Ngày 24/2 vừa qua là dấu mốc 2 năm ngày Nga phát động cuộc chiến tranh với Ukraine ở Ukraine. Nga gọi hành động quân sự này là chiến dịch quân sự đặc biệt. Rất nhanh sau đấy, cuộc đụng độ quân sự giữa Nga và Ukraine đã trở thành không những chỉ một cuộc chiến tranh thực thụ theo nghĩa đen kinh điển của khái niệm mà còn là một cuộc chiến tranh kiểu mới. Trên thực địa, quân đội Nga và quân đội Ukraine dàn binh, bày trận giành giật với nhau từng chiến thắng và vùng lãnh thổ của Ukraine. Trong thực chất, cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và phe phương Tây về mọi phương diện, đặc biệt về tiềm lực chính trị, quân sự, tài chính và công nghệ.
Cuộc chiến tranh này đã làm thay đổi rất cơ bản trật tự chính trị an ninh tồn tại từ nhiều thập kỷ nay ở châu Âu, chế ngự chương trình nghị sự của chính trị thế giới và biến động cục diện quan hệ quốc tế. Cả trong thời gian tới nữa, thế giới vẫn tiếp tục như vậy bởi vì cuộc chiến tranh này còn kéo dài và hiện không ai có thể dự đoán được rồi đây nó có thể và sẽ kết thúc như thế nào vào thời điểm nào.
Giải pháp chính trị hoà bình giúp có thể chấm dứt cuộc chiến tranh này hiện rất xa vời và gần như hoàn toàn bất khả thi bởi cả ba bên liên quan trực tiếp là Nga, Ukraine và liên minh các nước ủng hộ Ukraine - bao gồm Mỹ, EU, NATO và các thành viên thuộc khối phương Tây - đều không có chủ định chấm dứt cuộc chiến tranh bằng giải pháp chính trị hoà bình. Phe này vẫn tin rằng có thể đánh bại phe kia bằng quân sự nên vẫn kiên định quyết tâm tiến hành chiến tranh đến cùng. Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng chỉ khi khuất phục được Nga bằng quân sự trong cuộc chiến tranh này thì mới có thể loại trừ được vĩnh viễn mối đe dọa và thách thức an ninh từ Nga trong tương lai.
Ukraine không muốn đi vào giải pháp chính trị hòa bình với Nga vì biết vẫn còn có thể tận dụng và lợi dụng mục tiêu trên của Mỹ, EU, NATO và khối các quốc gia phương Tây, tức là tiếp tục chiến tranh với Nga bằng tiền của và vũ khí của các đồng minh trên. Mặt khác, Ukraine vẫn còn phải tránh giải pháp chính trị hoà bình vì biết rõ Nga sẽ không chấp nhận bất cứ ý tưởng giải pháp nào buộc Nga phải từ bỏ những vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga đã thu về được, kể cả bán đảo Crimea. Sau hai năm chiến tranh, Nga càng không thấy có lý do hay bị thôi thúc phải đi vào giải pháp chính trị hòa bình với Ukraine vì tình thế hiện tại trên chính trường hiện diễn biến có lợi cho Nga, vì Nga đã chứng tỏ bất chấp và ứng phó khá thành công những biện pháp chính sách trừng phạt Nga của Mỹ, EU và đồng minh về chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính cũng như vì Nga không sẵn sàng trả lại cho Ukraine những vùng lãnh thổ của Ukraine hiện Nga đang kiểm soát.
Sau hai năm chiến tranh, cả hai phía đều bớt ảo tưởng và trở nên thực tiễn hơn. Vì thế, bắt đầu từ năm thứ ba này sẽ là giai đoạn mới của cuộc chiến tranh ở Ukraine, là giai đoạn cả hai phía tập trung mọi nguồn tài lực có được để tìm kiếm kết cục chiến sự trên chiến trường giúp họ đạt được mục tiêu đề ra hoặc ít nhất thì cũng có lợi nhất. Ukraine tồn tại hay sụp đổ giờ phụ thuộc vào nguồn tiền của và vũ khí viện trợ của Mỹ, EU và các đồng minh khác nên diễn biến và kết cục của cuộc chiến này trong giai đoạn mới phụ thuộc chủ yếu vào Nga và phe các đồng minh nói trên của Ukraine. Cả ba đều sẽ thay đổi chiến thuật trong khi vẫn tiếp tục kiên định các mục tiêu chiến lược. Những dấu hiệu ban đầu là việc các đồng minh trên của Ukraine tăng cường viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, xiết chặt thêm những biện pháp chính sách trừng phạt Nga và đã bắt đầu toan tính cũng như chuẩn bị dư luận cho khả năng triển khai quân đội của NATO ở Ukraine. Nếu NATO đưa quân đội vào Ukraine thì cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ mang bản chất hoàn toàn khác trước./.
Hoàng Lan