Trước vòng đàm phán thứ 11 để xử lý cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua twitter cho biết dự định tăng mức áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ từ 10% hiện tại lên 25% - cùng với 50 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đã bị áp thuế quan bảo hộ 25% khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Ông Trump còn cho biết có thể sẽ còn áp mức thuế quan bảo hộ này (25%) đối với thêm 325 tỷ USD nữa giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Nếu ông Trump không dọa xuông mà hành động thật thì gần như toàn bộ xuất khẩu của Trung Quốc đều sẽ bị áp mức thuế quan bảo hộ thương mại 25%. Trung Quốc dư thừa lớn trong cán cân trao đổi thương mại với Mỹ nên nếu có trả đũa Mỹ theo phương châm "người sao ta vậy" thì sẽ không thể đáp trả Mỹ ngang mức được. Vì thế, Trung Quốc phải sử dụng cả những biện pháp phi thuế quan để ăn miếng trả miếng Mỹ hoặc phải tìm cách xử lý ổn thoả xung khắc thương mại này với Mỹ. Về ngắn hạn thì những quyết sách và chủ định kia của ông Trump có thể giúp Mỹ giảm mức độ thâm hụt trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc, nhưng về lâu dài thì kinh tế Mỹ không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực, tăng trưởng kinh tế Mỹ không thể tránh khỏi bị suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng.
Cho nên có thể thấy là nếu chỉ nhằm vào những cái lợi ngắn hạn trước mắt thì ông Trump sẽ thực hiện thật sự những tuyên cáo nói trên. Nhưng về lâu dài thì rồi Mỹ cũng sẽ buộc phải tìm kiếm thoả hiệp với Trung Quốc. Thực chất chuyện này trong mố quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện giữa Mỹ và Trung Quốc nên mọi thỏa hiệp và thoả thuận với Mỹ đều chỉ có giá trị hiệu lực nhất thời.
Việc ông Trump gây áp lực và gia tăng áp lực đối với Trung Quốc thật ra không có gì mới lạ. Với Trung Quốc và cả các đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ, ông Trump cũng đều hành xử như vậy. Người này cho rằng cứ "gia tăng áp lực tối đa" thì rồi đối tác nào cũng sẽ bị Mỹ khuất phục. Nhưng thời điểm ông Trump tung ra những chủ định nói trên lại gây bất ngờ bởi cho tới khi đó, ông Trump luôn tỏ ra lạc quan và tin tưởng là Mỹ và Trung Quốc đàm phán tiến triển tích cực và rồi sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Ông Trump viện dẫn nguyên do khiến phía Mỹ thay đổi quan điểm là phía Trung Quốc kéo dài đàm phán chứ không muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán, dền dứ chứ không dứt khoát, cam kết rồi lại rút về cam kết. Xem ra, mục đích của ông Trump trước hết là gia tăng sức ép đối với Trung Quốc để buộc Trung Quốc không chỉ phải thoả thuận với Mỹ mà còn phải nhanh chóng thoả thuận với Mỹ. Nhưng đồng thời cũng lại còn có thể thấy là phía Mỹ có vẻ như đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng là đàm phán thương mại với Trung Quốc bị đổ vỡ. Ông Trump cần tạo ra cho mình hình ảnh ở nước Mỹ về người lãnh đạo đất nước cứng rắn với Trung Quốc chứ không phải để bị Trung Quốc dẫn dắt.
Trung Quốc có trong tay nhiều con chủ bài để xử lý quan hệ với Mỹ. Nhưng vì ông Trump là người hay thay đổi quan điểm và không biết đâu mà lường nên Trung Quốc không thể không thận trọng, không thể vội vàng và phải trù liệu cho cuộc chơi lâu dài chứ không ngắn hạn, chơi với Mỹ nhiều lần chứ không phải chỉ một lần. Cho nên lấy nhu chế cương mới là thượng sách đối với Trung Quốc, xuống thang và nhượng bộ chút ít cho ông Trump vào thời điểm hiện tại là đủ chứ không cần phải thoả hiệp cơ bản với Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn sang Mỹ tiếp tục đàm phán với Mỹ chính vì thế.