Chính phủ Venezuela cáo buộc phe đối lập đang âm mưu tiến hành đảo chính, đồng thời huy động quân đội kiểm soát tình hình. Quốc tế cũng đang chia rẽ về tình hình tại Venezuela.
Phe đối lập Venezuela tuyên bố ứng cử viên của họ là ông Edmundo Gonzalez đã giành được hơn 70% số phiếu bầu, nhiều gấp đôi so với đương kim Tổng thống Maduro, dựa trên 90% số phiếu bầu mà lực lượng này có thể tiếp cận. Với tuyên bố như vậy, lực lượng này đã kêu gọi biểu tình trên khắp đất nước Venezuela cùng tuyên bố sẽ bắt đầu tái thiết đất nước, ngầm ám chỉ quyền lãnh đạo trong tay.
7 quốc gia Mỹ Latinh, gồm Argentina, Chile, Costa Rica, Peru, Panama, Cộng hòa Dominicana và Uruguay tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử tại Venezuela, gây ra căng thẳng cắt đứt quan hệ ngoại giao và trục xuất Đại sứ. Mỹ cũng cáo buộc chính phủ Venezuela thao túng kết quả bầu cử, để ngỏ khả năng trừng phạt, khiến phe đối lập Venezuela càng có động lực kêu gọi biểu tình trong thời gian tới.
Trước diễn biến căng thẳng, đương kim Tổng thống Venezuela - người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 và sẽ lãnh đạo đất nước đến năm 2031 đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát đảm bảo an ninh đường phố mỗi ngày, sau khi cáo buộc lực lượng đối lập đang âm mưu tiến hành đảo chính và một số nhóm người biểu tình có hành vi phá hoại. “Cho đến khi chúng ta củng cố được hòa bình, chúng ta phải thực hiện hai việc. Đầu tiên là thực hiện lệnh mà tôi đã ban hành hôm nay tại Hội đồng An ninh Quốc gia về việc tuần tra quân sự và cảnh sát tại tất cả các thành phố của đất nước. Thứ hai, mọi người cần được huy động xuống đường mỗi ngày”, đương kim Tổng thống Venezuela nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Venezuela, Tướng Vladimir Padrino cũng tuyên bố rằng có một “âm mưu đảo chính đang diễn ra” nhưng nhấn mạnh rằng lực lượng vũ trang sẽ giúp đánh bại âm mưu này.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez cáo buộc phe đối lập có các hành vi vi phạm luật pháp, với những hành động gây bất ổn, bạo lực liên quan đến các cuộc biểu tình; đồng thời cảnh báo lãnh đạo và ứng cử viên Tổng thống của phe đối lập có thể sẽ phải ngồi tù vì trách nhiệm liên quan.
Ngay lập tức, Panama và Costa Rica đã đề nghị cấp quyền tị nạn chính trị cho 2 người này. Trong khi đó, quốc tế kêu gọi các bên Venezuela hành động kiềm chế, giải quyết bất đồng về bầu cử một cách ôn hòa. Nhiều nước kêu gọi chính phủ Venezuela nhanh chóng công bố dữ liệu bầu cử, để ổn định tình hình. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết: “Căng thẳng này sẽ đươc giải quyết như thế nào? Hãy trình bày số phiếu bầu. Nếu có nghi ngờ về số phiếu giữa phe đối lập và kết quả, phe đối lập sẽ nộp đơn kháng cáo và chờ tòa án xử lý. Sau đó, sẽ có quyết định mà chúng ta phải chấp nhận. Khi số phiếu được công bố và được xác nhận là đúng, tất cả các bên đều có nghĩa vụ công nhận kết quả bầu cử của Venezuela. Tổng thống Venezuela biết rằng, càng minh bạch, ông ấy càng có nhiều cơ hội, sự ủng hộ để điều hành đất nước”.
Ngoại trưởng Colombia Luis Gilberto Murillo cũng kêu gọi các bên Venezuela duy trì sự đối thoại và tránh các hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Trước tình hình căng thẳng hậu bầu cử tại Venezuela, Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký hoan nghênh người dân Venezuela vì quyết tâm thể hiện ý chí của mình một cách hòa bình thông qua hòm phiếu. Chúng tôi đã ghi nhận thông báo do cơ quan bầu cử đưa ra, cũng như những lo ngại do các chính trị gia và cộng đồng quốc tế bày tỏ. Tổng thư ký kêu gọi minh bạch hoàn toàn và khuyến khích công bố kết quả bầu cử kịp thời và phân tích các điểm bỏ phiếu.
Tổng thư ký tin tưởng rằng mọi tranh cãi bầu cử sẽ được giải quyết một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị Venezuela và những người ủng hộ họ hãy ôn hòa. Ông nhắc lại rằng các cơ quan bầu cử nên thực hiện công việc của mình một cách độc lập và không bị can thiệp để đảm bảo quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri”./.
Đình Nam