Theo những phát ngôn mới đây nhất của chính phủ Mỹ, chính phủ Afghanistan và Taliban thì một thoả thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban hiện đã ở trong tầm tay của hai bên.
Đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên cáo như thế. Rồi đến tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng quả quyết như vậy khi tham dự Hội nghị an ninh Munich ở Đức. Và cả Taliban ở Afghanistan cũng biểu lộ nhìn nhận và đánh giá không khác. Nếu thật sự đúng được như thông điệp của bộ ba nói trên thì thật tốt lành biết bao cho triển vọng hoà bình, an ninh, ổn định, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Afghanistan. Câu hỏi đặt ra ở đây mà thiên hạ hiện chưa dám chắc câu trả lời sẽ như thế nào là ba bên kia hiện đang lạc quan thật hay giả vờ lạc quan.
Từ giữa năm 2018, Mỹ và Taliban đã tiến hành đàm phán hoà bình trực tiếp với nhau, đàm phán tay đôi với nhau chứ không có cả sự tham gia của phía chính phủ Afghanistan. Taliban vốn không công nhận chính thể hiện tại ở Afghanistan mà coi đấy là bù nhìn của Mỹ, NATO và đồng minh của họ. Cho đến nay, dù Mỹ thôi thúc đến mấy và dù phía chính phủ Afghanistan mời chào bằng mọi cách, phía Taliban vẫn cự tuyệt đàm phán trực tiếp tay đôi với chính phủ Afghanistan. Chừng nào hai bên này chưa đi vào tiếp xúc, đối thoại và đàm phán trực tiếp với nhau thì chừng đó chưa thể khởi động được tiến trình hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc giữa các phe cánh chính trị và lực lượng vũ trang ở Afghanistan. Hay nói theo cách khác, chừng đó chưa thể có được giải pháp chính trị hoà bình cho Afghanistan chứ chưa nói đến giải pháp chính trị hoà bình đạt được cũng sẽ đảm bảo là được thực thi đầy đủ, nghiêm chỉnh và kết quả.
Cũng chính vì thế mà trên chương trình nghị sự của cuộc đàm phán hoà bình giữa Mỹ và Taliban luôn xoay quanh yêu cầu của Taliban là Mỹ và đồng minh triệt thoái toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan cũng như đòi hỏi của Mỹ là Taliban không còn chống đối Mỹ và đồng minh của Mỹ đồng thời chấp nhận đi vào đối thoại và đàm phán trực tiếp tay đôi với chính quyền Afghanistan. Mỹ và Taliban cũng đã vài lần cao giọng tuyên cáo là quá trình đàm phán cơ bản kết thúc và việc hai bên ký kết chính thức hoà ước chỉ còn là chuyện của ngày một, ngày hai.
Điều khác biệt giữa hiện tại và những lần "sắp tới đích" trước đấy đối với Mỹ và Taliban là thoả thuận về ngừng bắn thời gian 1 tuần ở Afghanistan. Phía Mỹ và chính phủ Afghanistan ám chỉ rằng hoà ước giữa Mỹ và Taliban tới đây có được ký kết chính thức hay không tuỳ thuộc vào việc Taliban có thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ thoả thuận ngừng bắn ấy hay không. Câu hỏi về lạc quan thật hay vờ mà thiên hạ không thể không đặt ra ở đây cũng chính vì biện luận này của phía Mỹ và chính phủ Afghanistan.
Cho tới nay đã có không ít thoả thuận ngừng bắn đạt được và được thực hiện ở Afghanistan, nhưng chưa có lần nào được các bên liên quan thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ. Việc Mỹ và đồng minh rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan không phải là chuyện bình thường và nhỏ nhoi mà là bước ngoặt tạo nên bước chuyển giai đoạn trong tình hình chính trị an ninh, ổn định cũng như đối với tương lai chính trị của đất nước này. Dùng việc thực hiện thoả thuận ngừng bắn cho thời gian có 1 tuần để quyết định chấm dứt 18 năm chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan xem ra là mong muốn nhiều hơn là một khả năng thực tế. Vả lại, duy trì ngừng bắn lâu dài mới khó chứ chỉ ngừng bắn có 7 ngày đâu có khó khăn gì đối với Taliban.
Cho nên ở đây hiện có chuyện Mỹ và Taliban muốn ký kết thoả thuận hoà bình còn phía chính phủ Afghanistan kỳ vọng - thậm chí còn có thể cả đánh cược nữa - vào kịch bản Taliban rồi sẽ thực hiện những gì đã thoả thuận với Mỹ. Cho nên ở đây có chuyện lạc quan vờ nhiều hơn là thật để duy trì đàm phán giữa Mỹ và Taliban khi hoà ước chưa thể ký kết được và chẳng có đảm bảo nào là hoà ước rồi cũng sẽ được thực hiện sau ký kết./.
Hoàng Lan