Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Tổng thống Brazil Otavio Rego Barros cho biết, chính phủ nước này và Tổng thống Jair Bolsonaro sẽ sẵn sàng tiếp nhận viện trợ tài chính từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế, để cứu rừng Amazon khỏi các đám cháy.
Tuy nhiên, điều quan trọng là số tiền viện trợ này, khi được chuyển đến Brazil, sẽ do người dân nước này toàn quyền xử lý. Ông Otavio Rego Barros rốt khẳng định, “chủ quyền của Brazil là không thể thương lượng”.
Bên cạnh đó, chính phủ Brazil cũng khẳng định, không phản đối việc tổ chức đối thoại với Pháp về một số tuyên bố căng thẳng gần đây giữa Nhà lãnh đạo 2 nước. Theo Tổng thống Brazil Bolsonaro, ông muốn người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rút lại “những lời xúc phạm” với ông trước khi nước này cân nhắc có nên chấp nhận đề nghị hỗ trợ 20 triệu USD từ các nước G7 hay không.
“Trước hết, Tổng thống Pháp Macron nên rút lại những lời lẽ xúc phạm tôi. Ông ta đã gọi tôi là kẻ nói dối. Và theo những thông tin mà tôi nắm được, ông ấy đã nói chủ quyền của chúng tôi ở Amazon là vấn đề mở. Do vậy để nói chuyện, hay chấp nhận điều gì từ Pháp, dù là những ý định tốt thì ông Macrông cần phải rút lại những phát ngôn”, ông Bolsonaro nói.
Tổng thống Brazil khẳng định, nước này không hề có ý định chống lại các nước G7 khi chưa chấp nhận ngay số tiền viện trợ từ nhóm này trong việc cứu rừng Amazon khỏi “giặc lửa”, song thừa nhận đang có vấn đề với Tổng thống Pháp Macron.
Trước đó, ông Bolsonaro cũng lên án kế hoạch lập “liên minh” để cứu rừng Amazon của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho đó là hành động có phần xem quốc gia Nam Mỹ này “như thể là một thuộc địa hoặc một vùng đất không có người”.
Ngoài G7, hiện Canada cũng đã đưa ra cam kết đóng góp khoảng 11 triệu USD, để hỗ trợ Brazil đối phó với thảm họa cháy rừng Amazon và sẵn sàng điều máy bay cứu hỏa tới quốc gia Nam Mỹ này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng khẳng định, Berlin muốn hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật cho Brazil để dập tắt đám cháy tại rừng Amazon. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh, chính phủ Brazil đã cam kết chống nạn phá rừng, do đó, việc hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ đối phó với các đám cháy rừng Amazon là điều cần thiết.
Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/8 cũng tuyên bố nước này sẽ "hỗ trợ đầy đủ" cho Brazil để chữa cháy cho Amazon, đồng thời bày tỏ ủng hộ người đồng cấp Brazil Bolsonaro khi cho rằng "đang làm việc rất chăm chỉ" để xử lý cháy rừng Amazon.
Trong khi đó, Tổng thống Peru và Colombia đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Amazon với sự tham gia của lãnh đạo các nước trong khu vực, nhằm điều phối chiến lược bảo vệ vùng rừng mưa khổng lồ này. Tổng thống Peru Martin Vizcarra cho biết, hội nghị khẩn cấp của khu vực dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/9 tới tại Colombia.
“Chúng tôi sẽ kêu gọi tất cả các quốc gia Amazon nhóm họp để chúng ta có thể đạt được một triển vọng chung. Chúng tôi đồng ý rằng, mỗi nước đều có những chính sách riêng, độc lập trong việc quản lý Amazon, song các nước nên tích hợp các chính sách này lại để có 1 kết quả tích cực hơn đối với Amazon”, ông Vizcarra nói.
Hiện chưa rõ các nước nào trong khu vực sẽ được mời tham gia cuộc gặp thượng đỉnh này. Tuy nhiên, đia điểm tổ chức hội nghị được đề xuất là thành phố Leticia nằm sát biên giới 3 nước Colombia, Peru và Brazil.
Rừng mưa Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5,5 triệu km2 ở khu vực Nam Mỹ. 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon hiện nay sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học./.
Đình Nam/VOV.VN