Ngày 24/9 vừa qua, phía Mỹ chính thức áp dụng những biện pháp bảo hộ thương mại thêm cho 200 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nâng mức độ tổng cộng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp dụng những biện pháp chính sách này lên 250 tỷ USD.
Trung Quốc đáp trả ngay lập tức với biện pháp tăng thêm 60 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nâng tổng mức giá trị hàng hóa của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế quan bảo hộ mậu dịch lên 110 tỷ USD. Đồng thời, Trung Quốc tung ra Sách trắng về quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ với nội dung phê phán Mỹ rất nặng nề. Trung Quốc cũng còn quyết định ngừng tiến hành đàm phán thương mại song phương với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ chơi tiếp vòng thứ ba với Trung Quốc ở mức độ giá trị 267 tỷ USD. Đồng thời, phía Mỹ còn trừng phạt một số công ty và cá nhân trong quân đội Trung Quốc về việc mua máy bay và tên lửa của Nga. Trong bài phát biểu trước khóa họp ĐHĐ năm nay của LHQ, ông Trump lại một lần nữa lên tiếng phê phán Trung Quốc rất nặng nề về bù trợ xuất khẩu khiến phía Mỹ bị nhập siêu lớn, về vi phạm quy định chung của thế giới trong chuyện bảo hộ bản quyền phát minh, sáng chế và trí tuệ công nghiệp cũng như về khép kín thị trường khiến giới kinh tế Mỹ bị thua thiệt và phân biệt đối xử ở Trung Quốc.
Cả trong cuộc khẩu chiến lẫn trên thực tế, giữa Mỹ và Trung Quốc hiện rất căng thẳng. Nhìn về tương lai thì tình trạng căng thẳng và trắc trở này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài chứ chưa thể dễ dàng sớm được khắc phục. Từ xung khắc thương mại thuần túy, Mỹ đã mở rộng đối đầu và căng thẳng với Trung Quốc sang cả lĩnh vực quân sự và chính trị. Ông Trump có vẻ như đang biến việc xử lý quan hệ với Trung Quốc thành trường hợp điển hình và mô thức đặc trưng cho chủ trương thực thi chính sách bảo hộ thương mại, cho khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" và cho cả chính sách đối ngoại của Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại có thể thấy được rất rõ là ông Trump khởi đầu cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc với lý do chủ yếu là giảm thâm hụt của Mỹ trong trao đổi thương mại với Trung Quốc nhưng trong thực chất là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện và xử lý lại toàn bộ quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.
Nhìn vào trao đổi thương mại thuần túy thì Mỹ hiện có nhiều con chủ bài hơn Trung Quốc, đơn giản vì Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhiều hơn Mỹ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn như năm ngoái, Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc hơn 130 tỷ USD trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 500 tỷ USD. Đấy chính là lý do giúp ông Trump có thể đưa ra lời dọa là sẽ áp thuế bảo hộ thương mại đối với mức độ giá trị hàng hóa còn nhiều hơn cả kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái vào thị trường Mỹ. Nhưng nhìn cả vào những phương diện khác trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thì Trung Quốc có không ít con chủ bài công hiệu khác nữa. Câu hỏi đặt ra là khi nào Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp chính sách khác để đáp trả Mỹ. Việc Trung Quốc đưa ra Sách trắng trong bối cảnh tình hình như thế cho thấy Trung Quốc chưa chơi với Mỹ tới tận cùng mà vẫn còn nhún nhường, chưa ngả ra hết mọi con chủ bài mà vẫn còn kiềm chế.
Mỹ và Trung Quốc đã xô đẩy nhau vào vòng xung khắc mới với bản chất khác nữa chứ không còn chỉ là xung khắc thương mại thuần tuý. Mức độ xung khắc càng tăng thì việc hóa giải xung khắc càng thêm khó khăn và phức tạp. Xem ra, trận này chưa phải là trận cuối cùng bởi ở cả hai phía đều chưa thấy biểu lộ sự sẵn sàng nhượng bộ nhau và thiện chí đối thoại thực chất để khắc phục xung khắc./.