Căng thẳng quan hệ Australia-Trung Quốc chuyển sang trả đũa thương mại

Đêm 11/5, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt từ 4 công ty Australia đe dọa sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng lúa mạch...

 

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Australia với Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn trả đũa thương mại sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ một số công ty Australia, đe dọa áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia trong khi Australia không loại trừ khả năng đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo tin của báo điện tử Người Australia ngày 12/5, vào đêm qua (11/5) Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt từ 4 công ty Australia, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế chống bán phá giá từ 70 đến 80% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia bắt đầu từ cuối tuần này.

Thịt bò Australia là một mặt hàng được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: The Land.

Truyền thông Australia cũng cho biết, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá kéo dài 18 tháng đối với lúa mạch Australia và có khả năng nước này sẽ áp thuế chống bán phá đối với sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia từ ngày 19/5 sắp tới.

Trước đó, trong các phát biểu vào ngày 11/5, các quan chức chính phủ Australia hy vọng rằng các quyết định của Trung Quốc không liên quan đến việc Australia thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia - David Littleproud khẳng định, các nhà sản xuất lúa mạch Australia không yêu cầu được đối xử đặc biệt mà chỉ cần được đối xử công bằng như các nhà sản xuất khác trên thế giới. Và nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận cho vấn đề lúa mạch, không loại trừ khả năng Australia có thể kháng cáo Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới.

Cũng trong ngày 11/5, ông Simon Birmingham, Bộ trưởng Thương mại Australia cho biết, nước này đang chuẩn bị kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới sau khi Trung Quốc đe dọa áp thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia.

Ông Birmingham khẳng định, Australia sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể, bao gồm thông qua Tổ chức Thương mại thế giới để bảo vệ quyền của người nông dân và các nhà sản xuất lúa mạch trong nước.

Quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc vốn đã căng thẳng từ nhiều năm nay sau khi Australia cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào hệ thống chính trị Australia.

Mối quan hệ này tiếp tục trở nên xấu thêm trong tháng qua sau khi Australia tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập toàn cầu về dịch Covid-19 để các nước trên thế giới có thể tránh được một đại dịch tương tự trong tương lai./.

Hữu Tiến/VOV-Australia

 

Bình luận

    Chưa có bình luận