Nghiên cứu mới tiết lộ bản chất 'sống lâu' và dễ lây của SARS-CoV-2

Khả năng lây nhiễm trong thời gian dài của SARS-CoV-2 được tiết lộ trong 1 nghiên cứu mới khiến việc kiểm soát dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn.

 

Một loạt các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 đã cho thấy chủng virus này lây nhiễm trong thời gian dài hơn so với các virus cùng họ với nó, chẳng hạn như SARS và điều này sẽ khiến việc kiểm soát dịch Covid-19 gặp nhiều thách thức hơn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trung bình, những người nhiễm SARS-CoV-2 có thể loại bỏ các phân tử chứa virus này trong cơ thể họ trong khoảng thời gian tương đối lâu là 20 ngày, và có thể truyền nhiễm thậm chí trước cả khi họ xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh.

Virus này cũng tồn tại lâu trong phân của một vài trẻ em, đã cho thấy nó có thể truyền nhiễm qua đường phân - miệng, tức là phân có chứa virus SARS-CoV-2 của một đứa trẻ bị nhiễm bệnh bằng một cách nào đó có thể lây nhiễm cho 1 người khác.

Phát hiện này đã cho thấy thời gian cách ly lâu hơn là yếu tố cần thiết đối với các bệnh nhân mắc Covid-19, nghiên cứu từ đội ngũ các nhà khoa học thuộc bệnh viện Hữu nghị Nhật - Trung cho biết.

Bản chất dễ lây nhiễm của virus được chỉ ra trong nghiên cứu này đã phản ánh qua số lượng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu khi đến nay, đã có gần 250.000 người nhiễm bệnh ở hơn 172 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như khiến hơn 10.000 người tử vong.

Nghiên cứu trên được thực hiện đối với 191 bệnh nhân ở Vũ Hán, trong đó 137 bệnh nhân đã được xuất viện và 54 bệnh nhân đã tử vong trong bệnh viện ngày 31/1. Đối với các bệnh nhân nhận được các biện pháp điều trị chống virus, các phương pháp này không làm giảm thời gian loại bỏ virus, bài báo được đăng trên tạp chí khoa học The Lancet cho biết.

"Khoảng thời gian 20 ngày hoàn toàn vượt quá thời gian loại bỏ virus đối với các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng. Thời gian loại bỏ virus tương đối lâu hơn tức là thời gian điều trị chống virus cần lâu hơn và thời gian cách ly nên lâu hơn", chuyên gia Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Cao Bin cho biết ngày 11/3.

Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong thời gian dài hơn so với các virus cùng họ với nó, chẳng hạn như SARS. Ảnh: AFP

Các nhà nghiên cứu ở Quảng Châu và Đại học Hong Kong (Trung Quốc) ước tính rằng 44% việc lây nhiễm có thể xảy ra trước khi một người nhiễm bệnh thể hiện rõ các triệu chứng. Đó là một phần nguyên nhân khiến dịch Covid-19 dễ lây lan hơn SARS.

Nghiên cứu được tiến hành trên 94 bệnh nhân ở Quảng Châu còn chỉ ra rằng việc ngăn chặn virus lây lan sẽ khó khăn hơn nhiều nếu tỷ lệ lây nhiễm trước khi các triệu chứng xuất hiện ở mức cao. Các biện pháp giảm nhẹ như giãn cách xã hội có lẽ sẽ hiệu quả hơn, bài báo này cho biết.

"Chỉ theo dõi tiếp xúc và cách ly sẽ ít có khả năng thành công nếu hơn 30% việc lây nhiễm xảy ra trước khi các triệu chứng xuất hiện. Với một tỷ lệ đáng kể các ca lây nhiễm tiền triệu chứng, các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân và giãn cách xã hội có thể là những biện pháp quan trọng để kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng".

Trong một bài báo khác được xuất bản trên tạp chí Nature Medicine tuần trước, các nhà khoa học ở tỉnh Quảng Châu đã nghiên cứu 10 trẻ em có độ tuổi từ 2 tháng tuổi - 15 tuổi và phát hiện ra rằng 8 trong số trẻ em này vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 ở mẫu lấy từ trực tràng sau khi các mẫu xét nghiệm lấy từ mũi đã có kết quả âm tính.

"Điều này cho thấy có thể loại bỏ virus qua đường dạ dày - ruột và con đường truyền nhiễm phân - miệng là có thể xảy ra", nghiên cứu trên cho biết.

"Những phát hiện nãy cũng cho thấy việc xét nghiệm mẫu lấy từ trực tràng có lẽ sẽ hữu ích hơn mẫu lấy từ vòm mũi họng trong việc đánh giá tính hiệu quả của quá trình điều trị và quyết định thời điểm kết thúc quá trình cách ly"./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

Theo SCMP

 

Bình luận

    Chưa có bình luận