Báo cáo do Viện nghiên cứu dân số Yuwa (Yuwa Population Research) công bố. Đây là một tổ chức tư vấn (think tank) của Trung Quốc do nhà nhân khẩu học nổi tiếng Lương Kiến Chương (Liang Jianzhang), một trong những nhà đồng sáng lập của nền tảng du lịch trực tuyến nổi tiếng Ctrip dẫn đầu.
Trong “Báo cáo chi phí sinh con của Trung Quốc phiên bản 2024”, tổ chức này cho biết, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến 17 tuổi ở Trung Quốc là khoảng 538.000 nhân dân tệ (khoảng 74.800 USD), trong khi đến tuổi tốt nghiệp đại học là 680.000 nhân dân tệ (khoảng 94.500 USD). Con số này cao hơn đáng kể so với ước tính trong báo cáo gần đây nhất công bố cách đây hai năm, cho thấy gánh nặng kinh tế ngày càng tăng của việc nuôi dạy con cái do sự phát triển kinh tế xã hội và chi phí sinh hoạt tăng cao ở Trung Quốc.
Báo cáo cũng so sánh chi phí nuôi con giữa Trung Quốc và các nước. Theo đó, các gia đình Trung Quốc đã chi một khoản tiền gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người để nuôi một đứa trẻ cho đến khi chúng 18 tuổi, một trong những mức cao nhất thế giới. Con số này cao hơn cả các nước phát triển như Australia, Pháp, Mỹ và chỉ thấp hơn Hàn Quốc. Báo cáo dẫn số liệu cho thấy, chi phí nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi so với GDP bình quân đầu người ở Australia là 2,08 lần, Pháp là 2,24 lần, Mỹ là 4,11 lần và Nhật Bản là 4,26 lần.
Thượng Hải và Bắc Kinh có chi phí nuôi con cao nhất, lần lượt lên đến 1,01 triệu nhân dân tệ và 936.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, so với phiên bản báo cáo năm 2022, cả hai đều cho thấy xu hướng giảm, lần lượt giảm 16.000 nhân dân tệ và 33.000 nhân dân tệ.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, ngoài chi phí tài chính, còn có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định sinh con của phụ nữ Trung Quốc là chi phí về thời gian và cơ hội. Chi phí thời gian bao gồm nghỉ thai sản, chăm sóc và đưa đón trẻ đi học, kèm trẻ làm bài tập về nhà và công việc nhà, trong khi chi phí cơ hội bao gồm sự suy giảm kỹ năng làm việc do phải nghỉ làm để chăm con, khả năng cạnh tranh yếu khi quay trở lại, bị thuyên chuyển hoặc giảm lương, mất cơ hội thăng tiến...
Báo cáo kết hợp dữ liệu nghiên cứu từ nhiều bài viết và kết luận, ở Trung Quốc, việc sinh con sẽ khiến mức lương của phụ nữ giảm 12%-17%, trong khi ở các nước Âu, Mỹ chỉ giảm khoảng 7% đối với mỗi đứa trẻ.
Trước những thách thức này, ông Lương Kiến Chương và các chuyên gia kêu gọi giải quyết những áp lực ngày càng tăng của việc sinh con. Ở cấp quốc gia, cần nhanh chóng đưa ra các chính sách giảm chi phí sinh con cho các gia đình, như trợ cấp, thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ, thúc đẩy chế độ nghỉ thai sản và nghỉ sinh con bình đẳng ở cả nam và nữ, cũng như bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ độc thân.
Ngoài ra, ông Lương cho rằng, việc thực hiện giờ làm việc linh hoạt, cho phép thuê bảo mẫu nước ngoài, hỗ trợ công nghệ bổ trợ sinh sản và bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở cũng nên được xem xét. Theo ông: “Chi phí sinh con cao là một trong những yếu tố tiêu cực quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự sẵn sàng sinh con của các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ” và môi trường sinh sản trước hết phải thân thiện với phụ nữ.
Báo cáo này được đưa ra sau khi dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 với số ca sinh mới giảm xuống còn khoảng một nửa so với năm 2016.
Năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ còn khoảng 1,0, một trong những mức thấp nhất thế giới. Báo cáo cho rằng: “Nếu tỷ lệ sinh cực thấp hiện nay không được cải thiện, dân số Trung Quốc sẽ giảm nhanh chóng và già đi, điều này sẽ tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sự đổi mới và sức mạnh tổng hợp quốc gia”.
Được biết, đến nay, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã áp dụng các khoản trợ cấp sinh con lên tới 20.000 nhân dân tệ cho các gia đình có ba con. Một số địa phương cũng đã ban hành chính sách ưu đãi về nhà ở cho các gia đình có đông con vị thành niên. Trong khi đó, Bắc Kinh đã đưa 16 quy trình công nghệ hỗ trợ sinh sản vào phạm vi hoàn trả của bảo hiểm y tế từ năm ngoái.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh