Mối quan ngại về Covid-19 ở Campuchia sau khi tàu Westerdam cập cảng

Hàng trăm du khách đã rời tàu Westerdam để du lịch ở Campuchia hoặc bay sang nước khác. Trong số họ có người mới được xác định nhiễm Covid-19.

 

Việc Campuchia cho tàu du lịch Westerdam của Mỹ cập cảng Campuchia vào hôm 14/2/2020 về hình thức là một cử chỉ đẹp trong bối cảnh một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã từ chối nhập cảnh đối với du thuyền này do lo ngại dịch bệnh Covid-19 gây ra bởi virus corona chủng mới.

Diễn biến bất ngờ

Tuy nhiên với diễn biến mới là một trong các hành khách trên tàu này mới đây được Malaysia xác định dương tính với virus Covid-19 thì sự kiện nhân đạo trên cũng gây quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở Campuchia và lan ra các nước khác.

Người nữ du khách 83 tuổi sau khi rời tàu thủy ở Campuchia đã lên phi cơ để bay sang Malaysia, và tại điểm đến mới, giới chức địa phương đã kiểm tra và phát hiện bà nhiễm virus Covid-19.

Các hành khách trên du thuyền Westerdam đã chia làm nhiều nhóm: Một số ở lại trên tàu, một số lên bờ ở Campuchia để du lịch, một số lên máy bay và bay tới các nước khác nhau.

Giáo sư Benjamin Cowling thuộc Trường Y tế Công cộng trong Đại học Hong Kong cho hay: “Với việc có một ca nhiễm Covid-19 được xác nhận (việc mắc có thể xảy ra khi họ ở trên tàu du lịch), thì các hành khách khác cũng cần phải được cách ly y tế tại nhà và thông báo ngay cho giới chứ nếu họ bị sốt hoặc có triệu chứng về đường hô hấp trong vụ 14 ngày kể từ khi rời tàu”.

Tiến sĩ Gagandeep Kang, giám đốc điều hành của một viện về khoa học và công nghệ y tế của Ấn Độ, cho rằng hiện chưa rõ liệu người phụ nữ nhiễm bệnh cho có dẫn tới một đợt bùng phát dịch Covid-19 ở một khu vực mới hay không. Theo bà Kang, tình hình còn tùy thuộc vào giai đoạn mà bệnh nhân nữ nói trên nhiễm virus.

Quá trình phản ứng sau đó

Hãng vận hành con tàu này, Holland America Line, ra thông cáo nói rằng giới chức y tế Campuchia vào hôm 17/2 đã lên boong tàu để kiểm tra 255 khách và 747 thành viên thủy thủ đoàn, và rằng những vị khách hiện đang lưu trú tại khách sạn Phnom Penh đã được kiểm tra hết. Và chưa phát hiện ca nhiễm nào trong số những người này. Thông cáo cho hay, những vị khách đã hồi hương sẽ được ngành y tế tại đó liên hệ.

Thông cáo bổ sung thêm rằng trong hành trình của du thuyền, bệnh nhân mắc Covid-19 đã không báo cáo với trung tâm y tế của tàu về bất cứ sự ốm đau nào, còn 20 người khác nói bị ốm khi trên tàu đã cho kết quả âm tính đối với virus này.

Các hành khách và thủy thủ còn lại đã trải qua quá trình kiểm tra y tế bao gồm việc điền vào các bảng câu hỏi về sức khỏe và lấy nhiệt độ cơ thể - quy trình tiêu chuẩn đối với những người đi biển có nguy cơ mắc bệnh.

Một số hành khách người Mỹ và người nước khác trên tàu Westerdam đã về tới quê nhà và nói chuyện với báo chí.

Trong số các hành khách này có Paulette, một y tá đã nghỉ hưu. Bà Paulette cho rằng số ca tử vong vì cúm còn cao hơn số người thiệt mạng do Covid-19. Cặp vợ chồng này nói rằng họ đã được kiểm tra bằng thiết bị quét thân nhiệt trên chặng đường về nhà từ các sân bay ở Phnom Penh (Campuchia) và Singapore. Khi tới Los Angeles (Mỹ), họ nằm trong số đông người trải qua quá trình quét thân nhiệt.

Trong khi đó 2 hành khách Canada trở về nước qua sân bay quốc tế Vancoucer thì được yêu cầu đeo khẩu trang bảo hộ khi về tới Canada nhưng không bị cách ly. Người chồng, Joseph Hansen, cho biết họ được hỗ trợ không phải xếp hàng như số đông mọi người, và được yêu cầu trả lời một số câu hỏi cũng như điền vào tờ khai nhập cảnh. Hansen cho biết, vợ chồng hiện không có mối quan ngại nào về sức khỏe.

Tàu du lịch Westerdam cập cảng của Campuchia sau khi bị một số nước và vùng lãnh thổ từ chối nhập cảnh. Ảnh: Getty.

Ý kiến 2 chiều về cách xử lý của Campuchia

Nhờ vào việc cho phép tàu du lịch Mỹ đậu tại cảng Sihanoukville, chính phủ Campuchia ban đầu nhận được sự đánh giá cao từ Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại sứ Mỹ tại Campuchia.

Sự kiện này lúc đó còn được xem là một chiến thắng cho việc xây dựng hình ảnh Thủ tướng Hun Sen, do ông đã hoan nghênh, bắt tay và tặng hoa cho các hành khách tàu Westerdam.

Ông Hun Sen đã tự hào phát biểu rằng Campuchia là một nước nghèo nhưng “luôn luôn tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề mà thế giới và khu vực chúng ta đang đối mặt”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng ông rất vui Campuchia đã chấp nhận giúp đỡ tàu Westerdam và coi đây là một thí dụ về tình đoàn kết quốc tế.

Trong khi đó Đại sứ Mỹ tại Campuchia W. Patrick Murphy thì nói rằng: “Chúng tôi rất vui là Campuchia đã mở cửa hải cảng và cánh cửa của mình với những người đang cần được giúp đỡ... Chúng tôi nghĩ điều này gửi đi thông điệp mạnh. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau”.

Tuy nhiên trên mạng xã hội lại có nhiều ý kiến chỉ trích cách thức Campuchia xử lý vấn đề du khách từ tàu du lịch.

Mặc dù vậy Giáo sư Cowling của Đại học Hong Kong cho rằng việc cho hành khách rời tàu và theo dõi họ sau đó là một ý tưởng hay.

Cowling nói: “Giữ hành khách trên tàu trong 14 ngày là không phù hợp, vì môi trường trên tàu có rủi ro cao. Ông cũng nêu thêm rằng việc giữ hành khách trên tàu du lịch Diamon Princess ở cảng Nhật Bản có thể đã làm tăng số ca lây chéo tại đây (với 542 ca nhiễm)./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch

Nguồn: AP

 

Bình luận

    Chưa có bình luận