Áp lực trước nguy cơ đối đầu giữa Israel và Iran

Áp lực ngoại giao quốc tế ngày một lớn trước nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Iran - Israel có thể kéo cả Trung Đông rộng lớn hơn vào một cuộc chiến tranh khu vực

 

Áp lực ngoại giao quốc tế ngày một lớn trước nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel có thể kéo cả Trung Đông rộng lớn hơn vào một cuộc chiến tranh khu vực.

Iran ngày 13/8 đã bác bỏ lời kêu gọi kiềm chế của phương Tây, nhưng cũng để ngỏ khả năng tham gia vào quá trình đàm phán giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza.

Theo các nguồn tin cấp cao Iran, nước này sẽ cùng với các đồng minh, trong đó có lực lượng Hezbollah tại Lebanonphát động một cuộc tấn công trực tiếp nếu các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza thất bại hay nhận thấy Israel tìm cách kéo dài thời gian. Nhà phân tích Saeed Laylaz tại Iran nhận định, các nhà lãnh đạo Iran mong muốn một lệnh ngừng bắn ở Gaza để có được các động lực tránh một cuộc chiến tranh toàn diện và củng cố vị thế của mình trong khu vực. Chuyên gia này đồng thời cho rằng, Iran trước đây không tham gia vào tiến trình hòa bình ở Gaza nhưng hiện đã sẵn sàng đóng "vai trò quan trọng".

Một số nguồn tin cho biết, Iran đang cân nhắc việc cử đại diện tới các cuộc đàm phán ngừng bắn dự kiến vào ngày 15/8, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột hiện nay ở Gaza bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, Iran sẽ không trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán, mà sẽ tham gia các hoạt động ngoại giao bên lề nhằm duy trì đường dây liên lạc ngoại giao với Mỹ.

Khói lửa xung đột Gaza. (Ảnh: AFP)Các nhà hòa giải Mỹ, Ai Cập và Qatar đã mất nhiều tháng để cố gắng thuyết phục các bên đồng ý với một kế hoạch ba giai đoạn trong đó Hamas sẽ thả những con tin còn lại bị bắt trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023 để đổi lấy những người Palestine bị Israel giam giữ và Israel sẽ rút khỏi Gaza. Nhiều vòng đàm phán đã diễn ra, nhưng các bên vẫn chưa thể đi tới thoả thuận ngừng bắn cuối cùng. Chính quyền Tổng thống Joe Bidennhiều lần kêu gọi Iran không trả đũa và ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tại Gaza. Tuy nhiên, nước này cũng đang chuẩn bị cho kịch bản xung đột leo thang tại Trung Đông. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield khẳng định: "Mục tiêu chung của Mỹ vẫn là hạ nhiệt khu vực, ngăn chặn và phòng thủ trước mọi cuộc tấn công trong tương lai và tránh xung đột khu vực. Điều đó bắt đầu bằng việc hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức với việc thả con tin ở Gaza. Chúng ta cần hoàn thành mục tiêu này. Một lần nữa, Mỹ kêu gọi mọi thành viên của hội đồng hãy nói rõ ràng và dứt khoát rằng đã đến lúc hoàn tất và thực hiện thỏa thuận này".

Nga cũng đang gia tăng các nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang tại Trung Đông. Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nga Sergei Shoigu đã tới Iran ngay sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov hôm 13/8 kêu gọi các bên kiềm chế không làm leo thang tình hình và tìm kiếm giải pháp chính trị cho các vấn đề khu vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/8 cũng đã tiếp đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang ở thăm Moscow. Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Lập trường của Nga trong vấn đề này không thay đổi. Nó đã được hình thành từ lâu và không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Chúng tôi tin rằng để đảm bảo hòa bình lâu dài, đáng tin cậy và ổn định trong khu vực, cần phải thực hiện tất cả các quyết định của Liên hợp quốc và trước hết là thành lập một nhà nước Palestine hoàn chỉnh”.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh mới đây đã ra tuyên bố chung hối thúc Iran và các đồng minh của nước này "kiềm chế các cuộc tấn công có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho cơ hội đạt được lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza và thả con tin". Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/8 có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhằm kêu gọi nước này bình tĩnh, đồng thời cảnh báo nguy cơ của những tính toán sai lầm./.

Thu Hoài (tổng hợp)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận