Chuyên gia Đức chỉ rõ hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Tiến sĩ Gerhard Will, tàu thăm dò của Trung Quốc hoạt động trong vùng biển rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Việc Trung Quốc gần đây điều nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 tiến hành các hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã và đang khiến dư luận quốc tế hết sức quan ngại. Báo điện tử VOV có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Gerhard Will - nguyên chuyên gia về Biển Đông, Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP) về vấn đề này.

- Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có vai trò thế nào trong giải quyết các vấn đề trên biển, thưa ông?

UNCLOS được đàm phán rất dài và phải tới năm 1982 mới được đồng thuận. Không ít các quốc gia thuộc thế giới thứ ba đã tham gia vào quá trình này để tạo nên các điều kiện chung nhằm giải quyết các xung đột trên biển.

Tuy nhiên, nó chỉ là điều kiện chung và các bên bị ảnh hưởng sẽ phải tự sử dụng chúng để giải quyết tranh chấp. Điều này nghĩa là UNCLOS tự nó không giải quyết vấn đề hay xung đột mà là một nền tảng, một công cụ để giải quyết xung đột. Vì thế, nó luôn phụ thuộc vào các bên khác nhau tuân thủ nó như thế nào. Với UNCLOS, chúng ta có điều kiện chung nhưng nó cũng cần phải được triển khai thực hiện và để có điều đó các phía xung đột cần hợp tác.

Tiến sỹ Gerhard Will.

- Ông nhận định thế nào về việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông thời gian qua?

Trong những tuần qua, Trung Quốc đã có thêm các hành vi vi phạm tại Biển Đông để củng cố yêu sách của họ. Đúng là những năm trước đây, Trung Quốc đã xây dựng những tiền đồn thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo và bây giờ người ta biết thêm rằng, Trung Quốc muốn thực hiện yêu sách chủ quyền của mình bằng biện pháp quân sự. Tôi tin rằng, đó là một nấc leo thang mới.

Tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc hoạt động trong vùng biển rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và dĩ nhiên là ở gần bờ biển Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc.

Trung Quốc ở đây luôn muốn thử xem phía khác sẽ phản ứng như thế nào. Do đó, phải nhìn nhận những nỗ lực này là một phép thử xem Trung Quốc sẽ đi xa được tới đâu và người ta có thể tạo ra ranh giới cho Trung Quốc tới mức nào. Một điều quan trọng trong tình huống này là cần phải chỉ cho cộng đồng quốc tế thấy được câu chuyện đang diễn ra và không chỉ yêu cầu các nước châu Á mà là cả cộng đồng quốc tế lên tiếng.

- Theo ông, tuyên bố về Biển Đông của EU ngày 28/8 và của Đức-Anh-Pháp ngày 29/8 sẽ tác động như thế nào đối với Trung Quốc?

Liên minh châu Âu (EU) và sau đó là Đức, Pháp, Anh có một tuyên bố chung về Biển Đông. Theo hiểu biết của tôi, đây là lần đầu có một quyết định ra tuyên bố về Biển Đông như vậy. Trước đây, họ có đề cập đến Biển Đông trong những văn bản chung. Tuy nhiên, việc họ quyết định tuyên bố về nó lại có một chuẩn mực khác. Dĩ nhiên ta có thể nói nó không mới mẻ nhưng việc họ nhấn mạnh một lần nữa rằng, nó không chỉ liên quan tới lợi ích khu vực mà cả lợi ích quốc tế.

Việc EU, Đức, Pháp, Anh đặc biệt nhấn mạnh rằng những gì xảy ra trên Biển Đông cũng liên quan tới châu Âu đương nhiên không được Trung Quốc hoan nghênh. Trung Quốc luôn cho rằng Biển Đông chỉ là vấn đề của họ với các nước láng giềng Đông Nam Á, các nước khác không tìm kiếm gì ở đây, họ cũng không có lợi ích gì ở đây.

Tuyên bố của EU và tuyên bố chung của Đức, Pháp, Anh có ý nghĩa đáng kể bởi họ nói rõ ràng rằng, đây không chỉ là vấn đề khu vực mà cả quốc tế. Chúng có liên quan tới lợi ích của chúng tôi và chúng tôi muốn xung đột leo thang trong những ngày này phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế - điều mà Trung Quốc thường bỏ qua.

Trung Quốc nói rằng phán quyết hồi năm 2016 của Toà trọng tài Quốc tế trong vụ kiện của Philippines không có ý nghĩa pháp lý với họ... Do vậy, có thể thấy rõ là có 2 điểm được nêu ra mà phía Trung Quốc không đồng tình: Một là, luật quốc tế quan trọng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế có hiệu lực và thứ hai là Biển Đông không phải chỉ là vấn đề khu vực mà là vấn đề quốc tế. Với cách tiếp cận đó của Trung Quốc thì lợi ích của EU đã bị động chạm và tuyên bố mới nhất của EU cũng như của Anh, Pháp và Đức về Biển Đông theo tôi là một chuẩn mực mới mà ta không thể tìm được ở những tuyên bố trước đó.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Mạnh Hường/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận