Động đất và sóng thần đã tàn phá nặng nề đảo Sulawesi và đặc biệt là thành phố Palu trên đảo này. Công việc cứu trợ được tiến hành rất khẩn trương và quyết liệt nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn.
Chính phủ Indonesia đã kêu gọi cộng đồng thế giới trợ giúp Indonesia cứu người và khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên khủng khiếp này.
Theo số liệu chính thức mới được phía Indonesia công bố, đã có ít nhất 1.234 người thiệt mạng. Bốn ngày sau khi sóng thần đổ vào đảo và thành thố Palu, những trận động đất nhỏ vẫn liên tiếp xảy ra, vẫn còn nhiều người bị vùi lấp trong đống đổ nát của nhà cửa và dưới đất bùn. Đến thời điểm hiện tại chưa thể xác định được rõ và cụ thể đầy đủ mức độ của thảm họa thiên nhiên này. Người phát ngôn của Cơ quan phòng chống thảm hoạ của Indonesia, ông Sutopo Nugroho, cho biết có hơn 800 người bị thương, ít nhất 99 người bị coi là mất tích, 61.000 người bị mất hết nhà cửa. LHQ ước liệu, ít nhất 191.000 người ở Indonesia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm hoạ thiên nhiên này và cần phải được cứu trợ khẩn cấp.
Các hãng truyền thông Indonesia và quốc tế đưa tin về thảm họa này đều phác họa bức tranh về sự tàn phá khủng khiếp của sóng thần và động đất, về tình cảnh rất khó khăn của người dân bị ảnh hưởng, về tình trạng cứu hộ cứu nạn không được thuận lợi và về tình hình an ninh hỗn loạn. Đã có 45 phần tử lợi dụng tình hình hiện tại để trộm cướp tài sản bị bắt giữ. Từ đó có thể thấy chỉ riêng việc cứu hộ cứu nạn khẩn cấp thôi sẽ còn kéo dài chứ chưa nói đến việc khắc phục hậu quả sau thảm họa và tái thiết đảo cũng như thành phố.
Đảo Sulawesi và thành phố Palu nằm ở trên cái gọi là "Vòng lửa", tức là hành lang có rất nhiều núi lửa hoạt động và các kiến tạo mảng của thạch quyển trái đất cọ sát với nhau và chen chồng lên nhau nên thuộc những nơi có xác suất xảy ra động đất và sóng thần thường xuyên rất cao. Nhờ sự hợp tác quốc tế mà hệ thống cảnh báo sớm động đất và sóng thần đã được lắp đặt cho các đảo của Indonesia ở khu vực này. Sau khi thảm họa xảy ra, ở Indonesia có nhiều tiếng nói phê phán cơ quan liên quan của chính quyền đã hủy bỏ quá sớm hiệu lệnh báo động về sóng thần và động đất khiến cho dân chúng không kịp trở tay khi sóng thần ập đến. Trang tin điện tử Deutsche Welle của Đức cho biết, các nhà khoa học theo dõi động đất và sóng thần ở khu vực này đã phát hiện ra từ sớm và đã thông tin cho phía chính quyền Indonesia. Chính quyền đã báo động nhưng sau đó có 37 phút đã rút lại hiệu lệnh báo động. Về sau, cơ quan liên quan của Indonesia lý giải là do hệ thống báo động sớm ở xung quanh đảo Sulawesi bị trục trặc nên phải sử dụng thông tin từ hệ thống báo động sớm ở nơi cách xa hơn, vì thế mới dẫn đến quyết định sai lầm kia.
Cũng từ đấy có thể nhận ra được bài học đầu tiên từ thảm họa thiên nhiên này ở Indonesia là phải có được hệ thống báo động sớm hiện đại và hoạt động đáng tin cậy. Rồi đây, chắc chắn chính phủ Indonesia sẽ phải đầu tư nhiều hơn và phải tìm kiếm sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn cho việc này. Bài học thứ hai từ Sulawesi và Palu là phải hướng dẫn và luyện tập người dân ở khu vực những kỹ năng ứng xử cơ bản cần thiết trong trường hợp xảy ra sóng thần và động đất. Nghe thì thấy đơn giản vậy nhưng trên thực tế thì lại rất phức tạp bởi đó là cách tiếp cận phải chung sống với nguy cơ thường xuyên bị động đất và sóng thần thì phải có sự chuẩn bị thường xuyên và thích hợp cho ứng phó khi xảy ra thảm họa thiên nhiên.
Và bài học từ mọi thảm họa thiên nhiên ở mọi nơi trên thế giới là điều phối và thực hiện hiệu quả và kịp thời các công việc cứu hộ và cứu nạn. Thảm họa xảy ra ở Indonesia, nhưng những bài học này lại dành cho tất cả mọi người trên thế giới./.