12 nước từ chối ký tuyên bố chung của hội nghị hoà bình Ukraine

Sự vắng mặt của Nga, TQ và hàng loạt quốc gia từ chối ký tuyên bố cuối cùng đã một lần nữa cho thấy con đường đi tới hoà bình tại Ukraine còn nhiều chông gai.

 

Tuyên bố cuối cùng tại hội nghị tái khẳng định cam kết của các bên ký kết về việc kiềm chế các hành vi đe doạ hoặc sử sụng vũ khí chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã ca ngợi hội nghị là một thành công khi chứng kiến sự ủng hộ của tất cả các nước đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sự hiện diện của Nga tại bàn đàm phán là cần thiết để chấm dứt xung đột.

Các cuộc đàm phán diễn ra dưới sự chủ trì của Thuỵ Sĩ được đánh giá là có sự tham gia rộng rãi nhất của các quốc gia, với số lượng phái đoàn lên tới 101, trong đó có 92 phái đoàn quốc gia. Đây là một phần nỗ lực của Ucraina nhằm mở rộng sự ủng hộ ra bên ngoài những đối tác phương Tây cốt lõi đối với Công thức hoà bình 10 điểm của nước này.

Việc vắng bóng Nga, bên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính chính đáng của các cuộc đàm phán. Trung Quốc cũng quyết định rút lui vào phút chót, trong khi hàng chục quốc gia, trong đó có cả những quốc gia đang phát triển và mới nổi hàng đầu như Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn tham dự, song không ký tuyên bố cuối cùng.

12 nước từ chối ký tuyên bố chung của hội nghị hoà bình Ukraine. Ảnh: ReutersTổng thống Thuỵ Sĩ Viola Amherd thừa nhận, kết quả hội nghị đã cho thấy nhiều quan điểm khác nhau.

“Tại một số thời điểm, người ta nói rằng đó không phải là những chủ đề quan trọng, nhưng khi bạn nhìn vào dân thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, các chủ đề được thảo luận lại là những chủ đề quan trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng tham gia sâu hơn vào các cuộc thảo luận này và sẵn sàng tổ chức nhiều cuộc họp hơn ở Thụy Sĩ nếu điều đó được mong muốn”, ông Amherd nói.

Trong khi đó, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo nhấn mạnh: “Hậu quả của cuộc xung đột vượt xa giới hạn của châu Âu. Về nhiều mặt, châu Phi là nạn nhân lớn nhất. Sự gián đoạn thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng và tuyên vận chuyển qua Biển Đen đã có những tác động tàn khốc đến nền kinh tế và mức sống của chúng ta. Giá thực phẩm tăng vọt”.

Một ngày trước hội nghị, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố bản kế hoạch hoà bình do Nga soạn thảo, trong đó kêu gọi Quân đội Ukraine rút khỏi 4 khu vực phía Nam và phía Đông, cũng như yêu cầu nước này từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Nga nhiều lần nhấn mạnh, nước này chưa bao giờ từ chối đàm phán, song các cuộc thảo luận phải tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan, trong đó có Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thuỵ Sĩ Ignazio Cassis hôm qua cho biết, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về hoà bình Ukraine có thể diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Dù không nêu cụ thể địa điểm tổ chức, song nhà ngoại giao này đã đề cập khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thuỵ Sĩ.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

 

Bình luận

    Chưa có bình luận