Tổng thống Pháp trực tiếp chỉ đạo
Khoảng 19h ngày 15/4, theo giờ Pháp (gần 12h đêm theo giờ Việt Nam), nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris (Notre Dame de Paris), một trong những công trình kiến trúc biểu tượng của nước Pháp, đã xảy ra cháy lớn. Ngọn lửa đã phá hủy một phần quan trọng của nhà thờ.
Theo thông tin ban đầu từ lực lượng cứu hỏa, ngọn lửa rất có thể đã bắt nguồn từ vị trí đang được sửa chữa, cải tạo trên nóc của nhà thờ. Ngọn lửa lan nhanh và khói nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ nhà thờ, có thể nhìn thấy từ vị trí cách xa hàng km.
Cơ quan chức năng Pháp đã phải dồn mọi nguồn lực và phương tiện để khống chế đám cháy. Tính đến 22h cùng ngày, gần 500 lính cứu hỏa đã được huy động để dập lửa, đồng thời tiến hành di dời các hiện vật quý bên trong nhà thờ. Trước việc ngọn lửa tiếp tục bùng phát dữ dội trên phần mái tòa nhà, phương án dùng máy bay chữa cháy đã được đề cập đến nhưng cuối cùng đã không được sử dụng, do lo ngại khối lượng nước lớn rơi từ cao sẽ phá hủy phần mái của nhà thờ, vốn đã bị đám cháy làm suy yếu trầm trọng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người dự kiến có bài phát biểu rất quan trọng trên sóng truyền hình vào khoảng 20h cùng ngày, đã phải hủy kế hoạch để tập trung cho các hoạt động khẩn cấp liên quan.
Ông Macron cảm ơn "lòng can đảm cực độ" của gần 500 lính cứu hỏa được huy động để khống chế đám cháy. Ông ghi nhận, nhờ lòng can đảm của những người lính cứu hỏa, mặt tiền và tòa tháp chính đã không sụp đổ.
Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này.
Trong khi đó, nhiều lãnh đạo chính trị trên thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia, lãnh đạo UNESCO, tòa thánh Vatican và nhiều quốc gia khác ngay lập tức bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự cố này, đồng thời thể hiện sự đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ cần thiết cho nước Pháp.
Ngay trong tối 15/4, Hiệp hội Di sản Pháp đã ra lời kêu gọi toàn quốc quyên góp để sớm xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Một chiến dịch tương tự dự kiến cũng sẽ được phát động trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, nơi người dân đặc biệt có cảm tình với Nhà thờ Đức Bà Paris.
Đặc trưng Gothic
Được xây dựng năm 1163 và hoàn thành vào năm 1345, nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng của thủ đô Paris mà còn là một trong các biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây và là công trình lịch sử được du khách ghé thăm nhiều nhất tại châu Âu.
Nhà thờ Đức Bà Paris nằm trên hòn đảo Cité trên sông Seine, ngăn cách giữa một bên Bờ Trái và một bên Bờ Phải của thủ đô Paris. Đây không chỉ là vị trí trung tâm mà còn được cho là nơi phát tích của thủ đô Paris từ một làng chài nhỏ bé hơn ngàn năm trước.
Chính vị trí địa lí đặc biệt đó đã khiến nhà thờ Đức Bà Paris trở thành một biểu tượng mang tính lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thủ đô nước Pháp. Năm 2013, nhà thờ Đức Bà Paris đã kỷ niệm 850 năm tồn tại bằng một loạt các buổi trình diễn nghệ thuật quy mô.
Tuy nhiên, điều khiến nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng hơn cả là các giá trị kiến trúc và văn hoá mà công trình này mang lại.
Nhà thờ Đức Bà Paris, với các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên, là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Gothic. Nhìn từ phía ngoài, nhà thờ Đức Bà Paris nổi bật trên nền trời Paris, đặc biệt với những ai đi du thuyền trên sông Seine và chiêm ngưỡng mặt bên của nhà thờ với các tháp nhọn (flèche), các mái vòm xương cá (combles) và các ống máng nước (gargouille) mặt quỷ nổi tiếng. Bên trong nhà thờ là mái trần cao vút với các tấm kính (vitraux) và ô cửa sổ vạn hoa (rosaces) đầy màu sắc.
Tất cả vẻ đẹp đó của nhà thờ Đức Bà Paris được nhân lên trong văn học, với tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo, văn hào lỗi lạc của nước Pháp. Tác phẩm của Victor Hugo đã mang “nàng Esmeralda” hay “thằng gù Quasimodo” đi khắp thế giới, biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành địa danh trong mơ của nhiều thế hệ độc giả toàn cầu.
Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá…để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây.
Với nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris là bản sắc dân tộc sâu đậm nhất của quốc gia này. Điểm số 0 (km số 0) được đặt ngay mặt trước của Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi xuất phát để tính toán mọi khoảng cách địa lý trong nước Pháp.
Mỗi năm gần 13 triệu du khách trên toàn thế giới ghé thăm Nhà thờ Đức Bà Paris, biến nơi đây thành công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu.
Việc khôi phục phải kéo dài hàng chục năm
Vụ hoả hoạn vừa xảy ra không phải là lần đầu tiên Nhà thờ Đức Bà Paris bị huỷ hoại nghiêm trọng. Cuối thế kỷ 18, trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Pháp (1789), Nhà thờ Đức Bà Paris cũng đã bị phá huỷ nặng nề. Công cuộc trùng tu sau đó dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc phải đến cuối thế kỷ 19 mới kết thúc.
Tuy nhiên, vụ hoả hoạn này chắc chắn sẽ khiến Nhà thờ Đức Bà Paris mất rất nhiều thời gian mới có thể được tái tạo như trước. Vào thời điểm xảy ra vụ cháy, Nhà thờ cũng đang trong giai đoạn cải tạo phần phía sau, nơi có các khung vòm và tháp nhọn. Đây cũng là nơi xuất phát ngọn lửa gây ra hoả hoạn.
Dự án cải tạo hiện đang tiến hành được bắt đầu từ năm 2018, với số vốn ban đầu là 150 triệu euro do chính phủ Pháp tài trợ. Ngoài ra, các hiệp hội văn hoá cũng đặt mục tiêu quyên góp 10 triệu euro và công việc tu sửa dự kiến tiến hành trong gần 10 năm, bắt đầu từ chính ngọn chóp tháp (flèche) phía sau Nhà thờ vừa sụp đổ, nơi được coi là biểu tượng cho ngón tay vươn tới Chúa trời.
Dù hiện tại các thiệt hại chưa được tính toán cụ thể nhưng với quy mô nghiêm trọng của vụ cháy, giới chuyên gia bảo tồn Pháp cho rằng việc phục hồi hoàn toàn Nhà thờ Paris như trước khi vụ cháy diễn ra sẽ phải diễn ra trong hàng chục năm trời, thậm chí nhiều hơn. Số tiền bỏ ra chắc chắn cũng sẽ là con số khổng lồ.
Điều may mắn nhất cho đến lúc này với nhà thờ Đức Bà Paris là việc cách vụ cháy đúng 4 ngày (11/4), 16 bức tượng đồng nổi tiếng trong nhà thờ đã được di chuyển để phục vụ công tác trùng tu, Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1860 các bức tượng này được di chuyển và vì thế, đã may mắn thoát khỏi vụ hoả hoạn.
Theo kế hoạch ban đầu, 16 bức tượng này sẽ được đặt lại vị trí cũ vào năm 2022. Nhưng có lẽ thời gian quay lại sẽ lâu hơn rất nhiều./.
Lê Thư (tổng hợp)