Cách đây đúng 20 năm, EU kết nạp thêm 10 thành viên, nâng số thành viên của liên minh từ 15 lên 25. Trước đấy, EU chưa từng lần nào thu nạp cùng lúc nhiều thành viên mới đến như vậy. Ngoài Malta và Síp, tám thành viên mới tham gia EU đợt này đều thuộc diện các quốc gia ở Đông Âu: Estonia, Latvia, Lithuania, Hungari, Ba Lan, Séc, Slovakia và Slovenia. EU gọi đấy là lần mở rộng liên minh về phía đông. Về sau, EU kết nạp thêm Rumania, Bulgaria và Croatia. EU hiện có 27 thành viên vì nước Anh đã ra khỏi EU.
Cuộc "Đông tiến" của EU không vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga như cuộc "Đông tiến" của NATO. Quá trình "Đông tiến" này được EU và NATO phối hợp chặt chẽ với nhau đúng như nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ "tiền hô, hậu ủng". Có quốc gia châu Âu gia nhập EU trước để rồi từ đó gia nhập NATO nhưng cũng có những quốc gia châu Âu khác đi theo lộ trình ngược lại.
Hai thập kỷ trước, EU và cả NATO - thu nạp các quốc gia ở vùng Đông Âu nhằm ba mục đích chính. Mục đích thứ nhất là lôi kéo các quốc gia ở vùng Đông Âu ra khỏi phạm vi ảnh hưởng và cương tỏa của Nga. Mục đích thứ hai là gây dựng cho EU vai trò hạt nhân và đầu tàu cho tiến trình nhất thể hoá toàn châu Âu sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. EU và NATO mở rộng không những chỉ để kiềm chế Nga mà còn để tạo thành hai trụ cột chính cho trật tự chính trị, an ninh, quân sự và kinh tế ở châu Âu. Mục đích thứ ba là không để cho các quốc gia thoát ra khỏi phạm vi ảnh hưởng và cương tỏa của Nga tự tập hợp nhau lại thành liên kết chính trị, an ninh và kinh tế mới ở châu Âu cạnh tranh với EU.
Sau lần kết nạp thêm 10 thành viên này, EU tăng thêm được 20% về dân số và diện tích lãnh thổ, nhưng chỉ tăng thêm được có không đầy 10% GDP. GDP tính theo đầu người trong EU đã mở rộng đương nhiên giảm đi. EU coi lần mở rộng này là dấu mốc và bước ngoặt lịch sử.
Đối với các thành viên mới nói trên, việc gia nhập EU đưa lại vận hội phát triển mới. Tất cả đều đã thay đổi rất cơ bản và đều đã đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội tích cực sau 20 năm tham gia EU. Nhưng đối với bản thân EU thì hai thập kỷ vừa qua lại là quãng thời gian đầy thăng trầm mà thăng thì ít trong khi trầm thì nhiều. Trong chính khoảng thời gian ấy, EU đã không ít lần bị xô đẩy đến bên bờ vực của thách thức về tiếp tục tồn tại hay không tiếp tục tồn tại. Khủng hoảng tài chính và nợ công, khủng hoảng đồng Euro và vấn đề người tị nạn, di cư đã khiến EU rệu rã về nhiều phương diện và sa sút uy danh. Xung khắc thương mại cả với Mỹ và với Trung Quốc làm cho EU bộc lộ hết những yếu kém, bất cập về tổ chức liên minh cũng như định hướng chính sách. EU càng thêm đông thành viên thì việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cả về đối nội lẫn đối ngoại trở nên càng thêm khó khăn đối với EU.
Trong thời gian 20 năm qua, EU gần như không đạt được tiến triển lớn và thật sự thực chất nào. Để đối phó với khó khăn và thách thức, EU cứ dần nới lỏng kỷ cương, nguyên tắc và tiêu chí về tổ chức và hoạt động. EU hiện vẫn chưa có được đối sách thích hợp có tác dụng lâu dài đối với cả Mỹ, Trung Quốc và Nga. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa cực đoan cũng như sự sa sút vai trò và ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên thế giới cũng là những điều cay đắng đối với EU.
Thật ra, chính những biến cố bất ngờ của thời cuộc đã làm cho EU không đạt được những hiệu ứng mong đợi từ lần mở rộng liên minh cách đây 20 năm. Thăng ít, trầm nhiều như thế nên bây giờ EU không thể không thận trọng và kiềm chế với việc kết nạp thêm thành viên mới. EU sẽ tiếp tục níu kéo các quốc gia châu Âu bằng lời hứa và cam kết rồi sẽ thu nạp họ vào liên minh, nhưng đến khi nào mới thực hiện lời hứa và cam kết này thì lại là chuyện khác./.
Hoàng Lan