Văn kiện chính sách này có tên gọi là "Kết nối châu Âu - châu Á". Nó sẽ được lãnh đạo các nước thành viên ASEM thảo luận tại cuộc gặp ở Brussel.
Cái tên gọi đã hàm ý đầy đủ mục đích và biện pháp chiến lược của EU. Mục đích là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa EU và các đối tác châu Á, là ràng buộc nhau vào những lợi ích chung có được từ mối quan hệ đối tác này và giúp các thành viên có được những lợi ích riêng thiết thực cho họ. Nói theo cách khác, mục đích của EU với chiến lược này là vừa đẩy mạnh thực chất hoá quan hệ đối tác vừa mở ra những triển vọng mới cho mối quan hệ đối tác giữa châu Âu và châu Á. Biện pháp chiến lược của EU nhằm đạt được mục đích ấy là kết nối châu Âu với châu Á. Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini, coi "kết nối là con đường đi vào tương lai. Càng gắn kết với nhau chặt chẽ hơn, chúng ta càng có nhiều cơ hội và khả năng hơn để tìm ra những giải pháp chính trị chung và đem lại sự thịnh vượng kinh tế cho người dân".
Kết nối ở đây được EU định nghĩa là hình thành những mạng lưới. Đó là những mạng lưới giao thông trên bộ, trên biển và trên không. Đó là mạng lưới truyền thông công nghệ số. Đó là mạng lưới sản xuất, truyền tải và sử dụng các nguồn năng lượng. Đó là mạng lưới kết nối con người với nhau thông qua giáo dục, đào tạo, du lịch, nghiên cứu khoa học, trao đổi văn hoá... Ở đây, EU định tính hoá khái niệm "kết nối" theo 3 tiêu chí là "Kết nối bền vững", "Kết nối toàn diện" và "Kết nối dựa trên những tiêu chí pháp lý quốc tế chung".
Chiến lược kết nối này của EU bao gồm ba mảng nội dung chính. Thứ nhất là xây dựng những mạng lưới về giao thông, năng lượng và công nghệ số cũng như kết nối con người với nhau. Chiến lược này được EU cụ thể hoá thêm trên một vài phương diện. Chẳng hạn như EU muốn kết nối mạng lưới các tuyến đường xe lửa ở châu Âu với mạng lưới các tuyến đường xe lửa ở các nước châu Á, mở rộng phạm vi của cái gọi là "thị trường nội địa số" của EU sang khu vực châu Á để thành thị trường số chung (digital) bao hàm cả châu Âu lẫn châu Á. EU muốn cùng châu Á xây dựng những thị trường năng lượng khu vực và vùng, tự do hoá những thị trường ấy, gắn kết chúng với nhau để tạo thành thị trường thống nhất và sử dụng ngày càng thêm nhiều những nguồn năng lượng mới có khả năng tự tái tạo và lành mạnh đối với môi trường sinh thái. Mở rộng và phát triển những mối quan hệ và liên hệ giữa người dân ở hai châu lục được đặc biệt coi trọng. Thứ hai là thiết lập các "mối quan hệ đối tác kết nối" với các nước ở châu Á và với các tổ chức khu vực. Trên phương diện này, EU nhằm vươn tới những đối tác ở các khu vực khác nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác với ASEM, thể chế hoá hơn nữa và nâng cao hiệu quả thiết thực của ASEM, tìm kiếm sự ủng hộ và đồng hành của các tổ chức quốc tế khác nữa. Một trong những mục tiêu quan trọng cụ thể ở đây là xác định những quy định, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế chung.
Thứ ba là thúc đẩy việc đầu tư và tài chi bền vững thông qua việc sử dụng những công cụ tài chính khác nhau. EU cho rằng các quốc gia châu Á hàng năm cần khoảng 1.300 tỷ euro để đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp của EU vì thế có rất nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh. Tiền đề là phải có khuôn khổ pháp lý thích hợp, thuận lợi và ổn định. EU sẽ đảm nhận vai trò tìm kiếm sự tham gia tài chính của các thể chế tài chính quốc tế, các ngân hàng phát triển đa phương và của giới kinh tế tư nhân để đảm bảo nền tài chính bền vững, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và công bằng đối với doanh nghiệp.
Với chiến lược này, EU không chỉ thể hiện sự coi trọng các đối tác châu Á mà còn đưa ra định hướng rõ ràng và một số biện pháp cụ thể để có được bước phát triển mới cho mối quan hệ giữa EU và châu Á./.