Quyền lực chọi nhau, dân gánh hại

Hai cơ quan quyền lực đấu chọi nhau và dân chúng lại là đối tượng đầu tiên và trước hết gánh chịu hậu quả tai hại.

 

Ở nước Mỹ, tổng thống Donald Trump đã lập nên kỷ lục mới về thời gian đóng cửa chính phủ do không có được sự nhất trí giữa tổng thống và quốc hội về kế hoạch ngân sách. Trước đấy, kỷ lục cũ 21 ngày được lập ở thời tổng tống Bill Clinton hồi cuối năm 1995, đầu năm 1996 do bất đồng quan điểm giữa ông Clinton và Đảng Cộng hoà về chủ định tăng thuế của ông Clinton. Lần này, nguyên do là bất đồng quan điểm giữa ông Trump và Đảng Dân chủ về chi 4,7 tỷ USD cho việc xây dựng bức tường ngăn cách biên giới giữa Mỹ và Canada. Trong lịch sử nước Mỹ cho tới nay đã xảy ra hơn 20 lần chính phủ ngừng hoạt động vì giữa tổng thống và hạ viện không đạt được sự nhất trí cần thiết về kế hoạch ngân sách cho năm tới.

Bức tường ngăn chặn biên giới Mỹ và Mexico để ngăn chặn dòng người  nhập cảnh bất hợp pháp. (ảnh: theo Báo Mới)

Lần đầu tiên chuyện như thế này xảy ra năm 1976 thời tổng thống Mỹ Gerald Ford. Thời tổng thống Mỹ Jimmy Carter, có lần cả ông Carter lẫn phe đa số trong hạ viện đều thuộc Đảng Dân chủ mà vẫn xảy ra tình trạng chính phủ đóng cửa. Khi ấy, nguyên do là bất đồng quan điểm trong nội bộ Đảng Dân chủ và ông Carter không được chính đảng của mình hậu thuẫn. Những lần đóng cửa chính phủ khác đều có nguyên nhân ở chỗ tổng thống thuộc đảng phái chính trị này trong khi hạ viện là cơ quan lập pháp quyết định ngân sách nhà nước lại do đảng phái chính trị khác kiểm soát.

Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ hồi đầu tháng 11/2018 đã đưa lại kết quả là Đảng Dân chủ giành về quyền kiểm soát hạ viện từ tay phe cánh chính trị của ông Trump là Đảng Cộng hoà. Kết quả này là một thất bại chính trị nặng nề của ông Trump và ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới chuyện cầm quyền của ông Trump trong nửa nhiệm kỳ còn lại cũng như triển vọng tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần tới vào năm 2020.

Xây dựng bức tường ngăn chia biên giới giữa Mỹ và Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ là một trong những cam kết vận động tranh cử trọng tâm của ông Trump. Ông Trump đã khai thác được khá triệt để tác động dân tuý của cam kết tranh cử này năm 2016 và giờ rất cần nó cho nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại và lần tranh cử tổng thống tới. Vì thế, ông Trump mới kiên quyết và bằng mọi giá đòi quốc hội phải đồng ý chi tiền xây dựng bức tường.

Đảng Dân chủ trong hạ viện chỉ đồng ý chi khoảng 1,4 tỷ USD cho những biện pháp tăng cường bảo vệ biên giới chứ không chấp nhận đòi hỏi liên quan của ông Trump. Quan điểm chung của đảng này là không cần thiết phải xây dựng bức tường ấy. Nhưng mục đích còn quan trọng hơn đối với Đảng Dân chủ là không giúp ông Trump làm bàn để cầm quyền thành công trong hai năm tới và tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020. Chuyện ngân sách nhà nước này, xưa nay đã thế và bây giờ vẫn như thế, thực chất là cuộc đối đầu quyền lực giữa tổng thống và quốc hội ở Mỹ.

Ông Trump tỏ ra kiên quyết không chịu nhượng bộ và sẵn sàng kéo dài vô thời hạn tình trạng đóng cửa chính phủ, thậm chí còn tính đến cả khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp nước Mỹ. Ông Trump muốn đạt được mục đích của mình bằng mọi giá và vì thế đã biến hoạt động bình thường của chính phủ cũng như cuộc sống thường nhật của người dân thành con tin của quyết chí đạt được mục tiêu kia.

Hai cơ quan quyền lực đấu chọi nhau và dân chúng lại là đối tượng đầu tiên và trước hết gánh chịu hậu quả tai hại. Rất nhiều dịch vụ công không được thực hiện, công chức bị buộc làm việc không lương hoặc bị buộc phải nghỉ việc tạm thời. Những người Mỹ sống nhờ tem phiếu lương thực không thể có được lương thực hàng ngày. Kinh tế và thương mại của đất nước bị ảnh hưởng tiêu cực. Lần chính phủ bị đóng cửa năm 2013, thời tổng thống Mỹ Barack Obama, mỗi ngày trong tình trạng ấy thiệt hại đối với nước Mỹ vào khoảng 400 triệu USD. Lần này, cả sau khi kỷ lục cũ bị phá vỡ, hồi cuối vẫn chưa thấy bóng dáng đâu.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận