Kỳ vọng từ Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, hướng đến việc củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh...

 

Việc phát triển mở rộng quan hệ với các nước sẽ không chỉ tăng cường hợp tác kinh tế chính trị của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà còn là kỳ vọng về mô hình an ninh mới.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 3-4/7) tại thủ đô Astana của Kazakhstan đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, hướng đến việc củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh và kết nạp thành viên mới cho nhóm. Người ta kỳ vọng sự kiện này sẽ mở ra một chương mới trong hợp tác của SCO. Được thành lập vào năm 2001, SCO hướng tới việc trở thành một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, đóng vai trò trọng yếu tại khu vực Á-Âu.

Cờ các nước tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)Ban đầu được thành lập với mục tiêu chống khủng bố, SCO đã mở rộng lĩnh vực hợp tác, để tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế và năng lượng. Giờ đây, SCO không là chỉ là một liên minh quân sự. Các quốc gia thành viên SCO đã tăng cường hợp tác trong các sáng kiến kinh tế khu vực, như sự hội nhập của Sáng kiến Vành đai, Con đường do Trung Quốc khởi xướng và Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu, đồng thời duy trì an ninh khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu. Sự chuyển hướng này phản ánh vai trò ngày càng tăng của SCO trong việc đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên, hướng tới sự ổn định kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như giải quyết các mối lo ngại về an ninh.

Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Tokayev, trong vai trò Chủ tịch SCO năm 2024, đã đề xuất một mô hình an ninh mới. Ông kêu gọi một đối thoại toàn cầu cởi mở và trung thực để áp dụng mô hình an ninh mới này, nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường kinh tế công bằng, bền vững và các biện pháp bảo vệ môi trường toàn cầu.

Tuyên bố này thể hiện cam kết của Kazakhstan trong việc nâng cao hiệu quả của SCO như một cơ chế hợp tác đa phương, tăng cường khả năng đối phó với các thách thức và mối đe dọa chung, tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và bạo lực cực đoan. Đề xuất mô hình an ninh mới cũng phản ánh mong muốn của Kazakhstan trong việc tái định hình các mối quan hệ quốc tế dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và chủ nghĩa đa phương, phù hợp với sáng kiến “Thế giới đoàn kết vì hòa bình và hòa hợp” mà nước này đã đưa ra trước đó. Đây cũng là một phần của nỗ lực nhằm tăng cường sự ổn định và an ninh khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác văn hóa.

Việc Belarus gia nhập SCO, nâng tổng số thành viên lên 10, không chỉ làm tăng sự đa dạng về mặt địa chính trị mà còn củng cố chiều sâu chiến lược của tổ chức. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng có thể đem lại thách thức, khiến cho những mâu thuẫn và khác biệt hiện có trở nên phức tạp hơn, có nguy cơ làm suy yếu sự liên kết trong khu vực. SCO-10 được xem là một bước tiến quan trọng của khối hướng tới một trật tự quốc tế mới, được Trung Quốc và Nga ủng hộ.

Sự vắng mặt của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh năm nay là một điểm đáng chú ý. Mặc dù không có lời giải thích chính thức, nhưng có thể suy đoán rằng vị thế địa chính trị của Ấn Độ giữa Nga và phương Tây, cùng với căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Pakistan, là yếu tố dẫn tới quyết định này.

Tình hình hiện tại phản ánh sự phát triển động lực của SCO khi tổ chức này mở rộng thành viên. Mặc dù đang phát triển, SCO cũng phải đối mặt với thách thức trong việc điều phối chương trình làm việc đa dạng và tiếng nói của các thành viên. Sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo chủ chốt như Thủ tướng Modi làm nổi bật sự cân nhắc giữa việc mở rộng và duy trì sự gắn kết. Dù vậy, SCO tiếp tục mở rộng và phát triển, có thể giúp cân bằng ảnh hưởng giữa các quốc gia và giúp khẳng định vai trò của các thành viên trên trường quốc tế./.

Dũng Hoàng

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận