Trung Quốc có thể nhận 'trái đắng' với chiến thuật vùng xám ở Biển Đông

Chuyên gia Richard Heydarian cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục cưỡng ép láng giềng ở Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh phải nhận đòn phản kháng mạnh mẽ.

 

Trung Quốc có thực sự đóng góp cho ổn định trong khu vực?

Trong động thái phô diễn sức mạnh “cơ bắp” và các chiến thuật cưỡng ép, chà đạp lên thượng tôn pháp luật, Trung Quốc đã điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Trên thực tế, các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn từ lâu đã tạo ra căng thẳng trong quan hệ giữa các bên có lợi ích liên quan ở Biển Đông. Theo luật pháp quốc tế, “các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn” trên biển nghĩa là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước chồng lấn với EEZ của nước láng giềng.

Đối với sự kiện bãi Tư Chính, Trung Quốc tìm cách tuyên bố chủ quyền của họ thông qua yêu sách “đường 9 đoạn” – yêu sách phi lý vốn đã bị bác bỏ theo phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế hồi năm 2016. Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong EEZ 200 hải lý của Việt Nam, cách lục địa Trung Quốc khoảng 600 hải lý.

Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam thiết lập EEZ là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việt Nam đồng thời xác định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Dựa trên các quy định này thì bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.

Như vậy, sự việc xảy ra rõ ràng không phải ở vùng chống lấn và Trung Quốckhông có lý gì để biến phần lãnh thổ của Việt Nam được luật pháp quốc tế công nhận trở thành vùng tranh chấp.

Cần phải lưu ý một điểm mấu chốt ở đây là trong khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của một nước khác ở bất kỳ đâu trong cái gọi là “đường 9 đoạn” – tuyên bố chủ quyền phi lý chồng chéo lên EEZ của nhiều nước khác trong khu vực, Bắc Kinh lại ngang nhiên tiến hành hoạt động thăm dò tài nguyên khí tự nhiên trong các vùng biển có tranh chấp.

Trung Quốc cho đến nay vẫn khăng khẳng từ chối sự hòa giải hay can thiệp từ bên ngoài và muốn giải quyết các vấn đề dưới hình thức song phương từ quan điểm sức mạnh và tìm cách dịnh hình câu chuyện về hòa bình và sự ổn định theo quan điểm của riêng mình. Họ tìm cách áp đặt câu chuyện này lên các nước láng giềng.

Theo nhận định của giới quan sát, các sự vụ nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông liên quan đến hoạt động của tàu Trung Quốc ở vùng biển chiến lược quan trọng này đang thử thách niềm tin của khu vực đối với sự chân thành của Bắc Kinh trong lời hứa hẹn của họ về hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực; đồng thời cũng thúc đẩy Mỹ có các động thái cụ thể hơn với các bên liên quan khác trong khu vực để kiếm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trung Quốc có thực sự trỗi dậy hòa bình như tuyên bố của họ?./. Ảnh: Reuters.

Chiến thuật vùng xám

Bên cạnh việc theo đuổi giải quyết xung đột ở Biển Đông theo cách rút từng chiếc trong bó đũa để bẻ, Trung Quốc cũng tiếp tục áp dụng “chiến thuật vùng xám” quen thuộc.

Chiến thuật vùng xám được một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích nào đó, thường là về lãnh thổ, nhưng không muốn dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Chiến lược này có 2 đặc trưng căn bản. Thứ nhất là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng. Thứ hai là từ từ tịnh tiến. Chiến thuật vùng xám đã được Trung Quốc liên tục được thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở Biển Đông từ năm 2006. Mục đích của những hành động quấy rối đó nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng.

Tàu cảnh sát biển trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 được Trung Quốc triển khai để cản trở hoạt động khai thác dầu khí ở lô 06.01, ở phía tây bắc bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam chính là con tàu từng được điều đến quấy nhiễu gần một giàn khoan dầu trên thềm lục địa của Malaysia hồi tháng 5/2019.

Tháng 6/2019, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Philippines gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi bỏ mặc 22 thuyền viên. Những người này sau đó may mắn đã được tàu của Việt Nam cứu. Bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn cho rằng đây chỉ là một vụ tai nạn.

Mới đây nhất, hôm 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận rằng 5 tàu chiến của Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải 12 hải lý của Philippines trong tháng này mà không thông báo cho Manila, gọi đây là “thất bại trong việc tuân thủ các giao thức ngoại giao và phép lịch sự thông thường”.

Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng không phải là ngẫu nhiên mà là phản ứng có tính toán đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và việc Washington tăng cường hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông – một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại vận chuyển bằng tàu qua lại mỗi năm.

Giáo sư Thayer cho rằng, Trung Quốc đang rất tích cực trong việc cản phá các nước láng giềng khai thác dầu khí ở Biển Đông nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh và cũng không muốn các nước trong khu vực có mối quan hệ hợp tác với nước ngoài để làm việc đó.

“Việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và đẩy lùi”, ông Thayer viết. “Điều này mang đến rủi ro rằng các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang”.

Philippines – một trong các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã “hạ tông giọng” rất nhiều trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Tuy nhiên, khác với Tổng thống, các quan chức quốc phòng nước này cho đến nay vẫn liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn.

Hôm 30/7, khi được đề nghị bình luận về tuyên bố trước đó cùng ngày của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa rằng Bắc Kinh sẽ không tìm cách chi phối Biển Đông và “sẽ không nổ phát súng đầu tiên”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh: “Họ nói rằng ‘chúng tôi không bắt nạt những người xung quanh’, họ tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng tôi khẳng định các bạn (Trung Quốc) đang không làm điều đó, những gì các bạn nói không giống những gì các bạn làm trên thực tế một chút nào”.

Ông Lorenzana đồng thời đánh giá việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough sau tranh chấp kéo dài năm 2012 là “hành động ức hiếp”.

Theo chuyên gia Richard Heydarian thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Stratbase ADR (ADRi), cách hành xử của Trung Quốc không giúp họ tạo lập được chủ quyền với những đòi hỏi phi lý mà chỉ khiến các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông quyết tâm hơn trong hành động, đưa ra phản kháng mạnh mẽ hơn trong tương lai./.

Hùng Cường/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận