Trái với một số dự đoán, ứng cử viên Donald Trump một lần nữa gây bất ngờ lớn khi chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, bỏ xa đối thủ Kamala Harris. Thắng lợi của ông Trump phản ánh thực lực của ứng viên này, tâm trạng cử tri Mỹ và cục diện chính trị thế giới hiện nay.
Theo những thông tin mới nhất, ứng cử viên Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (bắt đầu vào sáng 5/11, giờ Mỹ). Ông Trump vượt xa bà Harris về cả phiếu cử tri phổ thông lẫn phiếu đại cử tri. Đáng chú ý, ông cũng giành thêm được nhiều sự ủng hộ từ các cử tri gốc Tây Ban Nha, vốn là nhóm cử tri truyền thống của phe Dân chủ.
Kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ cũng nghiêng về đảng Cộng hòa của ông Trump. Đảng Cộng hòa của ông Trump đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ sau khi có đủ tối thiểu 51 phiếu để lấy lại thế đa số từ tay phe Dân chủ. Còn tại Hạ viện Mỹ, đảng Cộng hòa nắm giữ ưu thế 178 ghế trong khi đảng Dân chủ chỉ sở hữu 150 ghế.
Giấc mơ của ông Trump trở lại Nhà Trắng lần 2 đã thành hiện thực sau khi bị dang dở trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi ông Biden giành chiến thắng vào phút chót trước sự ngỡ ngàng của ông Trump. Với chiến thắng này, ông Trump cũng đã trở thành vị tổng thống Mỹ thứ 2 trong lịch sử đắc cử cho 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến Donald Trump thắng cử vang dội như vậy?
1- Kinh nghiệm chính trường dày dặn
Bước vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump còn thiếu kinh nghiệm chính trị. Khi ấy, Donald Trump chỉ là một doanh nhân bước vào lĩnh vực chính trị. Dư luận ban đầu không đánh giá cao ông Trump và nghiêng nhiều về đối thủ của ông - bà Hillary Clinton. Nhưng nay ông Trump có kinh nghiệm chính trị phong phú sau 4 năm làm tổng thống Mỹ và 4 năm kế tiếp “rèn binh luyện kiếm” trên chính trường Mỹ. Không phải ngẫu nhiên, ông bước vào bầu cử Mỹ 2024 với tư cách một ứng cử viên sáng giá dù tuổi đã cao.
2- Khát khao chấm dứt xung đột Ukraine
Đây cũng là nỗi niềm và khát khao của nhân loại nói chung và nhân dân Mỹ nói riêng. Xung đột Nga - Ukraine khốc liệt đã bước sang năm thứ 3, không chỉ gây tổn hại cho những bên trực tiếp tham chiến mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ, kinh tế châu Âu, làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn cầu.
Riêng đối với Mỹ, có nhiều nguồn tin xác nhận đã có công dân nước này tử vong trong xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, ông Trump và viên phó tướng của mình, JD Vance, đã vạch ra được cương lĩnh tranh cử đáp ứng đúng mong mỏi của cử tri Mỹ về chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình. Hai ông thường xuyên vận động cho ý tưởng chấm dứt sớm xung đột Ukraine và cũng nêu ra được phương án cụ thể nhằm đạt mục tiêu đó.
3- Cử tri Mỹ vẫn bận tâm nhiều về cơm áo gạo tiền
Những người ủng hộ ông Trump đặc biệt quan tâm vấn đề lạm phát và nhập cư. Cựu Tổng thống Trump đã xoáy sâu vào 2 vấn đề này ngay từ đầu chiến dịch tranh cử của mình. Ông cam kết tạo ra nhiều việc làm, giữ giá cả thấp và bảo đảm nguồn cung dầu cho nền kinh tế nội địa.
Tỷ lê cao cử tri Mỹ quan tâm đến tình trạng giá cả leo thang và tình trạng người nhập cư ở biên giới Mỹ-Mexico. Thực tế lần này, ông đã có thêm nhiều phiếu bầu từ các cử tri là người thu nhập thấp - những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng giá leo thang sau năm 2020.
4- Tính cách lôi cuốn và tinh thần không bỏ cuộc sau thất bại 2020
Qua thực tiễn và hoạt động vận động tranh cử, Donald Trump đã xây dựng cho mình hình ảnh một chính trị gia cứng rắn và linh hoạt, không bó hẹp vào những khuôn mẫu và mô phạm, trong khi bà Harris thì lại truyền thống hơn.
Đặc biệt, ông Trump đã chứng tỏ sự kiên trì trong theo đuổi mục tiêu sau thất bại trong bầu cử Mỹ năm 2020. Ứng viên Trump đã nhẫn nại đi từng bước, vượt qua nhiều ứng viên trẻ tuổi, tài cao trong nội bộ đảng Cộng hòa để trở thành đề cử chính thức của đảng này cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Sau đó, ông lại tiếp tục nhẫn nại và mải miết tranh thủ từng cử tri, giành từng điểm một trong suốt hành trình tranh cử.
5- Bất ngờ lớn đến sớm
Người ta thường nói về bất ngờ tháng 10 trong bầu cử Mỹ, đó là những điều bất ngờ xảy ra ngay trước thềm bầu cử và ảnh hưởng trực tiếp đến lá phiếu cử tri. Nhưng trong cuộc bầu cử Mỹ 2024 này, bất ngờ lớn nhất đã xảy ra vào tháng 7, với vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump. Viên đạn của sát thủ đã sượt qua tai của ông Trump, khiến ông bị thương.
Phương Tây có câu nói “điều gì không giết chết bạn, sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn”. Câu này có lẽ vận vào ông Trump không thể đúng hơn nữa.
Ngay sau phút ám sát hụt đó, giới quan sát cũng như những người dân bình thường tại Mỹ cảm nhận lợi thế đã nghiêng hẳn về ông Trump.
Không những vậy, với tố chất nhạy bén riêng và bản lĩnh truyền thông, ứng viên Trump đã tận dụng cơ hội này để xây dựng hình ảnh mạnh mẽ và can trường đầy ấn tượng. Các phóng viên ảnh và truyền hình đã ghi lại được hình ảnh sinh động về ông Trump đứng lên với vết máu trên má, vệ sĩ vây quanh, tay ông đấm lên trời hô to “Chiến đấu, Chiến đấu”. Một màn truyền thông xuất sắc ngay vào lúc tính mạng của ông vừa bị đe dọa.
Sự cố với máy bỏ phiếu sát ngày bầu cử chính thức của Mỹ càng làm tăng cơ hội cho ông Trump tái đắc cử. Sau khi người ta phát hiện ra sự cố trên, ông Trump liền tung ra phát ngôn mang tính chiến thuật: Ông thừa nhận mình có thể thua vì “gian lận” bầu cử. Phát ngôn này có tiềm năng thu hút thêm những cử tri dao động đứng về phía ông Trump, đồng thời thuyết phục những người ủng hộ ông Trump hãy dứt khoát đi bầu để bảo đảm thắng lợi chắc chắn cho sự lựa chọn của họ.
Và tất nhiên, cũng không thể bỏ qua sự ủng hộ hào phóng dành cho ông Trump từ tỷ phú Elon Musk - tỷ phú công nghệ hàng đầu nước Mỹ với sức ảnh hưởng to lớn.
6- Đối thủ có phần yếu thế
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2024 ít nhiều phản ánh một câu chuyện chung là cử tri Mỹ vẫn chưa thực sự hài lòng với 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Biden và mong muốn có bước đột phá từ một nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump.
Trong năm bầu cử 2024, lợi thế ban đầu đã thuộc về ông Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên. Khi đó, ông Biden đã không giấu nổi sự lép vế trước ông Trump về sức khỏe và tốc độ phản ứng. Ngay sau đó, nội bộ đảng Dân chủ không còn tin tưởng vào ông Biden nữa và gây sức ép nhất định để ông rút lui khỏi cuộc đua.
Phó Tổng thống Mỹ Harris bất ngờ được giới thiệu cho cuộc đua vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng và bà nhanh chóng được đảng Dân chủ lựa chọn. Giai đoạn đầu, bà Harris cũng gây bất ngờ khi mới chỉ bước vào cuộc đua vào những tháng cuối cùng của cuộc tranh cử nhưng đã giành được nhiều sự ủng hộ từ cử tri và doanh nhân, nhận được khoản tiền lớn ủng hộ tranh cử.
Bà Harris còn có lợi thế là phụ nữ, người gốc Phi và gốc Á, nên sẽ có thêm người ủng hộ từ phái nữ, giới nữ quyền, người nhập cư. Phe Dân chủ hy vọng Kamala Harris sẽ đi tiếp giấc mơ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Tuy nhiên, bà Harris đến với cuộc bầu cử quá muộn, chỉ khoảng 3 tháng trước ngày bầu cử. Vai trò Phó Tổng thống mà bà đảm đương trong 4 năm cũng không quá nổi bật. Mặc dù vậy, kết quả của bà trong bầu cử Mỹ 2024 không phải quá tồi và khả năng cao bà sẽ là ứng cử viên sáng giá trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo./.
Theo VOV.VN