Nguy cơ với nền kinh tế thế giới khi xung đột tại Trung Đông leo thang

Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 1 năm qua và ngày càng leo thang, lan rộng tại 'chảo lửa Trung Đông' đã và đang tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.

 

Cùng với hàng loạt điểm nóng khác trên thế giới như xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nội chiến tại Sudan, bất ổn an ninh tại Tây và Trung Phi…, cuộc xung đột đẫm máu kéo dài một năm qua và đang ngày càng leo thang, lan rộng tại Trung Đông, đã và đang tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Nhiều báo cáo và phân tích cho thấy kinh tế thế giới có nguy phải hứng chịu thêm những thiệt hại nặng nề, thậm chí là “cú sốc” lớn, nếu xung đột tại “chảo lửa Trung Đông” không được kiểm soát và tiếp tục leo thang.

Xung đột tại Trung Đông khởi phát từ cuộc tấn công bất ngờ của Phong trào Hamas vào miền Nam Israel sáng sớm ngày 7/10/2023 đến nay đã lan rộng từ dải Gaza sang Lebanon, khu Bờ Tây và tới cả khu vực Biển Đỏ và Biển A rập. Đặc biệt, chiến sự có nguy cơ lan rộng tới cả Vịnh Ba Tư khi cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm giữa Israel và Iran đang ở mức căng thẳng chưa từng có. Nhiều thông tin rò rỉ cho thấy, không quân Israel có thể đánh phá các cơ sở dầu mỏ, căn cứ quân sự và thậm chí cả các lò phản ứng hạt nhân của Iran. Nếu kịch bản này nổ ra, tác động của nó với kinh tế khu vực cũng như toàn cầu được dự báo sẽ rất nặng nề, khó lường ở cả trong ngắn hạn cũng như về lâu dài.

Rốc két do Hezbollah phóng về phía Israel. (Ảnh: NDTV)Đẩy giá dầu thô tăng vọt

Một trong những tác động trực tiếp và đáng lo ngại nhất khi xung đột giữa Israel và Iran leo thang là khiến giá dầu thô trên thị trường toàn cầu tăng vọt, kéo theo giá cả của hầu hết các mặt hàng khác tăng theo. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/10, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack chỉ rõ, xung đột tại Trung Đông tác động đến kinh tế toàn cầu chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, bao gồm cả dầu thô và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao khi các tàu tránh nguy cơ bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công trên Biển Đỏ.

Giá dầu thô bật tăng bởi lo ngại nguồn cung dầu mỏ từ khu vực này cho thị trường toàn cầu sụt giảm, thậm chí gián đoạn nghiêm trọng, đặc biệt là trong kịch bản Iran tiến hành phong tỏa eo biển Hormouz - một trong những tuyến vận tải dầu khí quan trọng của thế giới với khoảng 20% sản lượng dầu thô và các thành phẩm từ dầu của thế giới được vận chuyển qua đây.

Ảnh minh họa: KTPhân tích của một số tổ chức tài chính và tín dụng quốc tế cho thấy, eo biển Hormouz bị phong tỏa, giá dầu thô toàn cầu có thể tăng vọt tới 120 USD/thùng, tức cao hơn mức giá hiện nay tới hơn 40 USD/thùng. Nếu eo Hormouz không bị phong tỏa, tác động của nó tới thị trường toàn cầu cũng rất đáng kể, bởi sản lượng dầu mỏ hiện nay của Iran lên tới 3,99 triệu thùng/ngày, chiếm 4% sản lượng toàn cầu. Khoảng một nửa số dầu khai thác của Iran được xuất khẩu, tức khoảng 2 triệu thùng/ngày. Nếu chiến sự leo thang khiến cho hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị đình trệ, giá dầu thô toàn cầu có thể bật tăng mức 100 USD/thùng, tức cao hơn 20 USD/thùng so với gian đoạn này.

Do giá dầu thô có tác động chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế thông qua lạm phát, nhiều chuyên gia ước tính, nếu giá dầu thô tăng khoảng 10 USD/thùng, kinh tế toàn cầu có thể bị suy giảm tới 0,2-0,3%/năm. Tức là trong trường hợp xung đột leo thang khiến giá dầu thô toàn cầu lên tới 100 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể bị thu hẹp tới 0,4-06%. Còn trong kịch bản giá dầu tăng vọt lên tới 120 USD/thùng và neo giữ ở mức này trong thời gian dài, thiệt hại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể lên tới mức 0,8-1%.   

Giao tranh giữa các lực lượng Hezbollah và Israel tại Lebanon ngày 7/10. (Nguồn: Reuters)Những hệ lụy đáng lo ngại khác

Xung đột leo thang tại Trung Đông còn gây ra nhiều tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu cũng như chính các nền kinh tế khu vực, dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trước hết, chi phí vận tải tăng cao do khó khăn trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu (ngoài dầu thô và các chế phẩm từ dầu). Ví dụ rõ nhất ở đây là chi phí logistic cho vận chuyển hàng hóa bằng đường biển qua khu vực Trung Đông đã tăng vọt trong gần một năm qua, khi phần lớn các tàu thương mại quốc tế tuyến Á-Âu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, thay vì đi tuyến ngắn hơn rất nhiều là vào kênh Đào Suez và xuống Biển Đỏ.

Một tác động nghiêm trọng khác là việc dịch chuyển dòng tiền và tài sản. Thực tế đã chứng minh, như một phản ứng tất yếu, các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn hoặc ít nhất là dừng đầu tư mở rộng hay đình chỉ hoạt động kinh doanh tại các khu vực bất ổn. Vì vậy, một số nhà phân tích khẳng định không có gì ngạc nhiên nếu hàng trăm tỷ USD bị rút khỏi các nền kinh tế khu vực Trung Đông trong thời gian tới, nếu bất ổn tiếp tục gia tăng. Mặt khác, trong bối cảnh xung đột leo thang, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch tài sản từ cổ phiếu, chứng khoán,… sang các tài sản an toàn hơn như vàng, USD…, cũng làm mất đi những nguồn lực lớn phục vụ hoạt động sản xuất kinh tế.  

Bên cạnh đó, xung đột leo thang cũng thúc đẩy không chỉ các quốc gia khu vực, mà trên toàn thế giới tăng chi tiêu quốc phòng như mua sắm vũ khí, khí tài…, thậm chí chạy đua vũ trang, đồng nghĩa với việc nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh tế bị cắt giảm. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 22/4/2024 cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2023 ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn một thập niên, lên mức 2.400 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay và tăng cao hơn năm 2022 tới 6,8%. Mức tăng này chịu tác động chủ yếu từ xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas cùng một số điểm nóng khác. Trong đó, Trung Đông là khu vực có mức tăng chi tiêu vũ khí, quân sự mạnh nhất thế giới với mức tăng lên tới 9%, cao gần gấp rưỡi trung bình toàn cầu, đạt giá trị 200 tỷ USD. Tỷ lệ chi tiêu quân sự trên GDP của Trung Đông cũng ở mức cao nhất thế giới, lên tới 4,2%. Trong số các quốc gia tăng chi tiêu quân sự lớn nhất toàn cầu, Saudi Arabia đứng thứ 5 với mức chi tiêu lên tới 75,8 tỷ USD, tăng hơn 4,3% so với năm 2022.

Khói bốc lên từ thủ đô Beirut, Lebanon sau cuộc tấn công của Israel. (Ảnh: Reuters)Điều đáng nói là trong năm 2023, Trung Đông mới chỉ chịu tác động trực tiếp của xung đột trong khoảng 3 tháng (từ 7/10/2023). Do đó, với tác động của xung đột kéo dài liên tục trong năm 2024, có thể cả năm 2025 và nhiều năm sau nữa, số tiền mà các quốc gia khu vực Trung Đông đổ vào vũ khí và hoạt động quân sự có thể cao gấp nhiều lần con số 200 tỷ USD, làm mất đi một nguồn lực khổng lồ lẽ ra dành cho hoạt động kinh tế.

Hệ lụy tiếp theo mà các nền kinh tế Trung Đông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xung đột là sự sụt giảm, thậm chí mất đi phần lớn doanh thu từ hoạt động du lịch, vận tải hàng không, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế quan trọng khác.

Báo cáo của Bộ Du lịch Israel mới đây cho biết nước này đã mất ròng 18,7 tỷ NIS (khoảng 5 tỷ USD) từ du lịch quốc tế và 756 triệu NIS từ du lịch nội địa. Tình hình của năm 2024 cũng được dự báo không sáng sủa hơn khi Israel có thể chỉ đón khoảng 1 triệu khách du lịch, chưa bằng 1/4 so với lượng du khách lên tới 4,5 triệu vào năm 2019, trước đại dịch COVID-19 và trước khi cuộc xung đột với lực lượng Hamas nổ ra. Tuy nhiên, tình hình được nhận định còn có thể tồi tệ hơn sau cuộc tập kích tên lửa của Iran vào Israel ngày 1/10 vừa qua.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Israel còn chịu tác động nặng nề từ việc phải thu hẹp nhân lực trong các lĩnh vực sản xuất để phục vụ hoạt động tác chiến; sự gián đoạn hoạt động sản xuất kinh tế tại nhiều lĩnh vực và khu vực…

Một tác động khác cũng có thể kể đến là nguy cơ nhiều quốc gia phải tăng chi phí và nguồn lực cho việc xử lý dòng người di cư, người tỵ nạn chạy trốn khỏi chiến sự. Bà Julie Kozack nhấn mạnh: “Nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có nguy cơ gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa”./.  

Bá Thi (VOV-Cairo)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận