Sự kiện được tổ chức ở thủ đô London của nước Anh. Dư luận ở châu Âu lục địa thì để ý đến chứ dân chúng trên đảo quốc đâu có quan tâm gì nhiều khi bị chi phối bởi cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn sẽ diễn ra chỉ vài ngày sau đấy. Nước Anh là một trong số 29 thành viên hiện tại của NATO nhưng chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) hiện thiết thực và sát sườn còn hơn rất bội lần đối với họ.
Những diễn biến trước sự kiện lớn này của NATO đều là những điềm bất lành đối với NATO và đều báo hiệu cuộc gặp rất khó có thể thành công mỹ mãn như NATO mong đợi. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho tới nay thường tận dụng những sự kiện lớn như thế này của NATO để thể hiện quan điểm thái độ coi thường NATO, bất cần NATO, thúc ép các thành viên NATO phải tăng ngân sách và chi phí cho quân sự và quốc phòng cũng như luôn tập trung công kích một vài thành viên cụ thể nào đó.
Ông Trump không giấu giếm chủ ý gắn việc tiếp tục duy trì cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho các thành viên khác theo Điều 5 của Hiệp ước NATO với việc các thành viên này phải thực hiện thoả thuận chung trong NATO về chi 2% GDP quốc gia cho quân sự và quốc phòng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng gây chuyện với NATO khi thoả thuận với Nga về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga khiến NATO lo ngại về rủi ro an ninh khi có thành viên sử dụng khí tài của Nga và khiến ông Trump rất bực bội vì Thổ Nhĩ Kỳ không mua vũ khí tương tự của Mỹ.
Rồi cả việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành những chiến dịch quân sự ở Syria tấn công lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở Syria cũng khiến ông Erdogan gặp khó với Mỹ và bị Anh, Đức và Pháp phản đối mạnh mẽ. Ông Erdogan đã còn đi xa với phản ứng của mình đến mức coi tổng thống Pháp Emmanuel Macron là "nghiệp dư" trong chuyện chống khủng bố và phản bác quan điểm của ông Macron cho rằng NATO hiện trong tình trạng bị chết lâm sàng với tuyên bố không phải NATO mà chính ông Macron mới đang chết não.
Còn ông Macron không dừng lại với đánh giá nói trên về NATO. Người này còn trái ngược với quan điểm chung của NATO khi không coi Nga là kẻ thù và ngỏ ý NATO cần xem xét đề nghị của Nga về đông cứng tên lửa hạt nhân. Ông Macron còn khuyến nghị các nước thành viên NATO ở châu Âu gây dựng liên minh quân sự, cấu trúc an ninh và sự tự chủ về quốc phòng riêng.
Thực trạng phân rẽ nội bộ sâu sắc này của NATO bộc lộ rất rõ nét trước và cả trong thời gian 2 ngày diễn ra cuộc gặp kỷ niệm. Ở đó, ông Trump tỏ ra dung hoà hơn khi hết lời đề cao NATO nhưng vẫn lên tiếng thúc ép các thành viên NATO tăng ngân sách quân sự và quốc phòng.
Ở cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của NATO, ông Trump chĩa mũi tấn công nhằm vào ông Macron - năm ngoái là thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Macron không thay đổi quan điểm trong khi ông Erdogan doạ sẽ phủ quyết tuyên bố chung nếu các thành viên khác tiếp tục phê phán Thổ Nhĩ Kỳ.
Rồi các thành viên cũng đưa ra được tuyên bố chung. Những nội dung ở trong đó đều không mới mẻ gì trong thực chất ngoài việc lần đầu tiên NATO đề cập đến thách thức và cơ hội từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên mọi phương diện.
NATO chưa coi Trung Quốc là kẻ thù như vẫn coi Nga là kẻ thù nhưng bắt đầu coi Trung Quốc là thách thức mà ngay từ bây giờ phải bắt đầu đối phó. Tuyên bố chung này cho thấy về cơ bản tình trạng phân hoá nội bộ trong NATO chưa được khắc phục ở sự kiện lớn này và trong NATO vẫn chưa khởi động được cuộc tranh luận về chiến lược của NATO cho tương lai.