Đây cũng là nguồn cơn gây căng thẳng giữa các nước giàu và nghèo tại hội nghị năm nay, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Theo các chuyên gia, các quốc gia không thể cắt giảm ô nhiễm carbon nếu họ không đủ tài chính để loại bỏ than, dầu và khí đốt. Các quốc gia nghèo một lần nữa tỏ ra thất vọng vì được yêu cầu phải hành động nhiều hơn để chống biến đổi khí hậu nhưng không có đủ tài chính và gánh chịu những hậu quả khốc liệt nhất do biến đổi khí hậu.
Trước đây, các nước giàu đưa ra mục tiêu đóng góp 100 tỷ đô la một năm cho các quốc gia nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng hiện nay theo ước tính, nhu cầu lên tới ít nhất 1 nghìn tỷ USD một năm. Số tiền này sẽ dành cho 3 mục đích: Giúp các quốc gia nghèo chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch; giúp thích nghi với tác động của thế giới nóng lên như mực nước biển dâng và bão; bồi thường cho các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương do thiệt hại từ biến đổi khí hậu. Một số ý kiến cho rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu nên được chuyển hướng sang tài chính khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh COP29 năm nay tập trung vào việc huy động hàng trăm tỷ đô la để tài trợ cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Trên thực tế, trong khi các quốc gia được thúc giục chuyển sang các nguồn năng lượng xanh, thì nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phương Tây giàu có, vẫn tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Tổng thống Azerbaijan-nước chủ nhà COP29 đã chỉ trích các nước phương Tây "đạo đức giả" vì rao giảng các nước khác phải sử dụng năng lượng sạch trong khi vẫn là những nước tiêu thụ và sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch. Theo Liên Hợp Quốc, 47 quốc gia nghèo nhất chỉ tạo ra 4% khí nhà kính.
Các nước lớn đã công bố mục tiêu chung là tăng nguồn tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên 120 tỷ USD vào năm 2030, tăng khoảng 60% so với số tiền được cung cấp vào năm 2023. Để tăng nguồn đóng góp, Giám đốc Ngân hàng Thế giới và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Môi trường kiêm phụ trách chống biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cho biết, bất kể thách thức ra sao, thế giới cần chung tay giải quyết bởi thời gian không còn nhiều.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng hành động ở đây không phải là 1 quốc gia hay một nhóm quốc gia, mà là về toàn bộ hành tinh. Đó là hơn 190 quốc gia cùng nhau hợp tác để giải quyết vấn đề rất phức tạp này, đó là biến đổi khí hậu. Và bất chấp những thách thức trong quá khứ, chúng tôi đã tìm ra cách để tiếp tục tiến lên và tiến về phía trước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được tiến bộ”, ông Guilbeault nói.
Hội nghị năm nay diễn ra khi các báo cáo khoa học mới nhất cho thấy, năm nay đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, và hiện tượng nóng lên toàn cầu và tác động của nó đang diễn ra nhanh hơn dự kiến. Lượng khí thải CO2 toàn cầu dự kiến sẽ đạt 41,6 tỷ tấn vào năm 2024, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm ngoái. Theo các nhà khoa học, xu hướng tăng này có nghĩa là mục tiêu khống chế mức tăng nhIệt độ trái đất không quá 1,5 độ C sẽ khó thực hiện. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “chúng ta đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và thời gian không đứng về phía chúng ta”.
Trần Nga/VOV1
Tổng hợp