hà Nội nhỏ” trong lòng Pasay của Philippines. Họ đang làm nên một thương hiệu ẩm thực Việt Nam tại Philippines, tâm nguyện gìn giữ, quảng bá văn hóa và ẩm thực Việt, theo như cách nói của họ là “bán cả văn hóa Việt” ở xứ người.
|
“Hà Nội nhỏ” trong lòng Pasay
Cũng với một tình yêu đối với ẩm thực Việt, cô chủ của một quán Việt có tên rất đỗi thân thương “Em Hà Nội” lại là một người hiện đại, trẻ trung.
Thuộc thế hệ 9X và là người đã từng đi nhiều nước, chị Kim quyết định lựa chọn ẩm thực vì ẩm thực là thứ dễ đi vào lòng người, gây sự thương nhớ khó quên hơn. Nhen nhóm ý định mở nhà hàng nhiều năm nay và có đủ khả năng tài chính để mở, nhưng điều chị Kim ấp ủ là không chỉ muốn bán thực phẩm Việt mà còn quảng bá văn hóa Việt đến người dân Philippines. Vì vậy, việc tạo ra một không gian Việt cho thực khách đối với chị vô cùng quan trọng.
Không vội vàng, mất thời gian tìm hiểu và lên kế hoạch, “Em Hà Nội” ra đời sau một thời gian dài ấp ủ của cô gái 9X muốn mang cả văn hóa Hà Nội đến Pasay. Bước vào trong quán sẽ có nhiều Việt kiều cảm thấy thân thương như đang được ngồi lê la trên vỉa hè với những cốc uống trà đá quen thuộc và đâu đó trong không gian quán là cái nơm, cái đó quê nhà.
Chị Kim chia sẻ, tất cả tô phở, niêu cơm đất chị đều đặt từ Bát Tràng, gợi lại ký ức rất bình dị về Hà Nội và Việt Nam. Vì mỗi món ăn Việt chứa đựng những câu chuyện, gắn với những phong tục tập quán khác nhau mà không phải ai cũng biết rõ ngọn nguồn. Thưởng thức, tìm hiểu món ăn Việt sẽ giúp nhiều người, nhất là người địa phương thêm yêu nét ẩm thực và văn hóa của con người Việt. Đến với “Em Hà Nội”, thực khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực Việt mà còn cả văn hóa Việt.
Có thể nói, dù là những phụ nữ thuộc thế hệ U60 hay những cô gái 9X hiện đại, tâm huyết và tình yêu với ẩm thực Việt không có sự khác biệt. Điều trân quý hơn cả là họ không chỉ muốn bán đồ ăn Việt mà còn “bán cả văn hóa Việt” tại xứ người để “mua lại” tình yêu đối với ẩm thực Việt nói riêng và đất nước con người Việt Nam nói chung./.
Phạm Hà/VOV-Jakarta