Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc nhưng rồi đã nhanh chóng lây lan sang châu Âu và biến châu lục này thành một trong những tâm điểm dịch bệnh mới. Trong tâm dịch ấy, nước Anh là một trong những tâm dịch chính.
Diễn biến của dịch bệnh này ở nước Anh còn là chuyện rất độc đáo. Theo số liệu được trường Đại học tổng hợp Johns-Hopkins CSSE công bố cho đến thời điểm 5h30 ngày 13/5/2020, ở nước Anh có 227.741 trường hợp bị nhiễm dịch bệnh và 32.769 người bị tử vong vì dịch bệnh, chỉ riêng trong 24 giờ trước đó có thêm 4.643 trường hợp bị lây nhiễm bệnh. Đảo quốc này đứng thứ 4 trong số những nước có nhiều ca lây nhiễm bệnh nhất, sau Mỹ, Nga, Tây Ban Nha và chỉ đứng, sau Mỹ về số người bị tử vong nhiều nhất vì dịch bệnh.
Điều đáng nói ở đây là so với những nơi khác trên thế giới, nước Anh là đảo quốc nên lẽ ra việc kiểm soát dịch bệnh, phòng ngừa dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào dễ dàng hơn. Chẳng hạn như lợi thế đảo quốc này đã góp phần giúp cho Australia và New Zealand nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Việc đích thân thủ tướng Anh Boris Johnson bị lây nhiễm dịch bệnh và may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần vừa là một hình ảnh biểu trưng cho mức độ tác oai tác quái ghê gớm của dịch bệnh lại vừa là một lợi thế mà ông Johnson có thể tận dụng cho việc lãnh đạo và dẫn dắt nước Anh đối phó với dịch bệnh. Ở đâu cũng vậy, trong những tình thế khó khăn, người dân thường tập hợp xung quanh lãnh đạo để cùng ứng phó.
Nước Anh trở thành một tâm dịch trong tâm dịch trước hết bởi chính phủ của ông Johnson giống như chính phủ Mỹ và các nước thành viên EU đều đã đánh giá quá thấp mức độ tác động nguy hiểm của dịch bệnh này và khả năng lây lan của nó. Tất cả đều có được thông tin từ rất sớm về dịch bệnh bùng phát và lây nhiễm từ Trung Quốc ra thế giới bên ngoài nhưng đều không tận dụng thực tế ấy để thực thi ngay những biện pháp chính sách cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Nước Anh là một trong những nơi trên thế giới chủ trương áp dụng "miễn dịch cộng đồng" làm chiến lược ứng phó dịch bệnh này. Ông Johnson đã tin theo khuyến nghị của các nhà khoa học trong nhóm cố vấn chính sách cho mình. Nhưng rồi thực tiễn cho thấy chiến lược ấy đều đã phá sản hoặc đang không thể thành công ở tất cả mọi nơi đã được thực thi trên thế giới. Bởi thế, ông Johnson rồi cũng đã phải chuyển sang thực hiện biện pháp như đa số các nước thành viên EU và cả Mỹ cũng đều đã phải áp dụng là cách ly xã hội. Một khi dịch bệnh đã lây lan đến và chiến lược "miễn dịch cộng đồng" không ngăn cản được mức độ, tốc độ lây lan và gây chết chóc của dịch bệnh thì việc thực hiện cách ly toàn xã hội là không thể tránh khỏi nhưng đều đã muộn, nếu như không muốn nói là có phần quá muộn.
Cách ly toàn xã hội giúp kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại tác động tiêu cực và tai hại về kinh tế, thương mại và xã hội. Bởi thế, việc thực hiện biện pháp chính sách này càng quyết liệt và càng kéo dài thì áp lực của việc nới lỏng cách ly toàn xã hội càng tăng. Trong khi các nước khác ở châu Âu mò mẫm tìm lộ trình nới lỏng thích hợp thì ông Johnson vẫn phải quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội ở nước Anh. Chính phủ Anh hoàn toàn không dựa cậy vào EU và tham vấn với EU về phối hợp hành động ứng phó dịch bệnh.
Dịch bệnh này cũng làm bộc lộ mọi yếu kém và bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế ở nước Anh, đặc biệt đối với những người cao tuổi sống trong các trung tâm dưỡng lão - hơn 40% người tử vong vì dịch bệnh ở Anh là người cao tuổi sống trong các trung tâm dưỡng lão. Cách ứng phó dịch bệnh chủ quan, chậm trễ và thiếu bài bản của chính phủ ông Johnson đã khiến cho đảo quốc này phải trả giá đắt và còn mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thể kiểm soát được dịch bệnh./.
Hoàng Lan