BRICS định hình chặng đường phát triển mới

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa diễn ra tại Nga - quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch BRICS.

 

BRICS hiện đang xem xét khoảng 40 đơn đăng ký từ nhiều quốc gia khác nhau, đề xuất thiết lập các hình thức hợp tác khác nhau - điều này cho thấy một làn sóng quan tâm mới đến việc gia nhập BRICS.

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS) vừa diễn ra tại Nga - quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch BRICS. Đây là cuộc họp đầu tiên của các Ngoại trưởng BRICS kể từ khi Nhóm mở rộng, chính thức thức kết nạp thêm 6 thành viên từ ngày 1/1/2024. Với quy mô lớn hơn, nhiều thành viên hơn, tại Hội nghị, BRICS sẽ định hình lộ trình phát triển mới cho riêng mình.

Lộ trình đó bao gồm những nỗ lực chung nhằm tăng cường tính đa phương trong quan hệ quốc tế, xây dựng các cơ chế hợp tác giữa các quốc gia BRICS trong khuôn khổ liên minh và trên các diễn đàn quốc tế, các định dạng đối thoại BRICS+ để tiếp xúc với những đối tác không thuộc khối. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp trong các vấn đề toàn cầu quan trọng, bao gồm hợp tác trong các diễn đàn đa phương như LHQ, G20 và Tổ chức Thương mại Thế giới; hợp tác chống khủng bố, chống tham nhũng, chống buôn bán ma túy và an toàn thông tin quốc tế. Và điều quan trọng trước mắt là phải đảm bảo hòa nhập cho những nước mới gia nhập.

Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới đã khai mạc tại thành phố Nizhny Novgorod của LB Nga. (Ảnh: dailynewsegypt.com)Tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng do cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ càng thôi thúc BRICS củng cố khối, dù có thông tin đã xảy ra chia rẽ trong nội bộ và thiếu tầm nhìn cho việc mở rộng.

Trong vai trò Chủ tịch BRICS, Nga đang tìm cách đảm bảo tính liên tục thông qua tiếp nối những nỗ lực của chủ tịch tiền nhiệm Nam Phi và cùng với các đối tác thúc đẩy hợp tác đa phương theo 3 hướng chính là: Chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Trong điều kiện BRICS đã và đang mở rộng, Nga sẽ nâng cao vị thế và tiếng nói của mình bằng một kế hoạch rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập hài hòa của những quốc gia thành viên mới trong mọi lĩnh vực.Dưới sự giám sát của Nga, BRICS sẽ tổ chức hơn 200 sự kiện bao trùm nhiều vấn đề. Trong đó, sự kiện quan trọng nhất sẽ là Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức vào tháng 10 tới ở Kazan, Tatarstan thuộc vùng Volga của Nga.

BRICS hiện đang xem xét khoảng 40 đơn đăng ký từ nhiều quốc gia khác nhau, đề xuất thiết lập các hình thức hợp tác khác nhau - điều này cho thấy một làn sóng quan tâm mới đến việc gia nhập BRICS. Không giống như các thành viên hoặc ứng viên tiềm năng khác, Thổ Nhĩ Kỳ được tích hợp chặt chẽ hơn nhiều vào cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương. Quốc gia này là một trong những nhân tố quan trọng của NATO, cũng được coi là một đối tác quan trọng, mặc dù có vấn đề, trong EU.

Mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quyết định bộc phát, mà các cuộc thảo luận về vấn đề này được xúc tiến trong nhiều năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không hài lòng với các chính sách của EU trong một thời gian dài khi tổ chức này liên tục từ chối mong muốn gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vì những vấn đề nhân quyền, hay những khác biệt trong chính sách đối ngoại. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chuyển hướng sang BRICS như một phương án thay thế; đồng thời, phát đi thông điệp khẳng định nước này sẵn sàng thực hiện chính sách độc lập với phương Tây.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS bộc lộ những rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa nước này với các nước phương Tây và điều này sẽ khiến các nước phương Tây không hài lòng. Việc Ankara ngày càng “xích lại” gần Nga, Trung Quốc, những quốc gia luôn bị phương Tây coi là “đối thủ cạnh tranh” hàng đầu, rõ ràng đi ngược lại lợi ích của các nước phương Tây. Thông qua việc gia nhập BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nâng cao vị thế quốc tế của mình ở khu vực, cũng như trên thế giới, đồng thời khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại rộng lớn với các nước thành viên BRICS.

Tuy nhiên, trở ngại chính đối với việc gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ chính là tư cách thành viên NATO của nước này. Bởi lẽ, BRICS là tổ chức bao gồm các quốc gia độc lập và không thuộc các liên minh hoặc các tổ chức có hệ thống phân cấp chặt chẽ. Những quy chế đồng minh trong NATO của Ankara nhiều khả năng sẽ khiến các nước BRICS e ngại. Thời gian tới, sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là rất lớn và cộng đồng quốc tế sẽ đặc biệt quan tâm đến phản ứng của Mỹ và đồng minh châu Âu nếu Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gia nhập BRICS./.

Thu Hà

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận