Sẵn sàng các biện pháp khẩn cấp
The SCMP, trong cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 26/3, lãnh đạo các nước G20 đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí trong việc triển khai mọi nguồn lực cần thiết để ngăn chặn chặn đại dịch Covid-19.
Theo đó, G-20 khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung các trang thiết bị y tế cùng nhu yếu phẩm cần thiết xuyên biên giới cũng như ngăn chặn khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lời khẳng định trên được G-20 đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các trang thiết bị y tế nhằm dồn nguồn lực cho việc phòng, chống đại dịch Covid-19 trong nước. Để đối phó với vấn đề này, lãnh đạo G20 cho biết, họ sẽ đứng ra điều phối nhằm ngăn chặn “những sự can thiệp không cần thiết”.
Lãnh đạo G20 nhấn mạnh: “Các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân sẽ được triển khai tới đúng đối tượng, với số lượng thích hợp, minh bạch và mang tính chất tạm thời”.
Ngoài ra, lãnh đạo G-20 cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ đại dịch G-20 có thể tác động nghiêm trọng đến các quốc gia dễ bị tổn thương như châu Phi và những người tị nạn.
Lãnh đạo G-20 ghi nhận tính cấp thiết của việc thúc đẩy mạng lưới an ninh tài chính toàn cầu và hệ thống y tế của mỗi quốc gia. Tuyên bố của G-20 nêu rõ: “Chúng tôi cam kết sẽ hình thành một mặt trận thống nhất chống lại những mối đe dọa chung”.
Trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước G20 ủng hộ những nỗ lực mang tính toàn cầu trong việc chống lại đại dịch Covid-19, trong đó có việc cung cấp ngân sách và tăng cường sản xuất các trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế trong bối cảnh những trang thiết bị này đang bị thiếu hụt trên quy mô toàn thế giới.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta, đặc biệt là nhóm G20, cần thể hiện trách nhiệm toàn cầu trong vấn đề này. G20 cần phải sẵn sàng ủng hộ mọi quốc gia khác trên thế giới”. Ông Ghebreyesus cảnh báo, đại dịch Covid-19 “đang lây lan với tốc độ chóng mặt”.
Gạt bỏ mọi hiềm khích
Bên cạnh những nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, các nước G-20 cũng đưa ra những cam kết về kinh tế với tổng trị giá lên đến 5.000 tỷ USD cùng các giải pháp đảm bảo tính thanh khoản trên quy mô lớn, các gói tín dụng bảo đảm khác nhằm giải cứu nền kinh tế toàn cầu trước tác động của đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố của mình trước G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ chi tiết khoản tiền 6.000 tỷ USD mà nước này “dành sẵn để hỗ trợ các quốc gia” cũng như các biện pháp tăng cường tính thanh khoản của Cục Dự trữ liên bang (FED), trong đó bao gồm cả khoản chi tiêu ngân sách trị giá 2.000 tỷ USD. Ông Trump cũng đề cập đến việc sẵn sàng ủng hộ các hành động đa phương trong nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19.
Khác với những lần nhóm họp G20 trước, cuộc họp trực tuyến lần này không chứng kiến những bất đồng giữa các quốc gia như e ngại trước đó từ giới quán sát. Đã không có những cuộc tranh cãi về giá dầu mỏ giữa Saudia Arabia và Nga hay những cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Một số nước khác đã lên tiếng kêu gọi G20 cần đóng vai trò thiết yếu như trong thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008-2009 khi các nước thành viên cam kết đưa nhiều gói kích thích kinh tế và thanh khoản tài chính vào nền kinh tế toàn cầu.
G20 cũng hối thúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) “ủng hộ các quốc gia trong việc triển khai mọi biện pháp cần thiết ở mức cao nhất” để đối phó với đại dịch Covid-19. Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, bà đang cân nhắc tăng gấp đôi gói tài chính khẩn cấp hiện có tổng trị giá 50 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển trong vấn đề này.
Ngoài ra, để thúc đẩy tính thanh khoản toàn cầu, bà Kristalina Georgieva yêu cầu G20 ủng hộ kế hoạch của quỹ này trong việc cho phép các nước thành viên được sử dụng tạm thời một phần trong tổng số tiền 1.000USD từ các nguồn sẵn có. Các biện pháp này từng được IMF triển khai hồi năm 2009 với số tiền phân bổ trị giá 250 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ sớm lấp đầy khoản thiếu hụt tài chính chi cho các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của WHO cũng như sẵn sàng chia sẻ các dữ liệu về dịch bệnh và các biện pháp ứng phó về dịch bệnh trên toàn cầu./.
Trần Khánh/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP