Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa sau khi lực lượng của Kiev tiến hành chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga.
Trong một thông điệp video ngày 17/8, ông Zelensky cho rằng, việc quân đội Ukraine có thể sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công tầm xa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga là vấn đề chiến lược quan trọng nhất trong cuộc xung đột hiện nay.
Tuần trước, ông Zelensky đã chỉ thị cho các quan chức và nhà ngoại giao Ukraine lập kế hoạch để thuyết phục các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa viện trợ tấn công vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, các đồng minh vẫn chưa đưa ra quyết định cần thiết.
“Chìa khóa” để sớm kết thúc xung đột
Ukraine đã đề nghị Thủ tướng Anh Keir Starmer cho phép sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công lãnh thổ Nga, khẳng định rằng vũ khí này sẽ “đảo ngược cục diện cuộc xung đột”.
Trong các cuộc họp ở London vào tháng trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã từ chối yêu cầu của ông Zelensky về vấn đề này. Ukraine lại một lần nữa đưa ra đề nghị sau khi lực lượng của Kiev mở chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk hôm 6/8.
Cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, cho biết nếu Anh nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí, điều này sẽ cho phép Ukraine gia tăng cường độ tấn công vào các mục tiêu quan trọng sâu bên trong nước Nga, từ đó đẩy nhanh quá trình kết thúc xung đột.
Ukraine đã lập một danh sách các mục tiêu tiềm năng, bao gồm các sân bay, sở chỉ huy và tuyến tiếp tế của Nga. Các cuộc tấn công như vậy sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Nga trong việc tiếp tế cho lực lượng phòng thủ của họ ở Kursk, cũng như việc thả bom lượn xuống các khu vực dọc tiền tuyến.
Thực tế, Ukraine đã được cấp phép sử dụng một số vũ khí tiên tiến của phương Tây bên trong lãnh thổ Nga. Lực lượng Ukraine đã được phát hiện sử dụng xe tăng Challenger 2 của Anh hay hệ thống HIMARS của Mỹ trong chiến dịch đột kích vào Kursk. Xe tăng Leopard của Đức cũng xuất hiện trong chiến dịch này.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nước phương Tây vẫn chưa đồng ý cho Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa qua biên giới do lo ngại căng thẳng theo thang và lan rộng ra ngoài khu vực.
Phương Tây ngần ngại khi Mỹ chưa bật đèn xanh
“Ukraine rất cần Anh cho phép sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow để tấn công lãnh thổ Nga”, ông Podolyak nói với The Telegraph.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine cũng tiết lộ một phần chiến lược ngoại giao của Kiev khi nêu chi tiết cách các sở chỉ huy, kho chứa tên lửa hành trình và sân bay quân sự của Nga nằm gần biên giới Ukraine sẽ bị nhắm mục tiêu trong “các cuộc tấn công có hệ thống và quy mô lớn”.
Một trong những căn cứ không quân đó là Lipetsk, nơi Kiev đã nhiều lần tập kích bằng cách sử dụng UAV sản xuất nội địa. Tuần trước, các quan chức Ukraine tuyên bố đã phá hủy 700 quả bom lượn của Nga trong một cuộc tấn công. Sân bay này cách biên giới Ukraine với khu vực Kursk của Nga khoảng 320km.
“Ukraine đã chứng minh được khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu của Nga. Các cuộc tấn công như vậy hiện mới được thực hiện bằng các năng lực hiện có của Ukraine. Chúng là những hoạt động rất phức tạp và tốn thời gian”, ông Podolyak cho biết.
Theo ông, việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow trên lãnh thổ Nga sẽ làm chậm đáng kể và làm phức tạp hậu cần của Nga, đồng thời buộc Moscow phải điều chuyển máy bay đến các sân bay cách xa tiền tuyến hơn.
“Nếu Ukraine có thể sử dụng Storm Shadow trong các hoạt động như vậy, chất lượng và số lượng các cuộc tấn công có thể tăng lên đáng kể. Các cuộc tấn công có hệ thống và quy mô lớn là một trong những chìa khóa để cuối cùng xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho liên minh dân chủ ủng hộ Ukraine”, ông Podolyak nói thêm.
Kiev đã gửi yêu cầu tới cả Anh và Pháp để thúc đẩy việc dỡ bỏ hạn chế đối với Storm Shadow/Scalp-EG. Ông Zelensky cũng đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cho phép sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn ngần ngại hành động nếu không có thỏa thuận với Mỹ. Trong khi đó Mỹ vẫn chưa bật đèn xanh cho việc sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp ở tỉnh Kursk.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, Sabrina Singh, tuần trước thừa nhận rằng Washington vẫn “lo ngại về sự leo thang” liên quan đến các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine.
Theo bà Singh chiến dịch của Ukraine ở Kursk “phù hợp với chính sách của Mỹ” vì Kiev đang phòng thủ “chống lại các cuộc tấn công từ bên kia biên giới”. Tuy nhiên, Washington “không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa”.
Bà Singh không nêu rõ Ukraine được phép tấn công vào lãnh thổ Nga bao xa, nhưng phát biểu trên được cho là cấm Ukraine sử dụng ATACMS bên trong lãnh thổ Nga. Theo bà, chúng tốt hơn chỉ nên nhắm vào Crimea. Nga sáp nhập bán đảo này của Ukraine năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân mà cả Kiev và phương Tây đều không công nhận kết quả.
Hoàng Phạm/VOV.VN
Theo Teleraph, DPA