Đại dịch Covid-19 không chỉ bộc lộ rõ các hạn chế của mô hình phát triển dân chủ tự do phương Tây mà còn chỉ ra khác biệt trong cách mỗi cá nhân ứng xử với cộng đồng.
Bài học từ Trung Quốc
Trung Quốc, về cơ bản, đã chiến thắng Covid-19 trong cuộc chiến đầu tiên. Dù những người thận trọng vẫn có lí do để hoài nghi về một sự bùng phát trở lại trong tương lai nhưng những gì Trung Quốc đã làm được là không thể phủ nhận.
Cách đối phó với Covid-19 của Trung Quốc thể hiện qua tất cả những gì đã làm tại Vũ Hán. Đầu tiên, và không bao giờ xao nhãng, là sự quyết liệt. Ca nhiễm hay nghi nhiễm nào đều bị khoanh vùng, cách ly không chỉ một cá nhân đó mà toàn bộ những mối liên hệ xung quanh. Việc chặt đứt các liên hệ này được triển khai ở quy mô cao hơn, cứng rắn hơn, thậm chí cực đoan hơn là phong toả đến mức ngột ngạt toàn bộ công dân. Các gia đình phải ở lại trong nhà một cách tuyệt đối và chỉ có 1 thành viên được ra khỏi nhà mua sắm những nhu cầu cơ bản một vài lần/tuần.
Đó là biện pháp khắc nghiệt có thể mang đến sự thương tổn về tinh thần nhưng như WHO nhận định, là cách hiệu quả nhất để phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus. Khi không có các tiếp xúc xã hội và mọi thành phần nghi nhiễm đã bị cách ly, virus sẽ không thể tiếp tục lây lan.
Nhưng Trung Quốc không chỉ có các biện pháp cấm đoán. Trung Quốc còn có công nghệ. Các tiến bộ về trí thông minh nhân tạo, về khoa học dữ liệu, về tự động hoá… đã được áp dụng triệt để trong cuộc chiến chống Covid-19. Các công dân phải đăng ký toàn bộ dữ liệu di chuyển, quét mã QR để đi bất cứ đâu, để biết được nơi nào mình được phép đến và không được phép đến. Tại các vùng dịch lớn, các drone được sử dụng để đo thân nhiệt đám đông, qua đó phát hiện bất cứ cá nhân có biểu hiện bất thường nào về sức khoẻ.
Đó là một cuộc chiến tổng lực của Trung Quốc, với sự huy động tối đa nguồn lực của nhiều địa phương, một sự quản lý nhất quán, cứng rắn và thông suốt từ một chính quyền trung ương mạnh và một sự nhập cuộc ồ ạt của công nghệ.
Quan trọng nhất, là sự chấp nhận tổn thương và hy sinh của người dân ở các vùng dịch, vì lợi ích lớn hơn của cả xã hội, là sự đoàn kết tương trợ của cả xã hội cho một cuộc chiến chung.
Giá đắt của sự chần chừ
Tất cả những gì làm nên thành công ban đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến với Covid-19 lại là những gì thiếu vắng tại các nước châu Âu.
Châu Âu đã có gần 2 tháng theo dõi tình hình Trung Quốc để lên các kịch bản ứng phó nhưng vẫn thất bại để hiện tại toàn bộ châu lục tê liệt, các nước ồ ạt đóng biên, phong toả. Thế giới đóng cửa với châu Âu và châu Âu cũng buộc phải đóng cửa với thế giới để dồn sức cứu mình.
Khác biệt đầu tiên của châu Âu so với Trung Quốc, đó là không sớm vạch ra được một chiến lược ngay từ đầu và không kiên quyết dập dịch khi còn cơ hội. Italia là nước đầu tiên bị động và không đủ dũng cảm phong toả sớm các khu dân cư ở miền Bắc, khiến dịch lây lan toàn bộ lãnh thổ và buộc phải phong toả. Nhưng các nước sau Italia như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Thuỵ Sỹ cũng không rút ra được bài học từ đó.
Có rất nhiều điều khó hiểu trong cách mà các chính phủ châu Âu phản ứng. Cựu Bộ trưởng Y tế Pháp, Agnes Buzyn, người phải rời chức vụ cách đây gần 1 tháng để ra tranh cử chức Thị trưởng Paris, thuật lại rằng ngay từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, giới chuyên gia y tế đã ra cảnh báo rất khẩn cấp rằng virus Sars-Cov-2 là một virus mới rất đáng ngại vì tốc độ truyền nhiễm và phải sớm ngăn chặn. Nhưng mọi cảnh báo từ Bộ Y tế gửi lên cấp cao hơn đều không được xem xét một cách nghiêm túc. Chính phủ Pháp tin rằng họ có lí do để không phải lo ngại: vào thời điểm 21/02, nước Pháp chỉ còn duy nhất 1 ca nhiễm Covid-19 và chuẩn bị ra viện. Năng lượng của chính phủ Pháp vào thời điểm đó dành cho việc đối phó các cuộc biểu tình liên miên chống cải cách hưu trí và việc tiến hành các chiến dịch tranh cử cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào 15/03.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Anh, khi đến cách đây 2 tuần, chủ đề chính vẫn là về các đàm phán Brexit với EU. Tại Đức, đó là các tranh luận về bầu cử địa phương ở các bang cũng như cuộc đua xem ai sẽ là thủ lĩnh mới của đảng cầm quyền CDU. Ngày 4/3, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, 71% dân Đức không lo lắng gì về Covid-19, chỉ xem đó như một bệnh cúm nặng. Sự quan tâm khi đó dành nhiều cho nỗi lo người tị nạn từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ lại đổ về châu Âu.
Sự thờ ơ của chính quyền và dân chúng kéo dài cho đến khi cơ hội lớn nhất để ngăn dịch đã qua. Ngày 11/03, Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra con số choáng váng, rằng có thể 70% dân số Đức (trên 50 triệu người) có thể nhiễm bệnh. Một ngày sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, Covid-19 là đe doạ y tế nghiêm trọng nhất với nước Pháp trong 1 thế kỷ. Trong ngày hôm đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi Covid-19 là khủng hoảng lớn nhất trong một thế hệ.
Các tờ báo lớn Le Monde (Pháp) và The Guardian (Anh) tiến hành điều tra và công bố, sự thay đổi đột ngột trong phản ứng từ các chính phủ này đến từ một báo cáo mô hình hoá của Giáo sư Neil Ferguson của Trường Imperial College London cho thấy, nếu không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt như cách ly xã hôi, đóng cửa trường học… số ca nhiễm Covid-19 sẽ lên đến hàng chục triệu người, khiến hệ thống y tế các nước sụp đổ và số người thiệt mạng tại Anh và Pháp sẽ từ 300 - 500 ngàn người.
Báo cáo này được trình lên các chính phủ Anh, Pháp trong ngày 12/03, tức chỉ 5 ngày trước khi nước Pháp phải phong toả 67 triệu dân.
Câu hỏi buộc phải đặt ra, vậy chiến lược ngăn Covid-19 của các nước Pháp, Anh, Đức trước đó là gì? Một cụm từ gây ra các tranh luận dữ dội tại Anh, Pháp, Đức là “miễn dịch cộng đồng”, đặc biệt tại Anh khi Cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance đưa ra khái niệm này và cho rằng cần 60% dân số Anh nhiễm bệnh để tạo nên miễn dịch cộng đồng, qua đó chặn Covid-19 và ngăn đại dịch này tái phát trong tương lai.
Đây có lẽ chính là lựa chọn của nhiều nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sỹ) trong giai đoạn đầu tiên của dịch bởi chỉ có điều này mới có thể giải thích cho việc các nước rất chần chừ, không quyết liệt khoanh vùng, cách ly, không tiến hành xét nghiệm quy mô lớn kể cả khi dịch đã bùng phát ở Italia. Chỉ khi chiến lược này bị dư luận và giới khoa học chỉ trích dữ dội và việc mô hình hoá đưa ra con số thiệt hại sinh mạng quá lớn, các chính phủ châu Âu mới buộc phải thay đổi và cuống cuồng phong toả, đóng cửa biên giới.
Sẽ còn rất nhiều phân tích sau này về việc tại sao nhiều nước châu Âu đi theo con đường đó. Đó có phải là một lựa chọn khoa học quá rủi ro? Hay việc lựa chọn đó đã bị tác động bởi quá nhiều toan tính chính trị và kinh tế trong khi lại xem nhẹ tính mạng của người dân?
Chỉ có điều chắc chắn, đó là mô hình phát triển của các nhà nước phương Tây không thích hợp để áp dụng những gì mà Trung Quốc đã làm. Mô hình đó phân quyền và quá đề cao tự do cá nhân trong khi tình thế khắc nghiệt như một cuộc chiến tranh lại đòi hỏi phải có các quyết định triệt tiêu tự do cá nhân để bảo đảm lợi ích cộng đồng. Chống Covid-19 là một cuộc chiến sống còn chứ không còn đơn giản là một cuộc khủng hoảng.
Sâu xa hơn, đó là sự khác biệt về ý thức cộng đồng của mỗi cá nhân. Con người trong các xã hội phương Đông coi trọng và chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì xã hội, trong khi xã hội phương Tây đã quá quen với việc tự do cá nhân cao hơn mọi thứ./.
Quang Dũng - VOV/Paris