Covid-19, kinh tế và cuộc chiến tái cử: Liệu Trump có 'thất thủ'?

Đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ trở thành cú 'ngã ngựa' trong sự nghiệp kinh tế của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.

 

Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất toàn cầu khiến nền kinh tế nội địa “nhiễm bệnh” trầm trọng. Tất cả đang giáng một đòn chí mạng vào cơ hội tái đắc cử của Donald Trump trong năm 2020, khi lợi thế kinh tế đang trở thành “gót chân Asin” của Tổng thống.

Kinh tế làm nên Trump

Từ năm 2016, cùng với chủ nhân mới của Nhà Trắng - Donald Trump, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thực hiện những bước tiến thuyết phục. Chỉ 19 tháng sau khi Trump đăng vị, quy mô kinh tế Mỹ tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD, gấp gần 3 lần thời điểm cùng kỳ của người tiền nhiệm - Barack Obama; và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng liên tiếp đến hết năm qua. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tiến đến 27% trong bối cảnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết gần ngưỡng kỷ lục. 3,9 triệu người Mỹ tìm được việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Từ cuối tháng 6/2018, có tổng cộng 6,7 vị trí tuyển dụng trong các công ty Mỹ, trong khi chỉ 6,6 triệu người Mỹ được phân loại là thất nghiệp - một khoảng trống lao động chưa từng có tiền lệ.

trong 3 năm liên tiếp, ông chủ Nhà Trắng đã làm nên dấu ấn cá nhân của mình khi luôn đặt nền kinh tế Mỹ ngoài vòng suy thoái trong bối cảnh kinh tế thế giới luôn chao đảo. (Ảnh: Reuters)

Như vậy, trong 3 năm liên tiếp, ông chủ Nhà Trắng đã làm nên dấu ấn cá nhân của mình khi luôn đặt nền kinh tế Mỹ ngoài vòng suy thoái trong bối cảnh kinh tế thế giới luôn chao đảo.

Để làm được điều này rõ ràng là Trump không chỉ thể hiện kinh nghiệm đơn thuần của một tỷ phú. Vượt ra ngoài biên giới, tầm vóc của ông chủ Nhà Trắng đã được chứng minh bằng những lợi ích lớn từ cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Đầu năm 2020, Washington dẫn trước Bắc Kinh tại “hiệp đầu” trong cuộc xung đột kinh tế mà rồi đây sẽ trở thành lịch sử khi một hiệp định đàm phán song phương được đưa ra trong bối cảnh thuế quan Trung Quốc thất thế trước Mỹ. Từ hiệp định này, Mỹ tiếp tục giữ mức thuế 25% vào 2/3 hàng ngoại nhập có xuất xứ Trung Quốc, buộc Bắc Kinh trở thành “bạn hàng bất khả kháng” trong tầm nhìn 2 năm tới và áp đặt lệnh trừng phạt lên Huawei, quân át chủ bài ngành viễn thông Trung Quốc trên đất Mỹ.

Tại nước Mỹ, nhờ sự mềm mỏng trong cơ chế giám sát, niềm tin của các doanh nghiệp đang quay trở lại; trong khi niềm tin của người tiêu dùng nước Mỹ cũng ở mức cao nhất trong vòng 18 năm qua - một sự thay đổi đáng kể so với con số thống kê được đưa ra vào buổi sơ nhiệm của Trump. Những thành tựu này đều là kết quả trực tiếp của chính sách hiệu quả hay ít nhất là gián tiếp từ một quan điểm khác biệt trong quản trị kinh tế của Trump. "Quan điểm của ông Trump là không trừng phạt doanh nghiệp. Chúng tôi muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp làm ăn và tuyển dụng", ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.

Chính “lá bài tăng trưởng kinh tế” cùng những hiệu quả chứng minh “sức mạnh Mỹ” gây tranh cãi trong các mối quan hệ quốc tế đã giúp Trump vượt qua những “đòn đánh” liên tục từ Đảng Dân chủ, làm câu chuyện niềm tin “Đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại” lại dấy lên, củng cố vị trí ông chủ Nhà Trắng.

Với những chiến thắng lớn trên thương trường như vậy, sẽ là khả quan khi cho rằng Trump sẽ tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới nếu như thảm kịch lớn mang tên Covid-19 không đặt chân đến nước Mỹ.

“Cú ngã ngựa” mang tên Covid-19…!?

Giới quan sát Mỹ cho rằng: nếu trong thời gian qua, nước cờ kinh tế từng là lợi thế thì nay đã trở thành “gót chân Asin” của Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử.

Trước hết, đó là sự đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nỗi bất an xoay quanh các vấn đề việc làm, tiền lương, phúc lợi xã hội,... của hơn 330 triệu người dân Mỹ; bắt nguồn từ sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Chỉ trong tuần qua, Mỹ đã ghi nhận 6,65 triệu trường hợp xin trợ cấp thất nghiệp. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến sự chao đảo lớn nhất trong quý đầu năm nay; với ngày thứ Hai "đen tối" khi chỉ số Dow Jones giảm sâu tới 12,9% - mức độ nghiêm trọng được so sánh với “cú sốc” năm 1987. Năng lực xử lý khủng hoảng của Chính phủ Trump trước đại dịch y tế lớn nhất kỷ hiện đại sẽ tiếp tục bị chỉ trích khi nền kinh tế Mỹ nói riêng hay nước Mỹ nói chung đang bị đặt vào tình thế hiểm nghèo.

Cử tri Mỹ tham gia cuộc bầu cử sơ bộ cuối tháng 2/2020. (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích cho rằng, tâm thế hỗn loạn của xã hội Mỹ giữa đại dịch đã tác động ít nhiều tới lá phiếu cử tri. Điều đó là một bất lợi cho Trump bởi những phát ngôn gây tranh cãi của ông ở giai đoạn đầu dịch. Chỉ đến khi thế giới vào đỉnh dịch, nước Mỹ bất ngờ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh, vượt cả Trung Quốc, Trump mới nhắc tới Covid-19 như một “kẻ thù vô hình” có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy rằng sau đó, Chính phủ Trump đã quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp chặn dịch, với nỗ lực khôi phục lại niềm tin của dân chúng; song, liệu những phản ứng đó có phải là quá muộn khi Covid-19 đã trở thành tâm chấn ở nước Mỹ?

Trong trường hợp dịch bệnh không được khống chế tại Mỹ thì dù Tổng thống Donald Trump có nói gì chăng nữa cũng khó mà lấy được niềm tin của cử tri. Trong suốt 3 năm qua, Trump đã duy trì tỷ lệ ủng hộ ở mức khả quan 45-55%; nhưng trong mùa dịch hiện nay, việc giữ vững tỷ lệ này là một thách thức không nhỏ. Thêm vào đó, khả năng đại dịch khiến số lượng cử tri bỏ phiếu trực tiếp giảm sẽ có lợi cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ vốn nhận được sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi sử dụng thành thạo internet. Trong khi đó cuộc bầu cử tháng 11 đang tiệm cận.

Như vậy, đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ trở thành cú “ngã ngựa” trong sự nghiệp kinh tế của Trump.

Kinh tế vẫn là “lá bài chốt” của Trump

Trong giai đoạn tiệm cận chiến dịch tranh cử lúc này, sau những thị phi không đáng có trên mặt trận truyền thông, cơ hội duy nhất cho Trump là chặn lại nền kinh tế đang lao dốc.

Có thể thấy, Trump đang có những thay đổi thiết thực để cứu vãn nền kinh tế, hay nói cách khác, cứu vãn cơ hội ở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới; bằng cách ban hành các gói cứu trợ và đưa ra hàng loạt quyết định trực tiếp nhằm bình ổn tình hình nước Mỹ. Chính quyền Trump thể hiện sự quan tâm đến khối doanh nghiệp khi chính thức thông qua việc cắt giảm thuế thu nhập và cung ứng nhiều khoản vay tín dụng lãi suất thấp cho các công ty bị buộc phải đóng cửa trong thời gian cách ly xã hội. Mặt khác, gói kích thích kinh tế 2.200 tỷ USD của chính phủ có hiệu lực từ 27/3 vừa qua đang trở thành “phao cứu sinh” cho nghiệp chính trường của Trump.

Thêm vào đó, với quan ngại tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và kinh tế suy giảm sẽ tác động sâu sắc đến cơ hội tái đắc cử vào tháng 11 tới, Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ ý muốn đẩy nhanh quá trình khởi động nền kinh tế hậu đại dịch với việc ấn định thời gian chính thức hạ màn cô lập. Trên sóng Fox News, Trump trả lời lý do chọn ngày 12/4 để “mở cửa nước Mỹ”: "Chúng ta sẽ mở cửa đất nước phi thường này, bởi vì chúng ta phải làm thế. Tôi thích mở cửa vào ngày lễ Phục sinh. Đó là một ngày quan trọng vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn biến nó trở thành một ngày quan trọng cho điều này". Theo Washington Post, quan điểm trên của ông Trump cũng nhận được sự ủng hộ của phần đông nghị sĩ đồng đảng.

Thành công hay thất bại của Donal Trump sẽ phụ thuộc vào cách thức ông đối đầu với dịch bệnh Covid-19 bằng lợi thế thuyết phục nhất từ trước đến nay: kinh tế. Chỉ khi kinh tế Mỹ xuất hiện những dấu hiệu khả quan trước thềm bầu cử thì Trump mới mở ra cơ hội giành chiến thắng.

Do vậy, dù vẫn giữ ưu thế, Tổng thống Trump cũng đang đứng trước rủi ro lớn, khi mà đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp./.

Diệp Thảo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận