Khúc mắc lớn Nga – Ukraine và quyết định của các nước Bán cầu Nam tại Thụy Sĩ

Nga và Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh sau khi hội nghị quốc tế được kỳ vọng là bước đầu tiên nhằm hướng tới hòa bình không đạt được đột phá ngoại giao đáng kể.

 

Sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc trong hội nghị 2 ngày ở Thụy Sĩ vào cuối tuần trước cũng như quyết định của một số quốc gia gồm Ấn Độ, Saudi Arabia và Mexico khi không ký vào tuyên bố chung của hội nghị ngày 16/6 đồng nghĩa rằng cuộc họp mặt không có nhiều điều để thể hiện, ngoài thiện chí và cam kết tiếp tục nỗ lực vì hòa bình sau hơn hai năm xung đột.

Trong khi đó, Ukraine, sau "cơn khát" đạn pháo do các đợt hỗ trợ quân sự chậm trễ của phương Tây, đang cố gắng đối phó với cuộc tấn công của Nga ở khu vực phía Đông cho tới khi các triển vọng của nước này được cải thiện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhận định kết quả của hội nghị "gần như bằng 0".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các hội nghị quốc tế của các cố vấn và bộ trưởng các nước sẽ diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình và đặt nền tảng cho hội nghị thứ hai ở một thời điểm nào đó trong tương lai.

Điều kiện ngừng bắn của Nga và Ukraine

Gần 80 quốc gia đã thông qua tuyên bố cuối cùng bao gồm các bước hướng tới an toàn hạt nhân, an ninh năng lượng, thả các tù nhân và những người bị trục xuất. Tuy nhiên, nó không giải quyết được một vấn đề căn bản khó nhằn hiện nay: Đó là các vùng lãnh thổ ở Ukraine do Nga kiểm soát.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ngày 14/6 rằng ông sẽ đưa ra một lệnh ngừng bắn ngay lập tức nếu các lực lượng của Kiev rút khỏi 4 vùng lãnh thổ Moscow tuyên bố sáp nhập năm 2022 và Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Các điều kiện khác của ông để chấm dứt xung đột ở Ukraine bao gồm: Ukraine công nhận Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014, một số hạn chế với quân đội Ukraine và Kiev phải duy trì tình trạng phi hạt nhân.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Ukraine nên chấp nhận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Putin, nếu không thì quân đội Nga sẽ gây sức ép và khiến tình hình của Kiev trở nên khó khăn hơn.

"Thực sự thì tôi nghĩ Tổng thống đã nói mọi thứ. Ý tôi là đề xuất hòa bình tiếp theo mà Nga đưa ra sẽ tồi tệ hơn cho giới chức Ukraine cho dù chúng tôi đối xử với họ như thế nào. Hiện nay, họ có cơ hội để cân nhắc đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin và ít nhất cố gắng xây dựng hòa bình cũng như chấm dứt phần này của cuộc xung đột", ông Medvedev nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ. Ảnh: ReutersNếu không thì theo ông Medvedev, cuộc tấn công của Nga sẽ tiếp tục.

"Khó có thể nói liệu ranh giới vùng đệm mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến sẽ thế nào. Rất có thể tất cả điều này sẽ không có lợi cho giới chức Ukraine hiện tại. Vì thế họ phải nhanh chóng quyết định khi còn có thể", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhận định.

Tuy nhiên, theo quan chức này, Kiev đã từ chối đề xuất trên tại hội nghị ở Thụy Sĩ khi "bác bỏ mọi đề xuất và đưa cuộc thảo luận về ban đầu". Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi đề xuất của Moscow là tối hậu thư trong khi cố vấn của ông là Mikhail Podolyak cho rằng sáng kiến mới của Nga không phải là "một đề xuất hòa bình thực tế".

Tổng thống Zelensky trước đó đã đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong số đó có các yêu cầu về việc Nga phải rút tất cả lực lượng khỏi Ukraine và chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Những đề xuất này đã bị Moscow bác bỏ.

Cuộc giao tranh ở Ukraine đang ở thời điểm quan trọng. Các lực lượng của Kiev không thể tiếp tục chiến đấu nếu không có sự hỗ trợ từ phương Tây. Nước này cũng đối mặt với các thách thức từ không đủ nhân lực đến thiếu các công sự phòng thủ, mang đến cho Nga cơ hội để đạt được thành quả trên chiến trường trong mùa hè này.

Vì sao các nước Bán cầu Nam từ chối ký tuyên bố chung Thụy Sĩ?

"Quyết định của Ấn Độ khi không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ không mấy bất ngờ", Giáo sư Anuradha Chenoy đã nghỉ hưu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Đại học Jawaharlal Nehru nhận định với Sputnik. Theo ông: "Ấn Độ đã thể hiện chính xác rằng, một hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ không có ý nghĩa gì nếu các bên còn lại không có mặt. Việc không mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ đã cho thấy ý định của họ trong việc đưa ra một yêu cầu đơn phương thay vì kêu gọi đàm phán hòa bình".

Tổng thống Brazil Lula da Silva cũng không tham dự hội nghị này, song đã cử một đại diện tham gia với tư cách là quan sát viên.

"Bởi vì Nga không được mời nên với ngoại giao Brazil và với Tổng thống Lula, không có lý do gì để Brazil tham dự hội nghị này", ông Vinicius Vieira - học giả nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Sao Paulo đánh giá. Ông cho rằng: "Đó là lý do tại sao Brazil không ký vào tuyên bố chung cuối cùng".

Nam Phi cũng từ chối ký tuyên bố này vì cùng lý do, Giáo sư Fulufhelo Netswera, Trưởng khoa Khoa học Quản lý tại Đại học Công nghệ Durban tại Nam Phi nói. Nếu Nga tham gia vào tiến trình hòa bình này, Nam Phi sẽ ký tuyên bố cuối cùng, Giáo sư Fulufhelo Netswera nhận định với Sputnik.

Trong khi đó, quyết định của Saudi Arabia khi không ủng hộ tuyên bố trên là do 3 nguyên nhân, ông Ahmed Al Ibrahim, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Saudi Arabia, đồng thời là một nhà phân tích chính trị cho hay. Theo ông, Saudi Arabia thường duy trì lập trường trung lập để bảo vệ các mối quan hệ ngoại giao của mình. Mối quan hệ kinh tế của nước này với Nga, đặc biệt qua OPEC+ có lẽ cũng có ảnh hưởng đến quyết định của Riyadh. Ngoài ra, Saudi Arabia đang tập trung vào sự ổn định khu vực cũng như các lợi ích chiến lược của mình thay vì liên quan đến một cuộc xung đột ở châu Âu.

Theo Sputnik, hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ cho thấy Bán cầu Nam có tiếng nói riêng.

"Những gì Bán cầu Nam muốn là đối thoại. Đối thoại vì sự biến đổi khí hậu, đối thoại để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn và đối thoại để dập tắt các cuộc xung đột", chuyên gia Vinicius Vieira bình luận.

Kiều Anh/VOV.VN
Theo: US News, Sputnik, Tass

 

Bình luận

    Chưa có bình luận