Trong mức độ chế ngự dư luận thế giới của cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc xung khắc thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ bé nhỏ, nhưng đối với chính hai nước này thì lại có ý nghĩa và tác động rất quan trọng.
Nguyên nhân ở chỗ cuộc xung khắc thương mại hiện tại là biến tướng mới của mối bất hoà cũ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Để cho bất hoà cũ lây lan sang hoặc trở thành xung khắc mới trên phương diện khác của mối quan hệ song phương sẽ rất tai hại cho chính mối quan hệ song phương này.
Sau khi Nhật Bản áp dụng biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số sản phẩm của Nhật Bản có tầm quan trọng lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của những tập đoàn công nghệ cao của Hàn Quốc và rút Hàn Quốc ra khỏi danh sách những đối tác được ưu đãi trong hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại, Hàn Quốc đã đáp trả bằng biện pháp chấm dứt các ưu đãi dành cho Nhật Bản.
Cách đối phó và đáp trả nhau này là ăn miếng, trả miếng và người sao thì ta vậy. Phía Nhật Bản chắc chắn sẽ nhanh chóng tung ra chiêu đòn mới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết chính phủ nước này đã thông qua chương trình tài chính trị giá gần 6 tỷ USD để thực hiện những biện pháp chính sách giúp Hàn Quốc giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ Nhật Bản.
Theo chương trình này, các doanh nghiệp ở Hàn Quốc được hỗ trợ về tài chính để nghiên cứu, chế tạo và sản xuất nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu từ Nhật Bản, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và đầu tư nước ngoài trên những lĩnh vực này được khích lệ và hỗ trợ tài chính. Hàn Quốc và Nhật Bản tuy là láng giềng của nhau ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng mức độ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại cho đến nay không cao, mức độ kết nối giữa hai nền kinh tế với nhau cũng vậy.
Chương trình tài chính nói trên của chính phủ Hàn Quốc làm cho nền kinh tế Hàn Quốc còn có thể độc lập hơn với nền kinh tế Nhật Bản. Rõ ràng dụng ý của ông Moon Jae-in là chuẩn bị ứng phó với kịch bản mối bất hoà giữa hai nước còn dai dẳng, xung khắc thương mại hiện tại còn leo thang mức độ căng thẳng và gay cấn cũng như có thể còn lây lan sang cả những lĩnh vực quan hệ song phương khác nữa.
Khúc mắc xưa giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến những tội lỗi mà quân đội thực dân và phát xít Nhật Bản đã gây ra từ năm 1910 - 1945 khi xâm lược và đô hộ bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt nhạy cảm đối với Hàn Quốc về chính trị, pháp lý và đạo lý là việc quân đội Nhật Bản ở thời kỳ này cưỡng bức phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của phía Nhật Bản đối với lịch sử, từ nhận thức đúng đắn cho tới thực hiện trách nhiệm đạo lý và pháp lý, cụ thể là công nhận tội lỗi, xin lỗi chính thức và bồi thường vật chất.
Phía Nhật Bản cho rằng chuyện quá khứ lịch sử này đã được giải quyết dứt điểm và ổn thoả với thoả thuận giữa hai bên khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau năm 1965 và với thoả thuận ký kết năm 2015 giữa tổng thống Hàn Quốc khi ấy là bà Park Geun-hye và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Abe hiện vẫn trị vì xứ Phù Tang trong khi ở Hàn Quốc ông Moon Jae-in đã kế nhiệm bà Park Geun-hye. Ông Moon Jae-in cho rằng thoả thuận ký kết năm 2015 kia quá vội vàng và không thoả đáng đối với Hàn Quốc nên yêu cầu Nhật Bản xử lý lại chuyện cũ.
Chuyện cũ càng thêm khó được xử lý dứt điểm và ổn thoả khi từ cái nọ cứ xọ sang cái kia như hiện tại. Vì nhu cầu nội bộ, mà cụ thể là tranh thủ bộ phận cử tri theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa, ông Abe và ông Moon Jae-in tỏ ta kiên định chủ ý sẵn sàng tiếp tục còn găng nữa với nhau chứ không hoà giải với nhau.
Hoàng Lan