Sau 7 tháng để trống vắng, nước Mỹ có lại bộ trưởng quốc phòng mới. Gần như ngay sau khi được thượng viện Mỹ phê chuẩn, tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper, đã tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Ông Esper chọn khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên này. Những nơi ông Esper đến thăm là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc - đều là những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống lâu nay của Mỹ. Có thể dễ dàng nhận ra được từ đó là người đứng đầu mới của Bộ quốc phòng Mỹ dành sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mục đích chủ yếu và trước hết của chuyến công du nước ngoài đầu tiên này của ông Esper là tranh thủ các đồng minh kia và thắt chặt mối quan hệ liên minh quân sự chiến lược và truyền thống của Mỹ với các nước này.
Đông Bắc Á và vùng Vịnh hiện là hai điểm nóng buộc Mỹ phải quan tâm hàng đầu và đều gặp những chuyện khiến Mỹ khó khăn và khó xử. Ở vùng Vịnh, Mỹ tiếp tục gia tăng đối đầu với Iran nhưng ưu tiên hàng đầu hiện tại của Mỹ ở đây là gây dựng liên quân cùng Mỹ dùng tàu chiến hộ tống tàu hàng đi lại qua eo biển Hormuz nhằm vừa đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vừa tạo hiệu ứng thị uy và răn đe Iran mà sâu xa ở phía sau đấy là không để xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh giữa Mỹ và Iran cũng như kéo nhiều bên tham gia vào cuộc xung khắc và đối đầu hiện tại giữa Mỹ và Iran.
Ở khu vực Đông Bắc Á, hai chuyện buộc Mỹ phải quan tâm đến nhiều nhất là xử lý quan hệ với Trung Quốc và việc Triều Tiên liên tiếp nhiều lần phóng tên lửa. Tuy Triều Tiên chỉ phóng tên lửa tầm ngắn, không đe doạ trực tiếp an ninh của Mỹ nhưng lại khiến các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản không khỏi lo ngại sâu sắc và Mỹ không thể không hiểu thông điệp của Triều Tiên từ những động thái này gửi cho Mỹ là bực bội về việc Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung cũng như thôi thúc Mỹ gia tăng tốc độ của tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên.
Với Trung Quốc, Mỹ hiện vướng mắc đồng thời trên nhiều phương diện, có chuyện xung khắc thương mại, có chuyện liên quan đến Đài Loan và đặc biệt đáng chú ý về an ninh chiến lược đối với Mỹ là việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự và gây sự trên phương diện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Esper với chuyến công du nước ngoài đầu tiên này không chỉ tranh thủ các đồng minh và đối tác mà còn thể hiện quan điểm chính sách của Mỹ đối với hai khu vực và hai đối thủ của Mỹ. Qua đó có thể thấy được là Mỹ khôn khéo hơn ở khu vực vùng Vịnh và hiện diện rõ nét hơn cũng như hành xử quyết liệt hơn ở khu vực Đông Bắc Á và ở khu vực Biển Đông.
Trong bối cảnh tình hình chung như thế, điều rất đáng được chú ý là những phát biểu của ông Esper phê phán ý đồ của Trung Quốc và tuyên cáo ý định của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á. Ông Esper không cho biết cụ thể địa danh những nơi ở châu Á được Mỹ dự định triển khai tên lửa tầm trung, nhưng khẳng định là Mỹ sẽ làm việc này sớm chứ không muộn. Nếu phía Mỹ thực hiện chủ ý này thì đấy sẽ là bước triển khai chiến lược mới của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra cục diện chính trị và tương quan lực lượng quân sự mới ở khu vực này. Cũng có thể thấy là mục tiêu chính của Mỹ với việc triển khai tên lửa tầm trung là nhằm vào Nga, Trung Quốc và Triều Tiên trước hết, đồng thời xác lập và khẳng định ưu thế cũng như vai trò chính trị quân sự của Mỹ ở khu vực này.
Hoàng Lan