Thế giới không còn 'vùng miễn nhiễm' với virus gây Covid-19

Số người tử vong do Covid-19 tại châu Âu hôm 15/3 đã vượt ngưỡng 2.000. Như vậy, tới nay tổng số người chết trên thế giới do Sars CoV-2 là 6.000.

 

Các nước tiếp tục áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để chặn đà lây lan của dịch bệnh như cách ly người dân hay đóng cửa biên giới.

Lo ngại những tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, các thể chế tài chính như Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu, các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Anh, Canada và Thụy Sĩ hôm 15/3 đã có hành động phối hợp nhằm tăng nguồn cung tiền mặt cho các thị trường tài chính.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đồng thời giảm 1% lãi suất cơ bản nhằm trấn an các thị trường. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterrs trước đó hối thúc các chính phủ cùng nhau hành động nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái: “Tất cả chúng ta đều biết việc ngăn chặn dịch bệnh là hoàn toàn có thể, nhưng cánh cửa cơ hội đang thu hẹp. Vì vậy chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết và tương trợ toàn cầu. Tất cả các quốc gia đều phải thể hiện trách niệm của mình.”

Là nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc vẫn là quốc gia có số người tử vong cao nhất do Covid-19 (hơn 3.000 người), song châu Âu hiện mới là khu vực ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh nhất, với hơn 2.000 người tử vong, phần lớn là tại Italy và Tây Ban Nha, trong khi số ca nhiễm bệnh cũng tăng thêm 2.000 người chỉ trong 24 giờ qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tâm dịch đã chuyển sang châu Âu và châu lục này cuối tuần qua đã áp đặt những hạn chế đối với việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế nhằm bảo đảm nguồn cung nội khối.

Chính phủ Tây Ban Nha, quốc gia thứ 2 chịu tác động mạnh của Covid-19 tại châu Âu, cuối tuần qua cũng đã theo chân Italy tự cách ly người dân của mình và ra sắc lệnh tình trạng y tế khẩn cấp trong 15 ngày.

Xếp hàng mua khẩu trang ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố: “Tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng đối với toàn bộ lãnh thổ Tây Ban Nha, có hiệu lực trong 15 ngày và có thể được gia hạn nếu cần thiết. Dù rõ ràng có thể gây tác động kinh tế rất lớn, song những biện pháp này là cần thiết để bảo vệ mọi người dân và ngăn chặn sự lây lan của virus.”

Trước đà lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh, các biện pháp như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại hay hủy bỏ những sự kiện tập trung đông người đã liên tục được đưa ra và không chỉ dừng lại ở “tâm dịch” châu Âu.

Tại Mỹ, những biện pháp kiểm soát đối với người Mỹ trở về từ châu Âu đã khiến các sân bay trong tình trạng tắc nghẽn, với hàng dài người xếp hàng trong nhiều giờ. Tại New York, thị trưởng Bill de Blasio đã quyết định đóng cửa các trường học công.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 15/3 thông báo, người dân tại 7 bang của nước này, trong đó có thủ đô Caracas sẽ phải tự cách ly tại nhà bắt đầu từ hôm nay (16/3).

Israel cũng bắt đầu từ hôm 15/3 đóng cửa các nhà hàng, trung tâm thương mại, cà phê, trung tâm thể thao.

Người dân Lebanon thì phải tự cách ly tại nhà trong vòng 2 tuần, trong khi sân bay quốc tế Beyrouth sẽ phải đóng cửa từ giữa tuần này cho đến cuối tháng 3. Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad cho biết: “Bắt đầu từ ngày 18 đến 29/03, chúng tôi sẽ áp dụng lệnh đóng cửa bắt buộc đối với sân bay quốc tế Rafik al-Hariri và tất cả các biên giới trên bộ, trên không và trên biển, ngoại trừ những công dân trở về nước qua biên giới và bằng đường biển.”

Iran, quốc gia thứ 3 chịu tác động mạnh nhất của Covid-19, hôm qua thông báo thêm 113 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên hơn 700 người, trong khi số ca nhiễm là gần 14.000 người. Chính quyền Iran đã yêu cầu người dân hủy mọi chuyến đi và ở trong nhà, đồng thời đang cân nhắc áp dụng biện pháp phong tỏa một phần đối với 11 tỉnh đề ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Tại châu Phi, châu lục ít chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh, cuối tuần qua cũng ghi nhận những ca nhiễm Covid đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda, Guinea xích đạo, Cộng hòa Trung Phi, và Seychelles.

Tại châu Mỹ Latin, chính phủ Colombia đã cấm người nước ngoài nhập cảnh, trong khi Chile đóng cửa cảng biển đối với các tàu du lịch, sau khi cách ly 2 tàu du lịch với khoảng 1 nghìn 300 hành khách và thủy thủ đoàn. Tại Brazil, nước này cũng quyết định tạm hoãn các cuộc thi đấu thể thao.

Còn tại New Zealand, giới chức y tế nước này thông báo khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Golden Princess không được phép rời tàu do phát hiện trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19./.

Thu Hoài/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận