Con tàu này của Iran hồi đầu tháng 7 vừa qua bị hải quân Anh bắt giữ ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar. Phía Anh nêu lý do là con tàu này vi phạm quy định của EU trừng phạt chính phủ Syria nhưng trên thực tế là đã bắt giữ nó theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ và Iran leo thang căng thẳng và đối địch đến mức tưởng như bất cứ khi nào cũng đều có thể xảy ra đụng độ quân sự hay thậm chí cả chiến tranh với nhau ở khu vực vùng Vịnh.
Mỹ thực thi sách lược gia tăng áp lực tối đa đối với Iran bằng những biện pháp trừng phạt Iran, trong đó có các biện pháp ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu lửa, để buộc Iran phải chấp nhận đàm phán lại với Mỹ về cả chương trình tên lửa lẫn hạt nhân của Iran cũng như buộc Iran phải thay đổi chính sách đối với những đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Iran đã đáp trả phía Anh bằng việc bắt giữ con tàu vận tải Stena Impero của Anh ở vùng Vịnh.
Chính phủ Anh kiên quyết bác bỏ đề nghị của Iran về trao trả lẫn nhau hai con tàu này. Ngày 16/6 vừa qua, phía Anh và Gibraltar đã tuyên bố trả tự do cho con tàu Grace 1 của Iran bất chấp đề nghị của Mỹ về tiếp tục bắt giữ, thậm chí còn cả tịch thu con tàu này. Sau đấy, toà án Mỹ phát lệnh tịch thu con tàu này của Iran với lý do nó phục vụ cho Lực lượng cận vệ cách mạng Iran vốn bị Mỹ trừng phạt.
Vụ việc này vì thế đã trở thành chuyện khác trước về bản chất. Phía Anh bắt giữ con tàu này với lý do được viện dẫn ra cho rằng Iran vi phạm quy định của EU nhưng rồi lại phải trả tự do cho nó, đủ để thấy con tàu của Iran không vi phạm quy định nào của EU về trừng phạt Syria mà chỉ có phía Anh vô cớ bắt giữ nó theo yêu cầu, đề nghị của Mỹ. Một khi tìm kiếm không thấy và bịa dựng không ra bằng chứng cho biện luận kia thì phía Anh và chính quyền Gibraltar không thể tiếp tục bắt giữ con tàu này và càng không thể tịch thu nó. Nếu cứ tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế chỉ để tranh thủ Mỹ thì rồi sẽ chỉ thấy lợi bất cập hại đối với phía Anh.
Ở đây có chuyện phía Anh và chính quyền Gibraltar phải bỏ Mỹ để chạy lấy chính mình. Iran vẫn bắt giữ con tàu chở hàng của Anh và vì phía Anh đã bỏ lỡ cơ hội hoán đổi hai con tàu với nhau nên bây giờ chỉ còn cách chờ đợi một quyết định thiện chí và hữu hảo của Iran. Hơn nữa, phía Anh đã quyết định tham gia kế hoạch của Mỹ thành lập liên quân một số nước sử dụng tàu chiến hộ tống tàu chở hàng của họ đi lại qua vùng Vịnh. Chừng nào còn găng và gay cấn với Iran thì chừng đó phía Anh vẫn còn phải lo ngại về an ninh cho tàu thuyền của Anh ở khu vực vùng Vịnh và còn phải phòng ngừa khả năng bị vạ lây trực tiếp bởi đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh. Cho nên dẫu trong thâm tâm đâu có muốn, Anh vẫn phải tìm cách hoà dịu với Iran và không đáp ứng yêu cầu đề nghị của Mỹ về tiếp tục bắt giữ, thậm chí cả tịch thu con tàu Grace 1 của Iran.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục làm găng với Iran. Việc toà án Mỹ ra lệnh tịch thu con tàu Grace 1 của Iran tuy rất khó được thực hiện trên thực tế bởi chắc chắn Iran sẽ không để cho con tàu này đi qua hay cập cảng ở những nơi nó có thể bị Mỹ hay đồng minh nào đấy của Mỹ bắt giữ nhưng trên danh nghĩa vẫn là gia tăng áp lực đối với Iran, ngăn ngừa các nước khác cũng hành động như Anh vừa rồi với Iran và duy trì những hình thức và mức độ tập hợp lực lượng cùng chống Iran. Iran hiện đứng trước sự lựa chọn đối sách là trả tự do cho con tàu của Anh để phân hoá Anh với Mỹ hoặc tiếp tục bắt giữ nó làm một con chủ bài đối phó Mỹ.