Nước Mỹ với Chính quyền Tổng thống Trump 2.0

Cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trước đương kim Phó ổng thống Kamala Harris để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

 

Theo kết quả sơ bộ tính đến 2h00 ngày 6/11 (theo giờ Mỹ), ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trước đương kim Phó ổng thống Kamala Harris để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Không chỉ giành chiến thắng tại các bang chiến địa, cựu Tổng thống Trump còn xuất sắc vượt qua đối thủ của mình ở tất cả 7 bang chiến trường, trong đó biến hai bang từ xanh trong cuộc bầu cử năm 2020 sang đỏ là Pensylvania và Georgia.

Kinh tế và nhập cư giúp ông Trump vươn lên dẫn trước

Về kinh tế, đây vẫn là sự quan tâm số 1 của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống 2024. Ông Trump tuyên bố để lại di sản nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, tăng trưởng ổn định 2,6% trước đại dịch Covid-19. Quá trình phục hồi kinh tế cũng tốt đẹp sau khi ông chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Biden, trong vòng 6 tháng liên tiếp, chỉ số công nghiệp Dow John tăng vọt 16,9%, chạm ngưỡng kỷ lục. Trái ngược đó là bức tranh kinh tế ảm đạm dưới thời Tổng thống Biden-Harris, mức lương trung bình của người Mỹ đã giảm mạnh do lạm phát đạt đỉnh 9,1% (07/2022), giá tiêu dùng tăng liên tục ở mức 20% trong gần 4 năm (1/2021 - 9/2024). Theo hầu hết các kết quả thăm dò, đa số cử tri tin tưởng ông Trump sẽ xử lý các vấn đề kinh tế tốt hơn bà Harris.

Về nhập cư, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tình trạng nhập cư bất hợp pháp không được kiểm soát ở Bắc Mỹ và châu Âu, ông Trump đã tận dụng triệt để vấn đề này để thu hút cử tri. Vấn đề nhập cư bất hợp pháp đã xuất hiện trên các bản tin trên khắp thế giới phương Tây và được coi là có sức hút sâu sắc trong quần chúng vì những người nhập cư bất hợp pháp dường như đe dọa đến luật pháp và trật tự cũng như gây áp lực lên các tiện nghi và dịch vụ công cộng. Việc Trump liên tục giải quyết vấn đề này cũng có thể giúp ông giành được phiếu bầu từ nhóm dân số nhập cư hợp pháp đông đảo không chấp thuận những người nhập cư bất hợp pháp.

Ứng viên Trump phát biểu trên sân khấu bên cạnh vợ và con trai sau khi có kết quả sơ bộ về bầu cử tổng thống Mỹ 2024. (Ảnh: Reuters)Miễn nhiễm với các thông tin xấu

Mặc dù hứng chịu nhiều chỉ trích cho rằng ông làm suy yếu các liên minh của Mỹ bằng cách thân thiện với các nhà lãnh đạo mà Mỹ coi là độc tại nhưng ông Trump cho rằng, sự khó đoán của mình là một thế mạnh và chỉ ra rằng không có cuộc chiến tranh lớn nào nổ ra khi ông còn ở Nhà Trắng. Việc Mỹ gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine và Israel khiến không ít người dân Mỹ phản đối và thể hiện quan điểm của mình qua lá phiếu cử tri. Phần lớn cử tri, đặc biệt là nam giới cho rằng ông Trump là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn bà Harris. Không chỉ vậy, ông Trump dường như miễn nhiễm với các tin xấu. Bất chấp hậu quả từ các cuộc điều tra hình sự, mức ủng hộ dành cho ông Trump vẫn ổn định trong cả năm ở mức 40% trở lên. Với cả hai phe Dân chủ phản đối và Cộng hòa ủng hộ cân bằng, ông Trump chỉ cần giành được sự ủng hộ của một bộ phận nhỏ cử tri chưa quyết định mà không có quan điểm cố định. Một điểm nhấn nữa cho chiến thắng của ông Trump là hành động sau khi bị ám sát hụt tại Pensyvania. Theo kết quả sơ bộ, số cử tri tại bang này đi bỏ phiếu ít hơn so với cuộc bầu cử năm 2020, và tỷ lệ này cách nhau khá xa, có tới 25% số cử tri Dân chủ không đi bỏ phiếu trong khi con số này của Cộng hòa chỉ là 7%.

Biến cử tri Dân chủ thành Cộng hòa

Hệ thống bầu cử theo cử tri đoàn cũng phần nào mang lại lợi thế hơn cho các tiểu bang thưa dân và vùng nông thôn, nơi tập trung các cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa. Nguyên tắc “winner take all” được các bang áp dụng (trừ Maine và Nebraska) đã mang lại chiến thắng cho ông Trump trong năm 2016 trước bà Hillary Clinton, người đã giành được hơn Trump 2,87 triệu phiếu phổ thông, nhưng chỉ nhận về 220 phiếu đại cử tri so với 306 phiếu của Trump. Cơ cấu dân số cũng có sự thay đổi, những người ủng hộ cho Dân chủ trong số cử tri da trắng, học cao đẳng trở lên chỉ chiếm khoảng 30% so với đa số ủng hộ Cộng hòa. Ngoài ra, trong kỳ bầu cử năm nay, có nhiều cử tri nam, cử tri da màu và gốc Latinh, vốn ủng hộ Dân chủ lại rời bỏ Harris, quay sang ủng hộ Trump. Lời kêu gọi của Trump đối với những cử tri cảm thấy bị lãng quên và bỏ lại phía sau đã làm thay đổi nền chính trị Mỹ bằng cách biến các nhóm cử tri truyền thống của Dân chủ như công nhân công đoàn thành Cộng hòa và biến việc bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ bằng thuế quan trở thành chuẩn mực.

Phương án thay thế không thành công của Dân chủ

Sau khi thay Tổng thống Biden ra tranh cử, bà Harris đã liên tiếp phá vỡ các kỷ lục về gây quỹ và tỷ lệ ủng hộ từ cử tri. Tuy nhiên, tuần tranh cử của bà Harris dường như đang tiến đến hồi kết khi ông Trump sau thời gian trượt dài trên các bảng thăm dò dư luận đã bắt kịp và có phần vượt lên trên đối thủ ở nhiều bang chiến địa quan trọng. Trang đặt cược Election Betting Odds (22.10) đặt cược tỷ lệ Trump thắng ở Arizona là 72,1%, Georgia (70,5%), North Carolina (66,5%), Pennsylvania (61,5%), Nevada (60,7%), Michigan (59,5%) và Wisconsin (57,5%). Trong khi bà Harris được dự đoán thua ở tất cả các bang này. Việc bà là ứng cử viên Tổng thống tham gia trả lời phỏng vấn ít nhất trong lịch sử Mỹ có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của trong mắt cử tri, chỉ 1/3 cử tri cho rằng bà Harris đã làm đủ để làm rõ các chính sách của mình, trong khi hơn một nửa cho rằng ông Trump đã làm rõ các chính sách của mình.

Chính quyền Tổng thống Trump 2.0

Giới quan sát cho rằng Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 sẽ quay trở lại chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”, tương tự trong nhiệm kỳ đầu theo chủ nghĩa biệt lập, mặc dù có thể có các điều chỉnh theo hướng mềm mỏng hơn.

Tiếp tục khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”

Về an sinh, xã hội, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể sẽ cam kết bảo vệ An sinh xã hội và Medicare, muốn đảm bảo tính bền vững thông qua tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy bằng cách giảm thuế và giảm chi tiêu không cần thiết của chính phủ bằng cách tăng các lựa chọn tư nhân hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nhằm giảm chi phí; biến chương trình Tín dụng Thuế Trẻ em CTC từ 1.000 USD lên 2.000 USD năm 2017 cho mỗi trẻ em, mở rộng mức thu nhập để nhiều gia đình đủ điều kiện nhận thành chính sách vĩnh viễn nhưng với điều kiện chỉ dành cho những hộ gia đình có thu nhập; đề xuất doanh thu từ việc tăng thuế có thể được huy động để hỗ trợ chăm sóc trẻ em.

Về kinh tế và chống lạm phát, Mỹ có thể nhấn mạnh việc cắt giảm thuế và các chính sách kinh tế phi điều tiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và việc làm; cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ để giảm lạm phát, cắt giảm thuế cho cá nhân và giảm bớt các quy định tài chính; xem xét gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017 đối với các cá nhân (sắp hết hạn vào năm 2025), đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%; thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa mạnh hơn, nới lỏng kiểm soát tiền tệ, thu hút đầu tư, ưu tiên dịch chuyển về trong nước.

Về năng lượng và biến đối khí hậu, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 tiếp tục cấp phép xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vốn bị Tổng thống Biden hạn chế; ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống, chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) xem xét lại các tiêu chuẩn về hiệu suất của phương tiện được thiết kế nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô chuyển đổi nhanh hơn sang sản xuất ô tô và xe tải chạy bằng pin; cam kết sẽ mở rộng đáng kể sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước và rút Mỹ khỏi các nỗ lực khí hậu toàn cầu lớn, trong đó Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Về nhập cư và an ninh biên giới, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể áp dụng các chính sách nhập cư cứng rắn, tìm cách giảm bớt số lượng người nhập cư vào Mỹ, tăng cường trục xuất người nhập cư bất hợp pháp; có thể tiến hành chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử, áp dụng lại các chính sách trong nhiệm kỳ đầu như Chương trình ở lại Mexico và Tiêu đề 42, mở rộng các lệnh cấm du lịch từ các quốc gia có đa số người Hồi giáo, tìm cách chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh ra đối với những người sinh ra ở Mỹ mà cha mẹ cư trú bất hợp pháp.

Bấp bênh chính sách với các nước lớn và xung đột ở nước ngoài

Với xung đột Ukraine, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể đảo ngược chính sách, đặt điều kiện cho viện trợ, đánh giá lại sứ mệnh và mục đích của NATO và yêu cầu các nước châu Âu phải tăng phần đóng góp cho quốc phòng của Ukraine. Dự kiến kế hoạch chấm dứt chiến tranh là đưa Nga-Ukraine vào bàn đàm phán theo hướng Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ và không gia nhập NATO. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa có chi tiết cụ thể như tương lai của Ukraine thời kỳ hậu chiến, khả năng gia nhập EU, như kế hoạch tái thiết và phát triển kinh tế cho Ukraine. Đối với xung đột Trung Đông, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Israel trong cuộc chiến với Iran và các lực lượng khác trong khu vực như Hamas, Hezbollah, Houthi. Cách tiếp cận đối với Trung Đông được xác định bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và Saudi Arabia, và lập trường đối đầu với Iran; không chú trọng đến giải pháp hai nhà nước vốn được lưỡng đảng và quốc tế thúc đẩy.

Tuy nhiên, chính sách đối với các nước lớn như Nga, Trung Quốc có thể chưa rõ ràng. Với Nga, việc ông Trump quay lại nắm quyền có lợi cho quan hệ Nga-Mỹ vì đã từng để ngỏ các cơ hội hợp tác với Nga. Tuy nhiên, chính sách của ông Trump đối với Nga không rõ ràng và có thể thay đổi khi muốn bình thường hóa quan hệ với Nga, nhưng đang bị các đạo luật liên quan hạn chế và trói buộc. Trên cương vị Tổng thống, ông đã vun đắp mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga, mặc dù cũng gia hạn lệnh trừng phạt Nga vì việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine năm 2014 và rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn giữa Mỹ và Nga. Đối với Trung Quốc, ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến thương mại, cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu bị thao túng chống lại lợi ích của Mỹ và khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, sản xuất bị suy giảm và chuyển việc làm của người Mỹ ra nước ngoài. Cương lĩnh của đảng năm 2024 hứa sẽ đưa Mỹ trở lại vị thế "siêu cường sản xuất của thế giới" thông qua "tái cân bằng thương mại" hướng tới sản xuất trong nước. Ông Trump có thể sẽ sử dụng công cụ thuế quan cứng rắn và rộng hơn, đặt biệt tập trung vào Trung Quốc, thông qua tăng thuế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao. Cụ thể, ông Trump đã đề xuất mức thuế khoảng 10% đối với gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài; tăng cường trừng phạt nếu các đối tác thương mại bị cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc tham gia vào các hoạt động giao dịch không công bằng khác; sử dụng các biện pháp đáp trả thuế quan tương ứng đối với các đối tác.

Một xu hướng có thể thấy được, đó là với các đồng minh và đối tác, Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ quay lại cách tiếp cận biệt lập như trong nhiệm kỳ đầu tiên. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc các nước châu Âu/NATO tăng chi tiêu quốc phòng, hưởng tới tự chủ về an ninh. Với tư cách là Tổng thống, ông đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và định hướng lại chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng của Mỹ để tập trung vào Trung Quốc và Nga, thay vì củng cố quan hệ với các đồng minh châu Âu. Với quan điểm thực dụng, Trump muốn các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng để tự phòng thủ, dọa rút lại chiếc ô an ninh, thậm chí “khuyến khích” Nga “làm gì tùy ý” đối với những quốc gia không không đóng góp đầy đủ. Mỹ cũng có thể giảm bớt vai trò của mình trong đối với các đồng minh truyền thống, các liên minh tiểu đa phương theo mô hình ba bên, bốn bên từng được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Biden./.

Vũ Hợp, Phạm Huân (VOV-Washington)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận