Rời khỏi thủ đô Bangkok ồn ào và đông đúc, trên con đường trải dài tít tắp, xe chúng tôi vượt hơn 700km để đến với vùng Đông Bắc của Thái Lan, người địa phương vẫn gọi là I-sản,nơi tập trung rất nhiều kiều bào người Thái gốc Việt sinh sống và có thể nói là thủ phủ của người Việt. Những ngày cuối năm, nắng gió ở vùng Đông Bắc như thường lệ vẫn rát mặt.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi tới vùng I-sản nhưng mỗi lần tới là một khác, chỉ duy nhất một thứ không thay đổi, đó là tấm lòng của những người Việt xa xứ. Có một vị lãnh đạo đã từng nói, không đâu trên thế giới,người Việt lại hướng về Tổ quốc nhiều như ở vùng này. Đúng thật!Cứ mỗi khi xuống đây, chúng tôi lại cảm nhận được rõ ràng tình cảm với quê hương đất nước của người Việt tại đây mạnh mẽ thế nào.
“Máu người Việt mình đặc”
Ông Lương Xuân Hoà, Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Udon Thani đã nói với chúng tôi như thếsau câu hỏi tại sao người Việt tại đây lại có tình cảm thương mến, đoàn kết với nhau. Ông Hòa kể, người Việt tới vùng Đông Bắc Thái Lan từ nhiều năm trước và đã có thế hệ thứ tư tại đây.“Máu người Việt mình đặc lắm. Tại đây mọi thứ vẫn giữ như vậy, từ tình nghĩa tới lời ăn tiếng nói, ẩm thực, vẫn như cách đây cả 100 năm. Các anh cứ tưởng tượng, 100 năm trước như thế nào thì bây giờ vẫn thế, người Việt ở đây thậm chí còn chưa cập nhật được những từ tiếng Việt mới để nói giống với quê nhà”.
Người Thái gốc Việt ở Udon Thani có khoảng 40 ngàn người, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh và đây là địa phương có đông người gốc Việt sống nhất vùng I-sản. Để cắt nghĩa thêm tại sao “máu người Việt mình đặc”, ông Hoà giải thích: Đó là một câu chuyện không ai còn muốn nhắc tới nhưng tôi phải kể thì mọi người mới hiểu rõ được.
Người Việt tại Thái Lan trước kia không được công nhận, họ thậm chí còn không được nói tiếng Việt, không được đi lại tự do và không được đi học… Những người chạc 60-70 tuổi như ông Hòa là thế hệ khó khăn nhất khi lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam rất ác liệt. Người Việt tại Thái Lan lúc đó không còn quyền con người nhưng họ vẫn sống, vẫn đùm bọc lẫn nhau và tạo thành một khối thống nhất mà không có một thế lực nào có thể phá vỡ được. Khối thống nhất đó dù khó khăn thế nào cũng một lòng tin theo Đảng, tin theo Bác Hồ và tin vào cuộc chiến chính nghĩa giành độc lập tự do của dân tộc.
Rất nhiều người nếu có dịp tới Udon Thani sẽ thắc mắc, tại sao cộng đồng người Việt tại đây lại có nhiều thầy cô giáo như vậy.Câu chuyện này cũng bắt đầu từ việc họ không được nói và học tiếng Việt trong quá khứ.Nhưng chuyện cấm đoán của chính quyền không ngăn cản được họ.Người Việt tại đây dạy tiếng Việt cho nhau, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít.Người biết chữ ít thì dạy cho người không biết chữ.Đây chính là cách mà cộng đồng này gìn giữ tiếng Việt.
Ngày nay, mọi khó khăn trong quá khứ không còn.Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà những vị trưởng thượng ở đây phải lo lắng đó là việc giữ gìn tiếng Việt và chữ Việt. Chính vì thế, mỗi tối trường Tiếng Việt Khánh Anh lại sáng đèn, từ trung niên, thanh niên, trẻ nhỏ lại ê a từng con chữ. Chính việc học tiếng Việt, duy trì tiếng Việt trong gia đình làm tăng mối kết nối giữa người Việt ở đây với nhau để tạo nên một cộng đồnggắn kết bền chặt.
Một tương lai tươi sáng cho người Việt
Có lẽ một chút tâm linh nào đó thì người Việt ở vùng I-sản nói chung và tỉnh Udon Thani nói riêng đang được phù hộ vì họ đã phải trải qua quá nhiều vất vả và khổ đau trong quá khứ. Những dấu tích của người Việt tại đây ngày càng nhiều, kể cả về văn hoá, xã hội và kinh tế.Một trung tâm thương mại thuộc loại lớn nhất tỉnh với vốn đầu tư cả chục triệu đô la mọc lên và trở thành một địa chỉ tin cậy.
Ông Hồ Văn Lâm, chủ trung tâm thương mại này cho biết, việc xây trung tâm thương mại thuần Việt ở đây không chỉ để làm kinh tế mà còn để quảng bá ẩm thực, hàng hóa Việt Nam tới người Thái. Từ đó giúp người Thái hiểu hơn về văn hoá, nếp sống của người Việt. Người Việt và người Thái cùng sống hòa đồng với nhau, cùng xây dựng hai đất nước Thái Lan, Việt Nam phát triển.
Những dấu ấn của người Việt tại Udon Thani còn có ngôi chùa Việt, đền thờ Hưng Đạo Đại vương và khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những địa chỉ này không chỉ là nơi tập trung sinh hoạt của người Việt tại tỉnh mà còn là các địa điểm thu hút rất đông khách du lịch.
“Người Việt mình giờ khá lắm rồi, không còn khổ như trước nữa.Ngày xưa khổ thế chúng tôi vẫn nhớ về Tổ quốc thì nay sướng rồi chẳng nhẽ lại quên.Năm nào tôi và gia đình cũng về Việt Nam vài lần”, ông Tuấn, một trưởng làng ở tỉnh Udon Thani cho chúng tôi biết.
“Người Việt mình giờ khá lắm rồi, không còn khổ như trước nữa. Ngày xưa khổ thế chúng tôi vẫn nhớ về Tổ quốc thì nay sướng rồi chẳng nhẽ lại quên.Năm nào tôi và gia đình cũng về Việt Nam vài lần”, ông Tuấn, một trưởng làng ở tỉnh Udon Thani cho chúng tôi biết.
|
Ngày Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, người Việt ở vùng I-sản này cũng bắt đầu gói bánh chưng, gói giò, muối dưa hành… để chuẩn bị đón mừng năm mới. Năm nào người Việt ở đây cũng ăn Tết cộng đồng cùng nhau, họ khoác lên mình những bộ trang phục Việt Nam, nghe những bài hát tiếng Việt về tình yêu quê hương đất nước. Chẳng mấy nữa, cũng sẽ có chuyến bay kết nối thẳng Udon Thani với Việt Nam, tạo điều kiện hơn cho bà con về với Tổ quốc.
Rời xa vùng I-sản, hình ảnh mà chúng tôi vẫn nhớ mãi trong đầu chính là việc những đứa trẻ tối tối lại cầm sách bút tới trường tiếng Việt Khánh An. Những nét chữ của bọn trẻ đôi khi còn vụng về, giọng nói vẫn còn ngọn nghịu xác nhưng đó chính là tương lai của người Việt ở đây, chúng sẽ không quên tiếng Việt và từ đó luôn khắc sâu được rằng, có dòng máu Việt chảy trong huyết quản của mình và sẽ nối tiếp những thế hệ cha ông của chúng, luôn luôn hướng về đất nước./.
Quang Trung/VOV-Thái Lan