Trong khi đó, nhờ chiến thuật cùng rút bớt ứng cử viên để tập trung phiếu, liên minh cánh tả “Mặt trận Bình dân mới” (NFP) vươn lên dẫn dầu với khoảng 180-210 ghế, liên minh “Chung sức” ủng hộ Tổng thống Macron về thứ nhì với khoảng 160-175 ghế.
“Cú lội ngược dòng” ngoạn mục của liên minh “Mặt trận Bình dân mới” và liên minh ủng hộ Tổng thống đã chặn đứng cơ hội nắm chính phủ của đảng Tập hợp Quốc gia, làm yên lòng nước Pháp và cả châu Âu về nguy cơ một đảng theo đường lối cực hữu trở thành lực lượng chính trị lớn nhất trên chính trường Pháp. Tuy nhiên, việc 3 thế lực “dàn hàng ngang” trong Quốc hội mà không có đảng nào nắm đủ thế đa số cho thấy sự chia rẽ chính trị sâu sắc của nước Pháp, có nguy cơ làm tê liệt nước Pháp với kịch bản “Quốc hội treo”.
Yếu tố tạo nên bất ngờ
Cho đến trước khi kết quả sơ bộ được công bố lúc 20h tối ngày 7/7, giới phân tích chính trị đều không lường đến kịch bản đảng cực hữu RN lại chịu thất bại đau đớn đến vậy. Thực tế, sau chiến thắng vang dội tại vòng 1 và trước đó là bầu cử Nghị viện châu Âu, viễn cảnh phe cực hữu lần đầu lên nắm quyền kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II là nỗi ám ảnh của cả nước Pháp, từ người dân, quan chức cho đến các phương tiện truyền thông Pháp và châu Âu.
Do vậy, việc đảng RN chỉ về thứ 3, sau cả liên minh “Chung sức” ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là bất ngờ lớn đối với cả những người ủng hộ và không ủng hộ lực lượng này. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thất bại này.
Đầu tiên là việc cả hai liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) và liên minh “Chung sức” của Tổng thống Macron cùng hạ quyết tâm ngăn chặn phe cực hữu có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội và tự quyết các vấn đề của nước Pháp.
Chiến thuật rút người khỏi 220 tam giác và tứ giác tranh cử của cả hai để dồn phiếu cho các ứng cử viên có khả năng đánh bại phe cực hữu đã phát huy hiệu quả hơn mong muốn. Trong phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố, Chủ tịch đảng RN ông Jordan Bardella đã cay đắng thừa nhận điều này và tức giận gọi hành động gom phiếu chống RN là một “liên minh đáng xấu hổ” và phi dân chủ.
Nguyên nhân thứ hai đến từ sự mất phương hướng của người dân Pháp. Trong nỗi thất vọng về Tổng thống Macron cũng như chán trường về các lực lượng chính trị truyền thống từ cánh tả cho đến cánh hữu, nhiều người dân Pháp bày tỏ mong muốn một “làn gió mới” dù là thử nghiệm.
Tuy nhiên, đến những thời khắc quyết định, họ lại bị chi phối bởi truyền thông, bởi nỗi lo sợ về chủ nghĩa cực hữu đồng nghĩa với phát xít và phân biệt chủng tộc. Giới phân tích cũng cho rằng việc bà Marine Le Pen, lãnh đạo kỳ cựu của đảng RN và thường được gắn liền với tư tưởng cực đoan hơn 20 năm qua, xuất hiện quá nhiều thay vì hình ảnh trẻ trung, mới mẻ của ông Jordan Bardella cũng góp phần làm thay đổi quyết định.
Cuối cùng, thất bại đến từ chính sự chủ quan của lãnh đạo đảng RN sau khi có được những kết quả trên cả mong đợi tại vòng 1 và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trước đó. Trong khi liên minh cánh tả và phe của Tổng thống Macron đặt mục tiêu rõ ràng và hành động quyết đoán, thì đảng RN và đồng minh đã không có những động thái đáng kể nào trong vòng 1 tuần qua ngoài phản ứng yếu ớt chì trích chiến thuật “dồn phiếu” của các đối thủ.
Ngoài lượng cử tri trung thành, vấn đề của đảng RN nằm ở chỗ chưa có khả năng thu hút thêm số lượng cử tri lớn chỉ trong một thời gian ngắn để có thể hoá giải bài toán “dồn phiếu” hay lý do “chống cực hữu, phát xít” mà các lực lượng chính trị truyền thống thường sử dụng tại các thời điểm quyết định trong các cuộc bầu cử, mà gần nhất chính là thất bại của bà Marine Le Pen trước ông Macron tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022.
Thách thức trong việc thành lập chính phủ mới
Bên cạnh thất bại của phe cực hữu, việc liên minh cánh tả NFP giành nhiều ghế nhất cũng là một bất ngờ lớn tại cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay. Mới được thành lập cách đây chưa đầy 1 tháng, tức là ngay sau quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống Macron (9/6) nên chiến thắng của liên minh cánh tả NFP được coi là đến từ thời thế, từ tâm lý e ngại tư tưởng cực hữu đến những thất vọng đối với đảng cầm quyền. Nói đúng hơn, người dân Pháp đang ở thái cực hỗn độn nên muốn có một lựa chọn an toàn hơn trước những phương án rủi ro hay thiếu tin tưởng.
Theo kết quả mới nhất do Bộ Nội vụ Pháp công bố, đã không lực lượng nào giành đủ đa số tuyệt đối (289/577 ghế) và Quốc hội Pháp mới sẽ là tập hợp của các lực lượng chính trị riêng rẽ với số ghế cách biệt không thực sự lớn, với 182 ghế cho liên minh cánh tả NFP, 168 ghế cho liên minh của Tổng thống Macron và 143 ghế cho phe cực hữu.
Lãnh đạo các đảng cánh tả hiện đã kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron sớm trao quyền thành lập chính phủ mới cho liên minh cánh tả NFP, lực lượng chính trị lớn nhất trong Quốc hội Pháp nhưng ông Macron hiện vẫn chưa có bất cứ tuyên bố nào ngoài thông báo chờ đợi “cơ cấu” của Quốc hội mới, liên minh đa số mới được hình thành để xác định người sẽ đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên, viễn cảnh một chính phủ cánh tả với một đa số mong manh sẽ gần như không có cơ hội vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trong lần ra mắt đầu tiên nếu không nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái khác.
Phát biểu ngay sau cuộc bầu cử, ông Stéphane Séjourné, Tổng thư ký đảng “Phục hưng”, nòng cốt trong liên minh của Tổng thống Macron, đã bác bỏ khả năng liên minh với đảng cực tả “Nước Pháp buất khuất” (LFI), lực lượng chính trị lớn nhất trong liên minh cánh tả NFP. Lý do cốt yếu là đảng LFI đòi loại bỏ những cải cách hưu trí mà Tổng thống Macron đã phải đầy khó khăn mới thực hiện được trong năm 2023.
Kịch bản được nhắc tới nhiều nhất lúc này là một chính phủ liên minh gồm nhiều sắc thái chính trị như tại Bỉ, Đức, Italia hay mới đây là Hà Lan, bao gồm các đảng cánh tả (không gồm đảng LFI), cánh hữu và khối trung hữu của Tổng thống Macron.
Một nhận định chung là bất cứ chính phủ mới nào tại Pháp mà không có sự tham gia của 2 trong 3 liên minh lớn hiện nay đều khó có thể trụ vững. Do đó, đời sống chính trị quốc gia Pháp thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn khi quá trình thương lượng để tìm kiếm một đa số mới đứng ra thành lập chính phủ có nguy cơ kéo dài. Trong phát biểu đầy thất vọng sau bầu cử, lãnh đạo phe cực hữu bà Marine Le Pen dù chấp nhận thua cuộc nhưng đã cảnh báo “Nước Pháp sẽ bị tê liệt bởi 3 nhóm chính trị có ảnh hưởng như nhau tại Quốc hội. Người dân Pháp có thể sẽ lãng phí thêm 1 năm nữa với đầy bất an, hỗn loạn”.
Trong trường hợp xấu nhất, sẽ chỉ có một chính phủ “kỹ thuật” tại Pháp với các bộ trưởng không thuộc đảng phái nào để xử lý các vấn đề sự vụ và thực hiện một số cải cách nếu có với sự đồng thuận của Quốc hội và sẽ chờ đợi một cuộc bầu cử lập pháp mới. Hiến pháp của Pháp quy định bất kể kịch bản nào được lựa chọn và trong bất kỳ trường hợp nào, Quốc hội mới được bầu cũng không thể bị giải tán trong vòng một năm, tức là trước tháng 7/2025.
Ai sẽ thay thế Thủ tướng Gabriel Attal?
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã nộp đơn từ chức ngày 8/7 nhưng Tổng thống Emmanuel Macron đã yêu cầu ông Attal tiếp tục tạm quyền điều hành chính phủ để chờ “cơ cấu” đa số của Quốc hội mới cũng như đảm bảo sự ổn định trong bối cảnh nước Pháp chuẩn bị cho các sự kiện lớn như lễ Quốc khánh 14-7 và nhất là Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa.
Hiến pháp của Pháp cho phép Tổng thống có quyền tự do lựa chọn người sẽ đảm nhiệm chức Thủ tướng nhưng cũng quy định Thủ tướng phải nhận được sự ủng hộ của Quốc hội để tránh vấn đề lạm quyền. Thế chia ba tại Quốc hội sau bầu cử khiến vị trí Thủ tướng trở nên khó đoán định.
Đến lúc này, chưa có một gương mặt triển vọng, thực sự rõ ràng dù một chính trị gia tuyên bố sẵn sàng đảm nhận vị trí “nóng”, nổi bật là ông Jean-Luc Mélenchon - thủ lĩnh đảng cực tả LFI, lực lượng chính trong liên minh NFP hay cựu Thủ tướng Pháp trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Macron, ông Edouard Philippe, đồng thời là chủ tịch đảng “Những chân trời” thuộc liên minh của Tổng thống. Vấn đề của ông Mélenchon là dù có lợi thế đến từ đảng lớn nhất trong liên minh cánh tả nhưng lại nổi tiếng là chính trị gia hay gây tranh cãi, mang tư tưởng cực tả và thường có phát ngôn đi quá giới hạn. Lãnh đạo các đảng Xã hội, Sinh thái, Cộng sản trong liên minh NFP nhiều lần cho rằng ông Mélenchon không phải là Thủ tướng phù hợp cho bối cảnh nước Pháp đang bị chia rẽ hiện nay.
Trong khi đó, với ông Edouard Philippe, người được cho là sẽ kế nhiệm Tổng thống Macron vào năm 2027 cho đến trước khi Thủ tướng trẻ tuổi Gabriel Attal nổi lên, thì cũng chưa tạo được ảnh hưởng đủ lớn và quan trọng là chưa có bất cứ động thái ủng hộ nào từ Người đứng đầu nước Pháp.
Ngoài ra, phải kể đến một số cái tên khác từ liên minh cánh tả NFP là bà Marine Tondelier - lãnh đạo đảng Sinh thái, ông Boris Vallaud thuộc đảng Xã hội Pháp, thậm chí là cựu Tổng thống Francois Hollande, người mới trở lại chính trường tái đắc cử nghị sĩ hay thành viên đảng cánh hữu “Những người cộng hoà” (LR) ông Thierry Breton, hiện là uỷ viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa sẵn sàng cho một chính phủ “kỹ thuật”. Cũng không loại trừ ông Gabriel Attal tiếp tục ở lại trong một chính phủ liên minh đa sắc thái bởi thực tế khác với Tổng thống Macron, ông Attal vẫn đang được lòng người dân Pháp.
Nhìn chung, nước Pháp đang trong tình thế “so bó đũa chọn cột cờ” nhưng điểm chung mà lãnh đạo các đảng phái cũng Tổng thống Macron nhắc đến là Thủ tướng mới phải có khả năng điều đình, nhận được sự ủng hộ của đa số Quốc hội và có khả năng khả năng dung hoà giữa các phe phái chính trị, hàn gắn đất nước bị phân cực sâu sắc sau các kỳ bầu cử vừa qua.
Mạnh Hà/VOV-Paris