Đảng đối lập giành thắng lợi bầu cử Quốc hội sớm ở Kosovo

Theo Ủy ban bầu cử quốc gia, có khoảng 1,9 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu, tuy nhiên tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 44%.

 

Cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại Kosovo ngày 6/10 diễn ra với nhiều kịch tính đến phút chót khi hai đảng đối lập lớn tại đây đang bám đuổi sít sao để tranh giành vị trí dẫn đầu.

Cử tri đi bỏ phiếu tại một địa điểm ở thủ đô Pristina (Ảnh: AP)

Với trên 80% số phiếu được kiểm, Phong trào Tự quyết Vetevendosje - LVV đang dẫn đầu vởi tỉ lệ ủng hộ 26%, nhiều hơn 1% so với Liên đoàn dân chủ Kosovo (LDK), dù ở nhiều thời điểm kiểm phiếu trước đó, tỉ lệ ủng hộ cả hai đảng gần như không có sự cách biệt.

Với tỉ lệ ủng hộ hơn 21%, Đảng Dân chủ Kosovo (PDK) của đương kim Tổng thống Hashim Thaci về vị trí thứ ba. Lãnh đạo đảng đã tổ chức họp báo thừa nhận thất bại và tuyên bố trở thành đảng đối lập. Liên minh Vì Tương lai Kosovo và Đảng Dân chủ xã hội của cựu Thủ tướng Ramush Haradinaj về vị trí thứ 4 với trên 11%.

Ủy ban bầu cử quốc gia cho biết có khoảng 1,9 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu, tuy nhiên tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 44%, nhỉnh hơn 3% so với cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6/2017. Đã có 20 người bị tạm giữ, chủ yếu do chụp phiếu bầu và tung lên mạng xã hội, vi phạm tính bảo mật của cuộc bầu cử. Hơn 100 quan chức của Liên minh châu Âu, đã tới Kosovo để giám sát cuộc bầu cử.

Theo qui định của Tòa án Hiến pháp năm 2014, đảng giành chiến thắng sẽ có cơ hội đầu tiên giới thiệu ứng cử viên chức Thủ tướng lên Quốc hội để thành lập chính phủ. Do không có đảng nào giành đa số ghế tại Quốc hội nên đảng dẫn đầu sẽ phải tìm đối tác thành lập liên minh cầm quyền. Bất cứ liên minh nào lên nắm quyền sẽ phải đối mặt với thách thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm qua với nước láng giềng Serbia.

Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Thủ tướng Ramush Haradinaj từ chức vào tháng 7/2019 theo lệnh triệu tập của Tòa án quốc tế với cáo buộc phạm tội chiến tranh, và Quốc hội Kosovo cũng đồng ý giải tán sau đó, dọn đường cho bầu cử sớm.

Vốn là một tỉnh cũ của Serbia, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008 nhưng không được Serbia cũng như một số quốc gia khác, trong đó có Nga, Trung Quốc thừa nhận. Cả hai đều mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và tham gia vào đàm phán hòa giải do EU đứng ra làm trung gian. Tuy nhiên, rất ít tiến bộ đạt được, và các cuộc đàm phán rơi vào thế bế tắc hai năm nay khi Kosovo tuyên bố đánh thuế 100% lên các sản phẩm nhập khẩu từ Serbia.

Năm 2018, Tổng thống Kosovo và Serbia dự định hoán đổi một phần lãnh thổ của nhau để giải quyết tranh chấp, nhưng đề xuất vấp phải sự phản đối trong nước và quốc tế, trong đó có phe đối lập tại Kosovo. Dự đoán việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ hai bên sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi liên minh cầm quyền sắp tới do phe đối lập kiểm soát.

Hữu Bình/VOV-Praha

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận