Tranh cãi từ luật
Sau rất nhiều lần trì hoãn, cuộc bầu cử tại Thái Lan cuối cùng cũng đã diễn ra với mục đích dân sự hoá lại chính phủ sau 5 năm phe quân đội lên nắm quyền bằng đảo chính. Tuy nhiên, năm nay, cuộc bầu cử đã bị phủ bóng bởi rất nhiều tranh cãi mà mọi thứ bắt đầu từ luật.
Luật bầu cử của Thái Lan thật sự có vấn đề bởi nó giúp phe thân quân đội của nước ngày nắm quá nhiều lợi thế ngay khi cuộc đua còn chưa bắt đầu. Theo đó, thủ tướng sẽ được bầu bởi 750 nghị viên lưỡng viện trong đó có 250 Thượng nghị sĩ do Hội đồng vì hoà bình và trật tự (NCPO) thông qua. Đây là hội đồng được lập nên bởi các tướng lĩnh. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, giới quân sự đã nắm ngay 250 phiếu này, khi đảng Palang Pracharath đưa ông Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng đương nhiệm vào vị trí ứng viên thủ tướng mới. Ông Prayuth là người đứng đầu NCPO do vậy thay vì phải giành tới 376 phiếu ủng hộ thì ông chỉ cần con số 126. Như vậy, phe quân đội đã ở gần vạch đích hơn rất nhiều so với các đối thủ còn lại.
Việc bầu Hạ nghị sĩ cũng theo quy định mới cực kỳ dài dòng. Chỉ có 350 Hạ nghị sĩ được bầu trực tiếp, 150 người còn lại sẽ được chỉ định dựa trên danh sách các đảng phái dành được bao nhiêu phiếu của cử tri và họ đã thắng được ở bao nhiêu khu vực bầu cử. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đã thắng ở khu vực bầu cử thì sẽ bị trừ đi lượng hạ nghị sĩ phân bổ. Như thế dẫn tới việc rất khó có thể giành quá bán tại Hạ viện.
Tranh cãi về quyền thành lập chính phủ
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu sơ bộ không chính thức được phát đi bởi uỷ ban bầu cử, những tranh cãi về việc đảng nào là đảng có quyền đứng ra kêu gọi thành lập chính phủ liên hiệp đã nổ ra.
Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) là đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử này với 137 ghế đã tuyên bố giành quyền thành lập liên minh. Cuộc bầu cử tại Thái Lan có gần 80 đảng phái tham dự nhưng chung quy lại có hai phe chính đó là phe ủng hộ dân chủ và phe ủng hộ quân đội. Đảng Vì nước Thái đã kêu gọi được một số đảng lớn như Tương lai mới, Pheu Chart, Pracha Chart… để có 255 ghế tại Hạ viện. Tuy nhiên, với số ghế này chưa đủ để liên minh của họ có thể nắm quyền thành lập chính phủ.
Đảng Palang Pracharath ủng hộ ông Prayuth cũng cho mình quyền kêu gọi thành lập chính phủ khi giành được số phiếu cao nhất với 7,9 triệu. Tuy nhiên, họ chỉ cần 126 ghế tại Hạ viện là có thể giành thắng lợi.
Chủ tịch đảng Tương lai mới Thanathorn, một thế lực mới nổi tại chính trường Thái Lan bày tỏ quan điểm rằng theo văn hoá chính trị tại nước này thì đảng giành được nhiều ghế nhất sẽ có quyền kêu gọi thành lập liên minh nhưng phía thân quân đội thì không chấp nhận điều đó.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết, sẽ không có một chính phủ mới nào được thành lập trước khi lễ đăng quang chính thức của nhà vua Thái Lan diễn ra vào tháng 5 tới. Một nhân vật khác là Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam thì khẳng định việc liên minh của Pheu Thai chỉ là một “mưu đồ tâm lý” bởi kết quả bầu cử vẫn chưa chính thức.
“Còn 5% số phiếu bầu chưa kiểm từ Uỷ ban bầu cử. Hiện tại có hơn 100 đơn khiếu nại và cần phải được điều tra và rất có khả năng những ứng cử viên đã trúng cử sẽ không được công nhận. Kết quả có khi thay đổi theo từng ngày và chưa nói lên bất cứ điều gì”, ông Wissanu cho hay.
Cử tri đã chán ngán
“Đảng nào lên nắm quyền cũng được, chúng tôi không quan tâm bởi hiện tại tình hình kinh tế rất xấu, tôi chỉ hy vọng chính quyền mới sẽ mang lại một bức tranh kinh tế khá khẩm hơn”, anh Kay, một thành viên của đảng Vì nước Thái nói.
Các đảng phái tại Thái Lan đang làm tình hình bầu cử và hậu bầu cử cực kỳ phức tạp và người dân đã chán ngán với điều đó. Họ không cần những lời hứa nữa mà chỉ cần một xã hội ổn định về chính trị và phát triển về kinh tế. “Tăng tiền lương cho người dân? Tôi không tin họ sẽ làm được vì nhiều lần như vậy rồi. Mà tăng tiền cũng đâu phải tốt nếu tình hình kinh tế bất ổn thì tiền đâu để tăng? Kinh tế cứ phát triển thì tiền tự động sẽ tăng lên thôi”, chị Athayuth, một nhân viên ngân hàng bày tỏ.
Sự chán ngán với chính trị của người dân Thái Lan đã thể hiện ở việc chỉ có 65,95% số cử tri đi bỏ phiếu, con số này tương đương so với lần trưng cầu ý dân về hiến pháp mới cách đây gần 3 năm.
Theo các báo cáo kinh tế và xã hội, Thái Lan có năm thứ 7 liên tiếp được dự báo là thụt lùi so với các nước trong khu vực. Tính riêng số việc làm bị cắt giảm kể từ năm 2017 cho tới nay đã lên tới 500.000. Hậu quả của sự bất ổn đó được phản ánh trong một khía cạnh khác: nợ hộ gia đình đã lên tới mức 77,6% của tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2018. Nghiên cứu của các trường đại học Thái Lan đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm: phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn Thái Lan đang gánh mức nợ 180.000 baht/hộ. Thậm chí một ước tính khác đã cho kết quả còn khủng khiếp hơn, ở mức gần 317.000 baht mỗi hộ gia đình - mức cao nhất kể từ năm 2009, khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính.
Chưa kể tới việc phân tầng xã hội đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Theo số liệu của Credit Suisse Global Wealth Databook 2018, về phân tầng xã hội, năm 2016, 1% người Thái giàu nhất sở hữu 58,0% tài sản của đất nước, đến năm 2018, họ đã kiểm soát 66,9%.
Như vậy, điều mà các cử tri Thái cần thật sự ở đây là gì, không phải đảng nào nắm quyền, đất nước có dân chủ hay không, độc tài quân sự cũng được miễn là kinh tế phát triển.
Nói cho cùng, những đảng phái tham gia tranh cử đều là những người giàu có và ở tầng lớp trên của xã hội. Họ không phải lo tới chuyện cơm ăn áo mặc hằng ngày và có thời gian để tranh cãi cho quyền lực của mình. Nhưng những người dân bên ngoài khán phòng kia, họ đang mong chờ những thứ rất đơn giản đó là một cuộc sống yên bình, một xã hội ổn định về chính trị và những chính sách thiết thực với cuộc sống.