Việt Nam là một điểm thu hút đầu tư quan trọng nhất ở châu Á

  • 09/12/2019 03:21:09
  • Thế Nguyễn/VOV- Cairo
  • Thế giới
  • 0

Ông Mohamed Youssef, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Ai Cập khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú Đài TNVN tại Ai Cập.

 

Những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam và Ai Cập chứng kiến những bước phát triển mạnh với sự gia tăng giá trị kim ngạch hai chiều. Mặc dù vậy, tổng mức kim ngạch hai chiều đạt gần 500 triệu USD trong năm 2019 vẫn còn khiêm tốn so với quy mô thị trường và tiềm năng to lớn của hai bên.

Theo ông những khó khăn nào đang cản trở Việt Nam và Ai Cập trong việc đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 1 tỷ đô la?

Chúng tôi nhận thấy có những thách thức đang cản trở hợp tác kinh tế, thương mại hai chiều. Thứ nhất, có thể nói thách thức lớn nhất là thiếu thông tin về mỗi nước. Cả Việt Nam và Ai Cập đang rất thiếu thông tin về nhau. Chúng ta chưa hoàn toàn nắm được nhu cầu của nhau cũng như cách thức tiếp cận các nhu cầu hay cách nhận biết các cơ hội của mỗi bên. Theo tôi, thông tin là yếu tố quan trọng bậc nhất.

Thứ hai, hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn công tác đến mỗi nước và tổ chức các triển lãm thương mại. Chúng ta cần tổ chức những cuộc triển lãm hàng hóa tại mỗi nước. Chúng ta chưa thực sự chú trọng đến việc này. Số lượng các cuộc triển lãm hàng hóa của Ai Cập tại Việt Nam đến nay còn rất hạn chế và ngược lại, phía Việt Nam cũng vậy.

Ông Mohamed Youssef, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Ai Cập.

Thứ ba, cuộc chiến thương mại toàn cầu cũng tác động đáng kể đến sự tăng trưởng thương mại giữa 2 nước trong thời gian qua. Cuộc chiến thương mại toàn cầu hiện nay cũng cản trở sự tăng trưởng thương mại giữa các nước trên toàn thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có nhiều tác động khác nhau đến tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu và cuộc thương chiến này cũng làm giảm dòng chảy đầu tư giữa các nước.

Những khủng hoảng về chính trị trên toàn cầu cũng tác động đến tình hình thương mại quốc tế. Đó là những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta nỗ lực vượt qua các khó khăn trên, chúng ta có thể lạc quan với mục tiêu kim ngạch 1 tỷ đô la thông qua các giải pháp “cùng thắng”. Hiện tại cán cân thương mại đang nghiêng về Việt Nam. Trong năm 2019, tổng giá trị thương mại hai nước đạt xấp xỉ 500 triệu đô la, xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập chiếm 450 triệu đô la, trong khi giá trị xuất khẩu của Ai Cập sang Việt Nam đạt khoảng 35 triệu đô la. Cán cân này không phản ánh sự cân bằng thương mại hai chiều.

Ông kỳ vọng những lĩnh vực nào có thể giúp Ai Cập đạt được mục tiêu kim ngạch nói trên với Việt Nam?

Như chúng ta đã đề cập, lĩnh vực nông nghiệp là một thế mạnh của Ai Cập. Tôi được biết Việt Nam nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ nhiều nước khác nhau. Ai Cập có các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như quýt, cam, chanh, nho, chà là… Tôi tin rằng những sản phẩm này cũng có cơ hội để thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trên thực tế, cam của Ai Cập đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường của Việt Nam.

Phóng viên VOV-Cairo phỏng vấn Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Ai Cập Mohamed Youssef.

Thứ hai là lĩnh vực dệt may. Cả Việt Nam và Ai Cập đều có thế mạnh xuất khẩu về các sản phẩm dệt may. Thông qua các hiệp định thương mại mà Ai Cập đạt được, chúng tôi có thể gia tăng các mặt hàng xuất khẩu của Ai Cập đến các nước, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt là các hiệp định thương mại giữa Ai Cập với các nước liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định về khu vực thương mại tự do châu Phi. Ai Cập cũng có thể tiếp nhận các công nghệ và kiến thức trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam. Ai Cập và Việt Nam có thể mở các liên doanh trong lĩnh vực dệt may và mở các thị trường thứ 3 tại các nước châu Phi hay châu Mỹ.

Tiếp đến là các sản phẩm phân bón, vốn là một lĩnh vực mà chúng tôi kỳ vọng sẽ gia tăng giá trị thương mại. Các lĩnh vực khác có thể giúp Ai Cập gia tăng giá trị xuất khẩu gồm y tế, dược phẩm và du lịch. Một thực tế không thể phủ nhận là Ai Cập đang được biết đến như một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về ngành du lịch. Ai Cập có đến hai phần ba số lượng đền, đài trên toàn thế giới, trong đó một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại đang tồn tại ở Ai Cập là Kim Tự Tháp.

Ngoài ra, Ai Cập cũng có những vẻ đẹp thiên nhiên như các bãi tắm tuyệt đẹp nhất nhì thế giới ở vùng biển Dahaab. Do đó, du lịch là một lĩnh vực mà Ai Cập có thể khuyến khích hợp tác với Việt Nam. Ngày nay, nhiều người dân Việt Nam bắt đầu đi du lịch toàn cầu khi điều kiện kinh tế ngày càng tốt lên. Ai Cập là một điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam.

Cuối cùng là lĩnh vực công nghiệp. Một trong những lĩnh vực mà chúng tôi nhận được sự hậu thuẫn từ Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp. Nếu một đất nước muốn phát triển nền kinh tế bền vững, họ phải quan tâm khuyến khích và hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp. Tôi được biết lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam chiếm đến 40% của nền kinh tế. Trong khi tại Ai Cập, lĩnh vực công nghiệp chỉ chiếm gần 27% trong tổng GDP. Ai Cập đang tập trung quan tâm phát triển công nghiệp và lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế Việt Nam trong khu vực ASEAN và châu Á?

Tôi cho rằng vai trò của Việt Nam đang ngày càng đi lên nhanh chóng. Cấu trúc thương mại toàn cầu đang thay đổi. Không ai có thể phủ nhận thực tế rằng Trung Quốc không còn là một điểm thu hút đầu tư lớn nhất trên thế giới. Do đó, Việt Nam đang vươn lên trong thu hút đầu tư tốt.

Việt Nam trở thành một trong những nước hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tại châu Á. Việt Nam có các thế mạnh như thị trường rộng lớn, sức tiêu thụ mạnh, năng lực kinh tế và công nghệ tiên tiến. Tôi tin rằng, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến quan trọng nhất của các nhà đầu tư tại châu Á.

Xin cảm ơn ông!

Thế Nguyễn/VOV- Cairo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận