Tại những cuộc gặp cấp cao vừa rồi ở Thái Lan, ASEAN và 5 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã thúc đẩy tiến trình đàm phán đến mức thoả thuận này có thể được chính thức ký kết trong năm tới - năm Việt Nam đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Cho tới thời điểm hiện tại, RCEP là liên kết kinh tế và khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới. 5 nền kinh tế tham gia dự án này của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Ấn Độ vốn đã tham gia ngay từ đầu tiến trình đàm phán, nhưng rồi ở Thái Lan vừa qua lại tuyên bố rút khỏi RCEP. Sự rút lui này của Ấn Độ đương nhiên không hay cho RCEP nhưng không đến mức gây bất lợi và cũng chẳng làm trì hoãn hay làm thất bại RCEP. Quyết định này của Ấn Độ khiến liên tưởng đến việc Mỹ rút khỏi thoả thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ấn Độ và Mỹ đều là những nền kinh tế lớn trên thế giới và đều là những quốc gia có vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới, châu lục và khu vực rất quan trọng. Nhưng không vì Mỹ không tham gia nữa mà TPP bị thất bại. Ấn Độ bây giờ đối với RCEP cũng vậy. Các đối tác tham gia TPP đã cùng nhau đàm phán lại và đạt thoả thuận mới về CPTPP thay thế cho TPP. RCEP đã được các bên tham gia nhất trí chính thức ký kết trong năm 2020.
RCEP có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác kia. Sẽ không chuẩn xác khi đơn giản cho rằng RCEP là liên kết kinh tế và khu vực mậu dịch tự do của 15 nước mà phải nói cho thật chính xác rằng RCEP là kết quả liên kết và hợp tác của ASEAN với 5 nền kinh tế đối tác kia.
Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, đương nhiên vì thế có được trọng lực rất đáng kể trong liên kết mới này, nhưng ở đó đều là đối tác của ASEAN nói chung.
Đối với ASEAN, việc hình thành RCEP sau nhiều năm đàm phán là bước phát triển mới rất quan trọng. ASEAN chỉ có thể có tương lai khi vừa củng cố và tăng cường sự đồng thuận quan điểm và gắn kết nội bộ vừa mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài ở khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, tức là phải đồng hành việc tăng cường liên kết theo chiều sâu với việc đẩy mạnh liên kết với các đối tác bên ngoài.
Hiện tại, trong nội bộ ASEAN nói chung và ở một số nước thành viên ASEAN nói riêng tồn tại không ít vấn đề nan giải, phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến vị thế và ảnh hưởng của ASEAN ở khu vực cũng như trên thế giới. Vì thế, những bước tiến như hình thành RCEP có ý nghĩa và tác động càng thêm quan trọng đối với ASEAN.
RCEP sẽ làm thay đổi cơ bản quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư giữa ASEAN và 5 nước kia. Nó bổ sung cho những thoả thuận về hợp tác kinh tế và thương mại tự do mà ASEAN đã có được với các đối tác ấy và cho những thoả thuận về hợp tác kinh tế và thương mại tự do mà tất cả 15 nước tham gia RCEP đã có được với nhau hay có được với các đối tác khác. Nó không mâu thuẫn gì với những thoả thuận đã có khác giữa các bên tham gia với các đối tác khác như CPTPP chẳng hạn.
Sự tham gia của Trung Quốc vào RCEP là một trong những nguyên do khiến Mỹ và Ấn Độ không thể không lo ngại và nghi ngại về RCEP. Nhưng nếu họ thực sự có những nghi ngại và lo ngại như vậy thì việc đứng ngoài RCEP đâu có khác gì để cho Trung Quốc tuỳ ý và thoả sức vẫy vùng ở sân chơi RCEP trong khi không dễ dàng gì có thể nhanh chóng có được thoả thuận riêng với ASEAN về quan hệ hợp tác kinh tế và khu vực mậu dịch tự do.