Khi chiến sự leo thang giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở miền nam Lebanon thu hút sự chú ý của toàn cầu, người Palestine ở Gaza lo sợ hoàn cảnh khốn đốn của họ sau gần một năm chiến tranh tàn khốc sẽ bị lãng quên.
Khi Israel rút bớt binh sỹ ở Gaza để di chuyển các đơn vị chủ chốt đến biên giới phía bắc với Lebanon để chống Hezbollah, các cuộc tấn công hàng ngày vẫn tiếp diễn ở Gaza. Một cuộc tấn công của Israel vào một trường học được chuyển đổi thành nơi trú ẩn ở phía bắc Gaza vào cuối tuần qua đã giết chết ít nhất 22 người và làm bị thương 30 người khác, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Tại "khu vực an toàn" Muwasi do Israel chỉ định, những trận mưa gần đây đã khiến điều kiện sống vốn đã khó khăn càng trở nên không thể chịu đựng được. Trẻ em phải đi lại với đôi chân trần trên lớp bùn cao đến mắt cá chân, trong khi đàn ông đào bới trong bùn để cứu hộp đồ ăn và đồ nội thất. Và một mùa đông giá rét sắp đến.
90% dân số ở Gaza là người vô gia cư, với hàng trăm nghìn người trong các lều trại mất vệ sinh đang phải vật lộn để tìm kiếm thức ăn và nước sạch. Nhiều tháng tấn công dữ dội bằng không quân và bộ binh của Israel đã san phẳng toàn bộ các khu nhà ở. Theo hình ảnh vệ tinh, gần 60% các tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Người dân Palestine ở Gaza không khỏi lo ngại cuộc chiến trên biên giới Israel-Lebanon sẽ lấn át mối quan tâm của quốc tế đến điều kiện sống tồi tệ của họ ở Gaza và những nỗ lực đàm phán lệnh ngừng bắn. Họ lo sợ tình trạng khốn khổ ở nơi đây không biết bao giờ kết thúc. Thậm chí các gia đình có người thân bị Hamas bắt làm con tin cũng lo ngại mọi sự chú ý của công chúng và thế giới sẽ đổ dồn về phía bắc và số phận các con tin cũng bị lãng quên như cư dân ở Gaza.”
Trong khi đó, một loạt hoạt động ngoại giao nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Israel và Hamas dường như cũng lắng xuống. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có tầm nhìn rõ ràng nào cho Gaza sau chiến tranh hoặc ai sẽ dẫn dắt quá trình đó nhưng có một điều rõ ràng: việc tái thiết sẽ mất hàng thập kỷ. Liên Hợp Quốc ước tính chỉ riêng việc dọn dẹp khoảng 40 triệu tấn đổ nát sẽ mất 15 năm.
Tuy vậy, một số nhà lãnh đạo thế giới tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở New York không quên nhắc đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và mức độ tàn phá "chưa từng có" ở Gaza, sau gần 1 năm cuộc chiến ở Gaza khiến hơn 41.400 người thiệt mạng.
Tình cảnh của người dân Gaza đã được nhắc đến với những ngôn từ mạnh mẽ nhất tại diễn đàn Liên Hợp Quốc. Quốc vương Jordan Abdullah 2 trong bài phát biểu hôm qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng toàn cầu giải quyết tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Gaza, đồng thời kêu gọi thành lập một cửa ngõ nhân đạo quốc tế cho Gaza.
“Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung tay với Jordan trong việc thực thi một cửa ngõ nhân đạo quốc tế cho Gaza. Một nỗ lực cứu trợ lớn nhằm cung cấp thực phẩm, nước sạch, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cho những người đang tuyệt vọng. Bởi vì viện trợ nhân đạo không bao giờ được coi là công cụ của chiến tranh”.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani cũng cho rằng việc không can thiệp để ngăn chặn xung đột ở Gaza là một “bê bối lớn”.
“Hành động gây hấn trắng trợn chống lại người Palestine ở Dải Gaza ngày nay là hành động tàn bạo và lan rộng nhất, đồng thời vi phạm các giá trị nhân đạo, các công ước và chuẩn mực quốc tế. Đây không phải là chiến tranh trong quan hệ quốc tế theo khái niệm phổ biến và thông thường của nó. Không thể chấp nhận việc bao vây trong trại tập trung tỵ nạn, nơi không có lối thoát khỏi loạt bom do máy bay ném xuống”, Quốc vương Al Thani nói.
Trần Nga/VOV1
Tổng hợp