Vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia khiến vùng Vịnh ngày càng 'nóng'

Vụ tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia ngày 14/9 khiến vùng Vịnh ngày càng "nóng" lên và thay đổi cuộc chơi ở khu vực đầy bất ổn này.

 

Vùng Vịnh lại “nóng” lên

Cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất dầu lớn nhất thế giới sáng 14/9 là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia, thậm chí cả khi Iran không phải là bên chịu trách nhiệm về việc phóng tên lửa hoặc các máy bay không người lái vào cơ sở này, nhà phân tích Tim Lister nhận định trên CNN.

Một số vật thể bay đã tấn công cơ sở Abqaiq, gây ra một loạt các vụ hỏa hoạn khiến gần một nửa việc sản xuất của cơ sở này, tương đương với 5% sản lượng dầu hàng ngày trên toàn cầu bị gián đoạn. Điều này đã gây nên lo ngại về an ninh nguồn cung dầu mỏ trên khắp thế giới.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào cơ sở Abqaiq thuộc tập đoàn dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia sẽ khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất trở lại.

Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công khi tuyên bố rằng 10 máy bay không người lái của lực lượng này đã tấn công Abqaiq và mỏ dầu Khurais. Tuy nhiên, các cuộc tấn công với quy mô và độ chính xác như vậy dường như vượt quá khả năng của nhóm Houthi, do đó, cả Mỹ và Saudi Arabia đều không thừa nhận tuyên bố của lực lượng này.

Ngày 14/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tweet rằng: "Iran đã tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào nguồn cung năng lượng của thế giới". Ông Pompeo cũng khẳng định thêm: "Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các cuộc tấn công này đến từ Yemen".

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc ông Pompeo đang tham gia vào một vụ lừa đảo. Nhà ngoại giao Iran viết trên Twitter rằng: "Thất bại trong chiến lược "gây sức ép tối đa", ông Pompeo chuyển hướng sang "lừa đảo tối đa". Mỹ và các đồng minh đều đang mắc kẹt ở Yemen bởi sự ảo tưởng rằng những vượt trội về vũ khí sẽ đưa đến chiến thắng về quân sự. Đổ lỗi cho Iran sẽ không chấm dứt được thảm họa này".

Ai là thủ phạm đứng đằng sau?

Như vậy, cuộc tấn công nhằm vào 2 cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia đến từ đâu và ai là người đứng đằng sau hành động này?

Nhóm vũ trang Houthi sở hữu nhiều máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm chống lại Saudi Arabia trong 2 năm qua. Nhiều vụ tấn công của nhóm vũ trang này đã bị lưới phòng không của Saudi Arabia chặn lại trong khi những tên lửa khác đều không bắn trúng mục tiêu. Chỉ có một vài vụ tấn công của lực lượng Houthi là gây nên tổn thất về vật chất và con người song thiệt hại rất hạn chế.

Theo CNN, các máy bay không người lái của Hoithi được phát triển dựa trên các mô hình của Iran và thường theo công nghệ Triều Tiên. Đây chủ yếu là các vũ khí tầm ngắn với khoảng cách đạt 300 km. Tuy nhiên, một nhóm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết hồi tháng 1/2019 rằng nếu triển khai các tên lửa tầm xa "việc này sẽ giúp lực lượng Houthi tấn công được các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)".

Nhóm chuyên gia này cũng tiết lộ thêm rằng một máy bay không người lái đã rơi trong khoảng cách 30km ở Riyadh.

Một nguồn tin nhận định với CNN hôm 14/9 rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy những máy bay không người lái/tên lửa tấn công cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia "không xuất phát từ Yemen" mà “có thể là từ Iraq"".

Trong khi đó, CNN dẫn nguồn tin thứ 2 cũng nhận định rằng mặc dù chưa có bằng chứng song các dấu hiệu cho thấy vụ tấn công này là từ phía nam Iraq.

Các lực lượng dân quân ủng hộ Iran đã đào hào quanh phía nam Iraq và Lực lượng Quds, một đơn vị của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đảm nhiệm các chiến dịch ở nước ngoài cũng đang hiện diện ở đây. Đầu năm nay, một số nhà phân tích khu vực cho biết một vụ tấn công bằng máy bay không người lái xảy ra ở Afif, phía bắc Saudi Arabia là đến từ Iraq. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào được đưa ra.

Chính phủ Iraq ngày 15/9 đã đưa ra thông báo bác bỏ các thông tin cho rằng vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia là từ nước này.

Dù không đưa ra bằng chứng song bản thân lực lượng Houthi cũng cho biết nhóm này đã nhận được sự hỗ trợ từ bên trong Saudi Arabia để tiến hành các vụ tấn công này. Người phát ngôn của lực lượng Houthi khẳng định vụ tấn công trên được thực hiện sau "các hoạt động tình báo chính xác và sự hợp tác với những người ở trong vương quốc này".

Hình ảnh vệ tinh được chụp ngày 14/9 cho thấy khói đen bốc lên từ cơ sở sản xuất dầu Abqaiq ở Saudi Arabia. Ảnh: CNN

“Thùng thuốc súng” vùng Vịnh sắp phát nổ?

Dù cuộc tấn công xuất phát từ bất cứ đâu và ai là người chủ mưu đằng sau thì những cuộc tấn công này vẫn là một bước thay đổi trong bối cảnh vùng Vịnh đang giống như một "thùng thuốc súng" có thể phát nổ bất cứ lúc nào sau một loạt những diễn biến, từ các vụ phá hoại tàu chở dầu cho tới tình hình bất ổn tại Yemen và một loạt những cuộc không kích vào các trại dân quân của những người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq những tháng gần đây.

Mặc dù chưa xác nhận được bên nào đứng đằng sau các cuộc tấn công này song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel đã sẵn sàng tấn công các lực lượng ủng hộ Iran bất cứ khi nào các lực lượng này bị coi là mối đe dọa, bao gồm cả các nhóm ở Iraq.

Chưa có bất kỳ cuộc tấn công nào trước đó, kể từ khi Yemen xảy ra xung đột cách đây 4 năm lại làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ như các cuộc tấn công này. Cuộc không kích vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia đã làm gián đoạn việc sản xuất 5,7 triệu thùng dầu trên thị trường và gây ảnh hưởng đến ngành dầu mỏ của vương quốc này.

Saudi Arabia đặc biệt chú trọng đầu tư vào việc nâng cấp hệ thống phòng không. Tuy nhiên, chuyên gia Ayham Kamal tại Nhóm Á-Âu (Eurasia Group) cho biết "vương quốc này vấp phải một vấn đề mang tính cấu trúc là hầu hết hệ thống phòng không của Saudi Arabia đều được thiết kế để phòng thủ trước các mối đe dọa truyền thống và hầu như rất kém trong việc xử lý các mối đe dọa trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái".

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng "dễ bị tổn thương" khi nhiều bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng như "các nhà kho, cơ sở sản xuất đều nằm trong một khu vực nhỏ".

Vụ tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Trump đã gọi cho Thái tử Mohammed bin Salman và tuyên bố Mỹ sẽ mở Kho Dự trữ dầu chiến lược nếu cần thiết.

Hiện vẫn chưa rõ Saudi Arabia phản ứng với việc này như thế nào song rõ ràng sự việc trên sẽ khiến vùng Vịnh ngày càng "nóng" lên với nguy cơ về những cuộc xung đột nguy hiểm giữa các bên liên quan cũng như thay đổi cuộc chơi ở khu vực đầy bất ổn này./.

Kiều Anh/VOV.VN 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận