Họ cho rằng trong năm 2024 này, phương Tây không được phép mắc sai lầm trong tính toán liên quan đến Ukraine như hồi năm 2022 và 2023.
Nếu tính lầm trong năm 2024, phương Tây sẽ phải trả giá đắt
(Nhận định của nhà nghiên cứu Jaroslava Barbieri về Ukraine)
Năm 2024 được đánh giá là năm mà phương Tây đóng vai trò thiết yếu trong xung đột Nga - Ukraine.
Mặc dù dự báo Nga sẽ tiếp tục nắm lợi thế về nhân lực và vật lực, bà Barbieri tin rằng EU và NATO sẽ “nghiêm túc cam kết” cải thiện năng lực phòng thủ của Ukraine.
Bà Barbieri cho rằng: Năm 2022, phương Tây đánh giá thấp khả năng tác chiến của Ukraine. Đến năm 2023, phương Tây lại đánh giá thấp năng lực của Nga trong việc phục hồi sau các tổn thất quân sự và duy trì một cuộc xung đột vũ trang kéo dài.
Nhà nghiên cứu Barbieri nhận xét, chính sách viện trợ vũ khí nhỏ giọt cho Ukraine phản ánh ảo tưởng của phương Tây cho rằng có thể lại mang chiến thắng cho Ukraine mà không cần gây ra một thất bại mang tính quyết định cho Nga. “Trong năm 2024 này, phương Tây không thể để xảy ra tình trạng tính toán nhầm một lần nữa… Tương lai cuộc chiến này xoay quanh việc phương Tây thừa nhận thực tế đây là cuộc chiến sinh tồn không chỉ đối với Ukraine mà còn với cả phương Tây tổng thể”.
Theo quan điểm của bà Barbieri, kịch bản tốt nhất là ông Trump không trở lại được Nhà Trắng và các nước phương Tây vạch ra một kế hoạch tổng quát về cách sử dụng các tài sản đóng băng của Nga theo hướng có lợi cho Ukraine. Đáp lại, Ukraine sẽ phải đẩy mạnh công tác tuyển quân, giữ vững phòng tuyến và xây dựng hệ thống phòng không của riêng mình.
Nhà nghiên cứu Barbieri cho rằng khi ấy, Kiev sẽ tăng các vụ tấn công bằng UAV, đặc biệt là ở Crimea, và cố gắng xây dựng năng lực tấn công chính xác tầm xa để đánh sâu vào phía sau chiến tuyến đối phương.
Tuy nhiên, theo Barbieri, kịch bản tệ hại hàng đầu sẽ là “sự trở lại của chủ nghĩa biệt lập Mỹ và tình trạng tê liệt chính trị tại châu Âu”.
Bà Barbieri giải thích: “Đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn dược, các binh sĩ Ukraine sẽ buộc phải giảm hoạt động tác chiến”.
Vẫn lời bà Barbieri: “Việc Ukraine không thể bổ sung cho nhân lực chiến trường sẽ làm trầm trọng thêm các căng thẳng đang âm ỉ trong xã hội Ukraine”.
Bà Barbieri nhận định tiếp: “Điện Kremlin sẽ tiếp tục khai thác bất cứ dấu hiệu chần chừ, lưỡng lự của phương Tây để thúc đẩy câu chuyện cho rằng Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này và họ chỉ có duy nhất một lựa chọn là đàm phán thỏa thuận dựa trên điều khoản của Moscow… Đến lượt mình, điều này có thể dẫn tới một làn sóng di cư của người Ukraine”.
Năm 2024 sẽ khó khăn hơn nữa cho Tổng thống Zelensky
(Nhận định của nhà phân tích quân sự Sean Bell)
Ông Bell cho rằng, “mặc dù phương Tây vẫn dành cho Tổng thống Zelensky sự ủng hộ chính trị tương đối mạnh mẽ, việc chuyển đổi sự ủng hộ miệng đó thành hoạt động cụ thể cung cấp đều đặn vũ khí giúp Ukraine giành chiến thắng trên thực địa lại tỏ ra ngày càng khó khăn”.
Theo nhà phân tích Bell, nguồn dự trữ tài chính của phương Tây đã suy giảm, và “nếu thiếu vũ khí đạn dược, viễn cảnh của Ukraine sẽ trở nên u ám”.
Tuy nhiên, ông Bell cũng chỉ ra rằng Nga sẽ đối diện với thách thức tương tự và sẽ gắng sức nuôi dưỡng mối quan hệ với Triều Tiên và Iran để bổ sung cho nền tảng công nghiệp quốc phòng của riêng họ vốn được cấp tiền bạc lấy từ doanh thu bán dầu ngày càng tăng.
Nhà phân tích Bell đánh giá, “các cuộc bầu cử tổng thống sắp tới có thể đóng vai trò quan trọng”.
“Nếu chính quyền Mỹ thay đổi sau bầu cử, điều này có thể dự báo tình trạng sụt giảm ủng hộ về tài chính và quân sự dành cho Ukraine trong năm nay.
“Ngay cả khi có được sự ủng hộ to lớn trong năm 2023, Ukraine vẫn không thể đột phá qua phòng tuyến Nga. Do vậy, bất cứ sự sụt giảm mạnh sắp tới trong viện trợ cho Ukraine đều có thể gây ra những tác động mạnh”.
“Khi bầu cử Nga đã qua đi, ông Putin có thể càng quyết tâm đẩy mạnh “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
“Nếu phương Tây thiếu một chiến lược quyết tâm, mạch lạc và đáng tin cậy để cung cấp cho Ukraine các vũ khí đạn dược cần thiết, năm 2024 này có thể khó khăn hơn nhiều đối với Tổng thống Zelensky”.
Tâm điểm chú ý dồn vào Mỹ
(Nhận định của phóng viên thường trú Sky News tại Mỹ, Mark Sone)
Cuộc chiến ở Trung Đông vừa qua đã che lấp phần nào cuộc tranh cãi lớn trong lòng Washington về việc cung cấp tiền cho Ukraine trong cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Theo tiết lộ từ nhân chứng của Sky News, quân đội Ukraine đang gần cạn kiệt vũ khí và đạn dược.
Trên thực địa ở miền Đông Ukraine, lực lượng của Tổng thống Nga Putin đang nắm thế thượng phong. Tại New York, các ngoại trưởng châu Âu cũng không buồn tranh cãi về cục diện này nữa.
Ở Washington, một nhóm nhỏ chính tri gia có ảnh hưởng và ủng hộ ông Trump, hiện đang chặn dự luật gửi thêm lượng lớn vũ khí cho Ukraine. Tuyệt đối không có đảm bảo nào rằng họ sẽ đồng ý thông qua dự luật này.
Đáng chú ý, các ngoại trưởng EU có mặt tại Liên Hợp Quốc vào dịp này đang tập trung hướng thông điệp của họ vào Mỹ chứ không phải Nga. Họ kêu gọi Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine và đẩy mạnh ủng hộ Ukraine.
Ngoại trưởng Anh, Đức và Ba Lan cùng tuyên bố: “Đó là vì lợi ích của nhân dân Mỹ”.
Nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, triển vọng xung đột Ukraine có thể thay đổi một cách sâu sắc.
Trung HIếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: Sky News