Hơn 13 tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Mỹ (đầu tháng 11/2020), phe Đảng Dân chủ trong hạ viện Mỹ đã quyết định khởi động quá trình phế truất tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Chủ tịch hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi thuộc Đảng Dân chủ, đã công bố dự định này với lập luận "Không ai đứng trên luật pháp".
Nếu như những gì được truyền thông ở Mỹ đăng tải trong những ngày vừa qua là sự thật thì ông Trump đúng là sẽ gặp phiền phức lớn. Luật pháp hiện hành xưa nay ở Mỹ cấm tất cả các ứng cử viên trong tất cả các cuộc bầu cử dùng sự trợ giúp của bên ngoài nước Mỹ để vận động tranh cử và đắc cử. Luật pháp Mỹ cũng còn có quy định cụ thể cho trường hợp quốc hội phế truất tổng thống. Theo đó, bất cứ hạ nghị sĩ nào hay nhóm dân biểu nào trong hạ viện đều có quyền yêu cầu khởi động quá trình phế truất tổng thống đương nhiệm.
Với đa số thông thường mà hiện tại Đảng Dân chủ đang có được - hạ viện Mỹ quyết định có làm việc ấy hay không. Nếu việc ấy được đa số dân biểu trong hạ viện đồng tình thì hạ viện Mỹ sẽ tiến hành những công việc điều tra, thu thập chứng cớ và luận tội cần thiết. Sau đấy, các vị dân biểu trong hạ viện sẽ quyết định có chuyển khuyến nghị phế truất tổng thống lên thượng viện hay không. Nếu khuyến nghị được đưa lên thượng viện thì thượng viện sẽ bắt đầu quy trình xem xét mà công đoạn cuối cùng là biểu quyết. Thượng viện Mỹ có 100 thành viên và trong trường hợp tương quan đồng ý và không đồng ý như nhau thì phó tổng thống Mỹ sẽ có quyền quyết định cuối cùng. Hiện tại, phe Đảng Cộng hoà của ông Trump kiểm soát thượng viện với đa số rất mong manh. Chỉ khi nào có ít nhất hai phần ba trong số 100 thượng nghị sĩ kia thuận ý thì tổng thống đương nhiệm mới bị phế truất. Từ đó có thể thấy phe Đảng Dân chủ với đa số hiện tại trong hạ viện sẽ không khó khăn gì nếu muốn khởi động tiến trình phế truất ông Trump nhưng lại không thể có được đa số ít nhất hai phần ba trong thượng viện để phế truất ông Trump. Đảng Cộng hoà hiện đã bị ông Trump kiểm soát và thuần chế, sẽ không làm nổi cuộc chính biến trong cung đình để lật đổ quyền lực của ông Trump, trừ khi trong thời gian tới và trong quá trình điều tra xuất hiện hay tìm ra được những chứng cứ xác thực mới chứng minh mười mươi là ông Trump đã lạm dụng quyền lực.
Ở đây, những thông tin và đồn thổi về việc ông Trump tập trung vào những cuộc điện đàm của ông Trump với tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij. Trước các cuộc điện đàm này, ông Trump được cho rằng đã chỉ thị cho thuộc cấp ngừng viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine. Ông Trump điện đàm với ông Selenskij về công việc của con trai ông Joe Biden ở Ukraine. Ông Joe Biden là cựu phó tổng thống Mỹ (thời tổng thống Mỹ Barack Obama) và hiện là một trong những ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ, tức là thuộc diện những đối thủ chính trị của ông Trump trong sự kiện phân tranh quyền lực này. Ông Biden lại còn được coi là một trong những đối thủ chính trị nguy hiểm nhất của ông Trump. Người con trai ông Biden tuy không có nghiệp vụ và trình độ chuyên môn thích hợp nhưng lại có chỗ làm việc lương cao trong một tập đoàn dầu khí của Ukraine. Ông Trump muốn phía Ukraine tiến hành điều tra để phanh phui vụ việc này nhằm hạ thấp uy tín của ông Biden ở Mỹ.
Những cáo buộc ông Trump ở đây còn đi xa tới mức cho rằng ông Trump dùng khoản tiền viện trợ kia để gây áp lực với ông Selenskij. Nếu tất cả những tin tức, đồn thổi và cáo buộc này đúng thì việc ông Trump bị phế truất là rất có thể bởi khi ấy cả Đảng Cộng hoà cũng khó có thể chấp nhận cùng chết chìm với ông Trump ở Mỹ. Nhưng đấy là trường hợp "Nếu...". Và trường hợp ấy rất ít khả năng sẽ xảy ra, nếu như không muốn nói là không thể xảy ra. Trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay mới chỉ có 2 lần tổng thống đương nhiệm bị luận tội và tiến hành phế truất vào năm 1868 và 1998, nhưng cả hai lần tổng thống đương nhiệm đều không bị phế truất.