Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng những quan chức đi cùng đã thiệt mạng khi chiếc máy bay trực thăng chở họ bị đâm vào núi và cháy rụi.
Ông Raisi năm nay 63 tuổi, trở thành tổng thống Iran vào năm 2021 với nhiệm kỳ tổng thống 5 năm. Vụ tai nạn xảy ra khi ông Raisi cùng tuỳ tùng trở về từ vùng biên giới giữa Iran và Azerbaijan. Ông Raisi đến đó để cùng phía Azerbaijan khánh thành một công trình đắp đập nước. Phó Tổng thống Mohamad Mokhber trở thành tổng thống tạm quyền và tổng thống mới của Iran sẽ được bầu ra trong thời gian 50 ngày tới.
Vụ tai nạn thảm khốc bất ngờ này đẩy đất nước Iran và cả chính trị thế giới, an ninh khu vực tới nhiều bất định mới. Đất nước Iran hiện ở trong bối cảnh rất nhạy cảm và phức tạp về chính trị - xã hội cũng như về an ninh. Năm 2021, ông Raisi đắc cử tổng thống Iran nhưng tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử tổng thống ấy không đầy 50%. Ông Raisi có quan điểm cứng rắn hơn hẳn người tiền nhiệm cả về đối nội lẫn đối ngoại. Iran hiện vẫn trong mối bất hoà rất trầm trọng với các nước thuộc khối phương Tây. Mối thù địch giữa Iran và Israel tiếp tục gia tăng chứ không thuyên giảm. Quan hệ của Iran với các nước trong khu vực láng giềng, đặc biệt với Arab Saudi đã được cải thiện rõ rệt. Dù vậy, nhìn chung mà nói thì môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Iran hiện tại vẫn không mấy thuận lợi. Nếu để bị mất ổn định chính trị xã hội nội bộ thì sẽ rất bất lợi, thậm chí còn cả tai hại đối với Iran.
Đối với Iran, vụ tai nạn máy bay nói trên đặt ra ba vấn đề với tầm tác động quyết định tới tương lai của đất nước này. Vấn đề thứ nhất là ai sẽ được bầu làm tổng thống mới. Sẽ lại một người với quan điểm cứng rắn về đối nội và đối ngoại như ông Raisi hay ôn hoà và cải cách như người tiền nhiệm của ông Raisi. Vấn đề thứ hai là ai rồi đây sẽ kế nhiệm đại giáo chủ Ali Khamenei, người lãnh đạo tối cao nhất trong hệ thống tổ chức bộ máy quyền lực hiện hành ở Iran. Ông Khamenei hiện đã 85 tuổi và trụ ở cương vị này suốt từ năm 1989 đến nay. Ông Raisi được coi là một trong những cộng sự tin cậy nhất của ông Khamenei và được ông Khamenei gây dựng, chuẩn bị làm người kế cận. Trong nội bộ phe bảo thủ, cứng rắn và Hồi giáo chính thống ở Iran sẽ bùng phát cuộc ganh đua quyền lực quyết liệt để giành cương vị quyền lực là tổng thống Iran để rồi từ đó trở thành người kế nhiệm ông Khamenei trong tương lai. Vấn đề thứ ba là cử tri Iran sẽ thể hiện thái độ như thế nào ở cuộc bầu cử tổng thống tới. Thông thường, những vụ tai nạn thương tâm như vụ việc vừa rồi sẽ khích lệ người dân, nền chính trị và nội bộ xã hội đoàn kết thống nhất thành một khối. Nhưng bầu cử tổng thống mới cũng đồng thời còn là dịp và cơ hội để cử tri quyết định bầu chọn ai từ thực tiễn cầm quyền của tổng thống trước.
Vì việc ông Raisi tử nạn mà trong thời gian tới, không dài nhưng cũng không thể ngắn, Iran sẽ phải bận rộn với những công chuyện chính trị quyền lực nội bộ. Vì thế, những bất định về đối ngoại và an ninh sẽ được phía Iran hết sức tránh, đặc biệt trong mối quan hệ với Mỹ, phương Tây nói chung và với Israel. Nếu Mỹ, phương Tây và Israel gia tăng xung khắc và căng thẳng, khiêu khích và đối địch Iran trong bối cảnh tình hình hiện tại thì phản ứng đáp trả của Iran chắc chắn sẽ quyết liệt và dữ dội hơn trước rất nhiều.
Ông Khamenei sẽ không để cho người kế nhiệm ông Raisi theo đuổi quan điểm, chính sách khác biệt cơ bản so với người tiền nhiệm. Nhưng người kế nhiệm ông Raisi rất có thể có cách thức cầm quyền khác, cách làm khác. Cũng vì thế mà từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Iran có thể biết được khá chắc chắn ông Khamenei xử lý chuyện người kế nhiệm chính mình như thế nào./.
Hoàng Lan